Đồng chí Phùng Quang Thanh đã đi xa nhưng hình ảnh chân tình, gần gũi, tấm gương mẫu mực... sẽ mãi còn in đậm trong tâm trí của thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay.
Nhận được tin Đại tướng Phùng Quang Thanh, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần, lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cán bộ, chiến sĩ toàn quân bùi ngùi, xúc động và tiếc thương vô hạn.
Đại tướng Phùng Quang Thanh là một tấm gương Bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu; người cộng sản kiên trung, mẫu mực; người đồng chí trọn vẹn nghĩa tình; người chỉ huy can trường, mưu trí, dũng cảm, quyết đoán trong chiến đấu và sáng tạo, tài năng trong lãnh đạo, chỉ huy quân đội suốt một chặng đường dài của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Lịch sử Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam qua gần 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành vốn đã rất nhiều những dấu ấn sự kiện, chiến công oai hùng, lại càng trở nên phong phú, sống động hơn, bởi trong đó có những đóng góp xứng đáng của Đại tướng Phùng Quang Thanh!
1. Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2.2.1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là TP Hà Nội). Cụ thân sinh là Phùng Quang Sức, sinh năm 1917, sớm tham gia hoạt động cách mạng và hy sinh khi người con duy nhất là Phùng Quang Thanh còn rất nhỏ. Bởi thế, tuổi thơ của đồng chí Phùng Quang Thanh đã phải trải qua nhiều thiệt thòi, cơ cực.
Lên tám tuổi, Phùng Quang Thanh đã phải tần tảo vừa lao động, vừa học tập. Những tấm gương anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến đã gieo vào tâm trí Phùng Quang Thanh sự cảm phục sâu sắc, cùng tình yêu Tổ quốc cháy bỏng. Những năm 1965-1966, chứng kiến máy bay Mỹ đánh phá Thủ đô Hà Nội và kho xăng dầu Đức Giang, giết hại đồng bào ta, lại được nghe lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”... đã khắc ghi những dấu ấn đậm nét trong nhận thức, tâm hồn, ý chí của người thanh niên Phùng Quang Thanh và giúp đồng chí sớm giác ngộ cách mạng.
Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm hỏi, động viên các khối quân chủ lực Quân đội nhân dân, nữ dân quân du kích, Công an nhân dân tham gia Lễ duyệt binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 28.4.2015. |
Là người con duy nhất của gia đình liệt sĩ, theo chế độ chính sách, Phùng Quang Thanh được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng, hòa vào khí thế thanh niên cả nước sục sôi lên đường vào Nam đánh Mỹ và noi theo tấm gương hy sinh, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của người cha, chàng thanh niên Phùng Quang Thanh nung nấu quyết tâm vào bộ đội để được trực tiếp chiến đấu, đánh đuổi quân xâm lược.
Phùng Quang Thanh đã viết hai lá đơn tình nguyện nhập ngũ, một lá đơn gửi Xã đội trưởng xã Thạch Đà, còn một lá đơn gửi Huyện đội trưởng huyện Yên Lãng. Tháng 7.1967, khi vừa 18 tuổi, Phùng Quang Thanh lên đường nhập ngũ và chưa đầy một năm sau đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Bắt đầu từ đây là một chặng đường sôi nổi, đầy nhiệt huyết và dũng khí của một binh nhì, sau này trở thành Đại tướng của QĐND Việt Nam; từ một chiến sĩ phát triển lên chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; từ một đứa trẻ mồ côi cha trở thành Anh hùng LLVT nhân dân và được đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (năm 2018).
2. Khi được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, đồng chí Phùng Quang Thanh là Thượng sĩ, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Chiến công đặc biệt xuất sắc và phẩm chất anh hùng của đồng chí được khẳng định, ghi nhận khi tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào, trên cương vị Trung đội trưởng vào tháng 2 và tháng 3.1971, chỉ huy trung đội đánh hai trận đều đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần cùng tiểu đoàn diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địch, riêng đồng chí Phùng Quang Thanh diệt 12 tên, bắt sống 1 tên, thu 1 súng.
Ngày 10.2.1971, đồng chí Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ huy 1 tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng một đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tiến công chốt. Đồng chí Phùng Quang Thanh bình tĩnh chỉ huy, tổ chức chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quanh Thanh diệt 8 tên địch. Hai ngày sau, địch tiến công lên chốt, đồng chí Phùng Quang Thanh bị thương ở tay trái, cấp trên cho lui về tuyến sau, nhưng đồng chí xin ở lại chiến đấu.
Đơn vị do đồng chí Phùng Quang Thanh chỉ huy diệt 37 tên địch, bắt sống 1 tên, thu 2 súng. Sau chiến công đặc biệt này, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngay sau khi kết thúc chiến dịch.
