Nới hạn điền để tích tụ ruộng đất. Bài 2: "Nút thắt" tiêu thụ nông sản

25/05/2017 07:39

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, "nút thắt" chính trong sản xuất nông nghiệp hiện nay không phải vấn đề hạn điền mà là tìm đầu ra tiêu thụ nông sản bền vững.






Tổng đàn lợn của tỉnh Hải Dương năm 2016 đã vượt mức quy hoạch đến năm 2020. Ảnh: Thành Chung

"Tính ngược"

Vấn đề thời sự đang được cả nước quan tâm nhất hiện nay là giá thịt lợn hơi giảm xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Lúc thấp nhất, giá thịt lợn hơi chỉ còn 15.000 đồng/kg, khiến người nuôi lợn thua lỗ nặng. Nguyên nhân do công tác quy hoạch chưa thật sát giữa cung - cầu, người dân liên tục tăng đàn nuôi.

Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tổng đàn lợn đến năm 2020 dự kiến có 600.000 con nhưng đến hết năm 2016 tổng đàn đã đạt gần 658.000 con. Đàn lợn phát triển nhanh, thị trường đầu ra phụ thuộc hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, khi thị trường này dừng nhập khẩu, giá thịt lợn xuống rất thấp. Người chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần, bán cũng lỗ, nuôi cầm cự cũng không xong.

Người trồng vải Thanh Hà, Chí Linh vừa chạm niềm vui xuất khẩu thành công vải thiều sang Mỹ năm 2015 thì vụ thu hoạch vải năm 2016 không xuất khẩu được quả vải nào sang thị trường này. Nguyên nhân do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả vải vượt ngưỡng phía đối tác quy định. Vải tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên giá có lúc hạ chỉ còn 7.000-10.000 đồng/kg. Vùng trồng su hào, bắp cải ở Gia Lộc, cà rốt ở Đức Chính (Cẩm Giàng), cà chua Thượng Đạt (TP Hải Dương), dưa lê Tứ Kỳ, quất Thanh Hà hay củ đậu ở khu C (Kim Thành) từng nhiều lần lâm vào cảnh mất giá.

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ được 20% sản phẩm nông nghiệp cho nông dân đã là thành công. Do vậy, câu hỏi đặt ra là 80% nông sản của bà con sẽ tiêu thụ ở đâu? Theo ông Phú, Hải Dương mới có một vài doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân được vài trăm ha lúa, rau màu và đây chỉ là mô hình mẫu. Ông Phú thừa nhận sẽ rất khó mở rộng mô hình này cho toàn bộ 20.000 ha rau vụ đông, 10.000 ha rau các loại, 20.000 ha hoa quả... mỗi năm.

Ông Đặng Văn Trình, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp Hải Hưng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng những năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, bước đầu tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá đủ sức cạnh tranh. Từ đó đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất lớn theo chuỗi hàng hóa nhưng còn rủi ro, thiếu bền vững. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp hiện nay cần phải làm song song 2 việc, vừa phải tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, vừa phải tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp, tạo ra giá trị hàng hóa cao. "Tại sao chúng ta chỉ nhằm vào hạn điền mà không quan tâm đến đầu ra cho nông sản. Hai việc này phải song hành với nhau. Sản phẩm làm ra phải bán được. Vì vậy, hình thức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phải gắn liền với nhau bằng pháp lý", ông Trình phân tích.

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, công tác quy hoạch của ngành nông nghiệp nói chung luôn ở thế "tính ngược". Ông Võ mượn hình ảnh một người kinh doanh để liên hệ với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trước khi quyết định sản xuất, kinh doanh một mặt hàng, người kinh doanh phải tìm hiểu nhu cầu của thị trường, tìm đầu ra, thấy bán chạy, bán đắt mới quay về mở rộng sản xuất. Tương tự, ngành nông nghiệp cũng phải “nhìn” đầu ra trước khi bắt tay vào mở rộng sản xuất. Ông Võ cho rằng vấn đề lớn đặt ra cho cả ngành nông nghiệp hiện nay là phải làm thế nào để thoát khỏi khó khăn, xử lý dứt điểm được những cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn, dưa hấu như thời gian qua. Chỉ khi bài toán trên được giải quyết thì ngành nông nghiệp mới có đủ điều kiện cho việc nới hạn điền, tích tụ đất đai, đầu tư sản xuất quy mô lớn. Khi đó, bất kỳ nông dân nào cũng có thể tích tụ đất đai, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo khả năng và nhu cầu.

