Thời gian qua, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hát chèo, dân ca huyện Bình Giang luôn tìm cách nuôi dưỡng, gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Hát chèo, dân ca huyện Bình Giang
Có mặt tại điểm sinh hoạt của CLB Hát chèo, dân ca huyện Bình Giang, chúng tôi đều bất ngờ bởi sự bài bản trong cách tổ chức, từ trang phục, nhạc cụ đến quá trình biểu diễn. Làn điệu chèo mượt mà, trầm ấm của bà Phạm Thị Thắng ở thị trấn Kẻ Sặt cuốn hút người nghe. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng lời ca, điệu múa của bà vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng. Gia đình bà không có ai theo nghiệp ca hát nhưng "máu" văn nghệ lại hình thành trong bà từ khi còn nhỏ. Bà Thắng tìm đến các nghệ nhân cao tuổi rồi tự sưu tầm băng đĩa, tài liệu để học. Cách đây hơn 1 năm, CLB Hát chèo, dân ca của huyện được thành lập, bà liền đăng ký tham gia. Bà Thắng cho biết: "Đây cũng là cơ hội giúp các thành viên gặp gỡ, trao đổi về cách đàn, hát và biểu diễn cho nhau nghe. Từ khi tham gia CLB, tôi sống vui, sống khỏe hơn".
Làm công nhân may nhưng chị Nguyễn Thị Miện (43 tuổi, ở huyện Ân Thi, Hưng Yên) cũng có tình yêu đặc biệt với làn điệu chèo cổ. Trong một lần đi biểu diễn tại Hải Dương, chị gặp các thành viên trong CLB Hát chèo, dân ca huyện Bình Giang. Không quản ngại thời tiết, đường sá xa xôi, chị Miện cùng với 4 thành viên khác trong CLB Hát chèo huyện Ân Thi thường xuyên đến đây giao lưu. Khi có thông báo của chủ nhiệm CLB, chị lại thu xếp việc nhà, chuẩn bị các tiết mục, trang phục. Dù phải dậy sớm, đi xe máy gần 15 km mới đến nơi nhưng ai nấy đều vui vẻ, háo hức. Chị Miện cho biết: "Chúng tôi không được học bài bản qua trường lớp nào mà chỉ có niềm đam mê hát chèo. Ngoài tham gia các buổi sinh hoạt, về nhà chúng tôi cố gắng tập luyện thêm".
Không chỉ dành cho người mê hát chèo, CLB còn là nơi gắn kết những người thích chơi nhạc cụ dân tộc. Mỗi khi CLB tổ chức giao lưu đều có "tay" đàn nguyệt của ông Vũ Công Bạo (63 tuổi, ở xã Dân Chủ, Tứ Kỳ). Sử dụng khá thành thạo nhiều nhạc cụ nhưng ông say mê nhất là cây đàn nguyệt. Ngoài là thành viên trong đội hát chèo của xã, ông còn tham gia các CLB khác. "Từ một người quen giới thiệu, tôi đã biết đến CLB Hát chèo, dân ca huyện Bình Giang. Tại đây, tôi không chỉ được thưởng thức làn điệu chèo mà còn thỏa mãn niềm đam mê chơi nhạc cụ", ông Bạo nói.
CLB Hát chèo, dân ca huyện Bình Giang thành lập vào tháng 9.2017 gồm 39 thành viên từ 37-70 tuổi, phần lớn là những "nghệ sĩ nông dân", số ít là cán bộ hưu trí, công nhân, làm nghề buôn bán... Với mục đích kết nối những người yêu nghệ thuật chèo, dân ca nên thành viên trong CLB gồm cả trong và ngoài huyện. Những ngày đầu mới thành lập, CLB gặp nhiều khó khăn. Kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu thốn, các diễn viên, nhạc công chưa từng qua một lớp học chèo nào nên khả năng ca hát, biểu diễn hạn chế. Song với phương châm "người biết dạy cho người chưa biết", kiên trì luyện tập, các thành viên không những thành thục những làn điệu chèo cổ mà còn tự sáng tác nhiều điệu chèo mới. Ngoài ra, CLB tự dàn dựng một số hoạt cảnh chèo có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới để phục vụ người dân vào dịp lễ, Tết, hội làng.
Cứ hơn 1 tháng, CLB lại tổ chức giao lưu, sinh hoạt. Tại đây, có từ 30-35 tiết mục, chủ yếu là các làn điệu chèo cổ như Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Thị Mầu lên chùa... Mỗi buổi giao lưu thu hút từ 5-10 thành viên đến từ CLB Hát chèo các huyện ngoài tỉnh như Ân Thi, Yên Mỹ, Mỹ Hào (Hưng Yên) tham gia.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, CLB Hát chèo, dân ca huyện Bình Giang rất tích cực hoạt động, đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Thời gian tới, huyện sẽ mở các lớp tập huấn, mời những nghệ nhân trong tỉnh về giảng dạy, nâng cao kiến thức cho các thành viên trong CLB.
THẢO NGUYỄN