Được phong tặng anh hùng từ lúc còn rất trẻ, nhưng đồng chí Phùng Quang Thanh không thỏa mãn dừng lại, mà nhận thức rõ vinh dự, trách nhiệm của bản thân đối với tổ chức và đồng chí, đồng đội. Phát huy phẩm chất của người anh hùng LLVT nhân dân, đồng chí Phùng Quang Thanh tiếp tục trưởng thành trong chiến đấu, trải qua nhiều cương vị công tác trong QĐND Việt Nam.
Dù đảm đương nhiều cương vị công tác khác nhau, đồng chí luôn giữ vững phẩm chất và bản lĩnh của người chiến sĩ từng vào sinh ra tử. Ở cương vị nào cũng nguyên vẹn một Phùng Quang Thanh kiên cường, luôn sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, hướng tới cái đích lớn nhất là vì Tổ quốc, vì nhân dân.
3. Trên cương vị Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ năm 2006 đến năm 2016), Đại tướng Phùng Quang Thanh đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của sự nghiệp cách mạng và xây dựng quân đội. Trong giai đoạn này, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN với mục tiêu, yêu cầu rất cao; giải quyết kịp thời những vấn đề nhạy cảm, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và những yếu tố ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
QĐND Việt Nam đã phối hợp, đoàn kết tốt với Công an nhân dân và các lực lượng khác, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị-xã hội để thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước. Giữ vững và khẳng định vai trò của quân đội thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cùng với đó, quân đội luôn làm tốt công tác nắm bắt, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xây dựng thế trận biển, đảo vững chắc; tích cực tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; làm tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc...
Đặt biệt, giai đoạn này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trong đó có đóng góp quan trọng của Đại tướng Phùng Quang Thanh, đã đề xuất với Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng QĐND Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy nhận thức lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc ở các cấp và giữ vững trận địa lòng dân; có nhiều quyết sách, chỉ đạo quan trọng trong nhận diện, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố có thể gây ra đột biến; xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng...
Quân đội có những bước tiến rõ rệt về đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, SSCĐ, thực hiện tốt việc chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; khắc phục tình trạng sơ hở, mất cảnh giác; phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ xung đột, chiến tranh biên giới, biển, đảo, chiến tranh trên không gian mạng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước...
Đại tướng Phùng Quang Thanh có nhiều đóng góp trong chỉ đạo và trực tiếp chủ trì tiến hành công tác đối ngoại quốc phòng với tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đồng chí cùng tập thể Quân ủy Trung ương ban hành nhiều chủ trương, chỉ đạo sát đúng, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị trong khu vực và trên thế giới; từng bước khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày càng cao của QĐND Việt Nam và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Trên cương vị Bộ trưởng, đồng chí để lại dấu ấn với những chỉ đạo nhất quán thực hiện chủ trương QĐND Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về phương diện nhân đạo, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thực hiện tốt việc đấu tranh bằng giải pháp hòa bình trong giải quyết các vấn đề xung đột, phức tạp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia, dân tộc. Các hoạt động và chỉ đạo đối ngoại quốc phòng được đồng chí Phùng Quang Thanh quán triệt sâu sắc đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tăng cường hợp tác, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc.
Đặc biệt, tư duy bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” được định hình và từng bước hoàn thiện trở thành “kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình”, với tinh thần chủ động bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài lãnh thổ; bảo vệ từ trước, phòng ngừa từ xa, chủ động chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, khi đất nước chưa nguy, lấy việc phòng ngừa từ xa, chuẩn bị từ trước làm chủ yếu, theo phương châm không để xảy ra chiến tranh là thượng sách.
4. Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT). Đồng chí nhất quán xác định hoạt động CTĐ, CTCT là “linh hồn, mạch sống”, bao trùm toàn bộ các mặt, lĩnh vực hoạt động khác của quân đội. Đồng chí tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị.
Đặc biệt, đồng chí luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐND Việt Nam, mà dấu ấn là nghiên cứu, tham mưu và góp phần hoàn thiện để triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”.
Là người cán bộ từng trải, chứng kiến sự hy sinh của đồng chí, đồng đội trong chiến trận, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, định hướng tư tưởng bộ đội; từ việc hoạch định nhiều chủ trương, giải pháp lớn, cho đến việc nêu gương trực tiếp trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở; chỉ đạo hoàn thiện các khâu, các bước của công tác tư tưởng. Đồng chí có nhiều quan điểm mới, quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với việc xây dựng QĐND Việt Nam, nhất là việc cùng với Quân ủy Trương ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị nghiên cứu, ban hành Đề án "Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới" (năm 2013).
Là người chỉ huy luôn trọng cán bộ, gần cán bộ, Đại tướng Phùng Quang Thanh hết sức quan tâm đến công tác cán bộ, chú trọng hoàn thiện các khâu, các bước trong công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; chủ trương tăng cường rèn luyện cán bộ thông qua thực tiễn và đánh giá cán bộ bằng kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách, cương vị công tác; gắn công tác giáo dục đào tạo ở nhà trường với đơn vị và thực tiễn chiến đấu; coi trọng kết hợp giữa học với hành trong huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ... Ở tất cả các lĩnh vực hoạt động CTĐ, CTCT: Tư tưởng, cán bộ, tổ chức, tuyên huấn, dân vận, chính sách, báo chí, văn học-nghệ thuật; công tác thanh niên, phụ nữ, công đoàn... Đại tướng Phùng Quang Thanh đều có những chỉ đạo sát đúng, kịp thời, sâu sắc.
5. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Phùng Quang Thanh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dù công việc bộn bề, nhất là khi đồng chí đảm đương cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng ở đồng chí vẫn luôn hiện hữu một tấm lòng nhân hậu trước sau đối với đồng chí, đồng đội và nhân dân.
Trong công tác và sinh hoạt, với cán bộ cấp dưới và chiến sĩ, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, người chỉ huy các cấp phải luôn gương mẫu, thật sự gần gũi, thương yêu bộ đội; hết sức tránh việc xúc phạm danh dự của anh em, tránh hành động quân phiệt, ứng xử thô bạo với bộ đội. Người chỉ huy phải công tâm, khách quan, không được “yêu nên tốt, ghét nên xấu”.
Khi còn công tác, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành nhiều thời gian cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng cục Chính trị thực hiện các chính sách đãi ngộ tốt nhất trong điều kiện có thể của đất nước, của quân đội, quan tâm tới các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mái ấm biên cương”... được đồng chí chỉ đạo triển khai với tinh thần quyết liệt, sâu nặng nghĩa tình và đạt nhiều kết quả tốt.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều chủ trương quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu phương quân đội, xây dựng chế độ chính sách, bảo hiểm y tế cho thân nhân của quân nhân. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với quân nhân phục viên, xuất ngũ trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam; làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia...; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chế độ chính sách đối với cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
Nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, luôn sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, gương mẫu xung phong đi đầu, luôn là trung tâm đoàn kết, thương yêu, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, khiêm tốn, giản dị, chan hòa.
6. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đi xa, nhưng vẫn còn đó những chủ trương, giải pháp lớn có đóng góp trí tuệ, công sức của đồng chí đang tiếp tục được thực hiện trong sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp quý báu đó đã và đang được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và các đơn vị toàn quân tiếp tục vận dụng, chỉ đạo, triển khai thực hiện trong thực tiễn cách mạng, gắn với yêu cầu của tình hình mới. Đặc biệt là việc tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện các mặt, các khâu, các bước, lĩnh vực của hoạt động CTĐ, CTCT; chủ động nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ mới, khó khăn, đột xuất, để CTĐ, CTCT thật sự là linh hồn, mạch sống của Quân đội ta.
Từ thực tiễn huấn luyện, SSCĐ và công tác, để phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được phát huy, lan tỏa, noi theo tấm gương Đại tướng Phùng Quang Thanh, toàn quân luôn chủ động, tích cực huấn luyện giỏi, SSCĐ cao; rèn luyện, phát huy phẩm chất người quân nhân cách mạng. Các cơ quan, đơn vị tích cực vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động cách mạng, các phong trào và nhiệm vụ chính trị ở địa phương; bảo vệ nhân dân trước thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ, giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trong bất kỳ tình huống nào, cán bộ, chiến sĩ cũng phải luôn ý thức sâu sắc rằng quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là chỗ dựa tin cậy của nhân dân và hệ thống chính trị. Đó cũng chính là tâm niệm, mong muốn mà đồng chí Phùng Quang Thanh đúc kết từ cuộc đời chiến đấu, công tác sôi nổi và nhiệt huyết của mình.
Đồng chí Phùng Quang Thanh đã đi xa, nhưng hình ảnh chân tình, gần gũi, tấm gương mẫu mực, thực hành đoàn kết, gìn giữ tình cảm đồng chí, đồng đội “lúc thường cũng như lúc ra trận” sẽ mãi còn in đậm trong tâm trí của thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay. Để tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị. Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức đảng, gắn với việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chất lượng cao; nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt phải là người mẫu mực về tinh thần đoàn kết, biết kết hợp, giải quyết hài hòa các mối quan hệ về lợi ích, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, có khả năng quy tụ tinh thần đoàn kết trong cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Toàn quân tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sớm nhận diện, quyết tâm đẩy lùi, làm thất bại các thủ đoạn lợi dụng một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, để bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc mối đoàn kết trong nội bộ đơn vị, làm giảm lòng tin của cán bộ, chiến sĩ vào lãnh đạo, chỉ huy...
Với bề dày truyền thống gần 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, QĐND Việt Nam không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.
Trong quá trình đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được hình thành, kết nên một cách tự nhiên từ trí tuệ, công sức, mồ hôi và cả sự hy sinh của mỗi quân nhân cách mạng, trong đó có đóng góp xứng đáng của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cán bộ, chiến sĩ toàn quân sẽ mãi ghi nhớ công lao, đóng góp của đồng chí, viết tiếp truyền thống quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng, như tình cảm và mong muốn của Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Theo báo Quân đội Nhân dân