Phát triển nông sản thế mạnh

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững cần phải tính toán cụ thể tổng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp, gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để từ đó vẽ lại "bản đồ" vùng sản xuất nông nghiệp, tức là phải có quy hoạch và kế hoạch cụ thể. Đây là điều kiện tiên quyết, từ đó tạo ra những vùng chăn nuôi, trồng trọt chất lượng cao gắn với thương hiệu.

Hải Dương có nhiều loại cây thế mạnh, đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa như vải thiều ở Thanh Hà, Chí Linh; hành, tỏi, nếp cái hoa vàng ở Kinh Môn; cà rốt ở Cẩm Giàng; rau, củ, quả ở Gia Lộc, Tứ Kỳ... Với điều kiện thuận lợi về đất, nước, vị trí địa lý, các chuyên gia cho rằng Hải Dương không nhất thiết phải giữ vững diện tích đất trồng lúa nhưng phải trong khuôn khổ an ninh lương thực cả nước. Tỉnh cần xác định rõ các cây thế mạnh, cây đặc sản để phát triển. Công tác quy hoạch phải gắn liền với tìm đầu ra bền vững.

Theo nhiều chuyên gia, nông sản hiện nay phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường lớn lại dễ tính nên tạo tâm lý cho người sản xuất không nhất thiết cứ phải làm ra sản phẩm chất lượng cao. Đây là suy nghĩ rất nguy hiểm bởi thị trường này dừng nhập khẩu, đồng nghĩa với việc người dân không thể bán được cho thị trường khác. Để có đầu ra bền vững, cần đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tìm tới những thị trường khó tính hơn.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, nông dân cần thay đổi tư duy về cách làm nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng. Nói về vấn đề này, ông Đặng Văn Trình còn nhớ câu chuyện cách đây hơn chục năm khi về chơi với một người bạn quê vải Thanh Hà. “Trong một lần bạn dẫn đi thăm vườn vải của gia đình, nhìn những chùm vải chín mọng, đỏ căng, tôi định hái ăn, nhưng lập tức bị ngăn lại”, ông Trình kể. Người bạn của ông cho hay những cây vải này vừa mới phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ để bán, người nhà ăn có cây khác không phun thuốc tuy mã hơi xấu!

Câu chuyện khác về quả vải, năm 2015, nhờ liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Xuất khẩu Rồng Đỏ, vải thiều Hải Dương xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, EU, Úc... Đây là những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, mở ra nhiều triển vọng phát triển thương hiệu cho quả vải Hải Dương. Song đến mùa vải 2016, không có quả vải nào được xuất sang thị trường Mỹ do dư lượng thuốc bảo vệ vượt ngưỡng cho phép. Đã đến lúc, người dân cần thay đổi tư duy về nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra sản phẩm có giá trị lớn chứ không phải số lượng.

Để làm được nông nghiệp chất lượng cao, nông dân phải tiếp cận được máy móc, công nghệ hiện đại. Họ rất cần sự trợ giúp của doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước... Hiện nay, vai trò của "mối liên kết 4 nhà" còn khá mờ nhạt. Sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước chưa đủ mạnh để nông dân làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Có lúc, nông dân vẫn bơ vơ, không biết phải làm gì trên chính mảnh ruộng của mình. Để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, "mối liên kết 4 nhà" trong nông nghiệp cần chặt chẽ, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. "Đã đến lúc tất cả các sản phẩm nông nghiệp phải có nguồn gốc rõ ràng. Người mua chỉ cần dùng một chiếc điện thoại là có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm mình mua được sản xuất thế nào, có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không", ông Đặng Văn Trình nói.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nới hạn điền để tích tụ ruộng đất. Bài 2: "Nút thắt" tiêu thụ nông sản