Liên tiếp những ngày gần đây, thảm họa cháy rừng đã xảy ra trên diện rộng ở khu vực miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Cháy rừng kinh hoàng xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Chỉ trong 5 ngày qua (từ 26-30.6), “giặc lửa” đã thiêu rụi cả trăm hécta rừng, thiêu cháy người mẹ già trong lúc mang nước tiếp sức cho con trai và hỗ trợ các chiến sỹ đang gồng mình dập lửa, cứu rừng xanh.
Hàng trăm hộ dân cùng gia súc, gia cầm và một số cây xăng phải di dời khẩn cấp. Hàng nghìn người thuộc lực lượng an ninh, quân sự, các tổ chức đoàn thể, nhân dân địa phương và các phương tiện được điều động đến “điểm nóng” tổ chức dập lửa. Người dân cả nước rơi nước mắt, lo lắng, oán trách, đau thương…
Thực trạng trên khiến bất cứ ai quan tâm, xem hình ảnh, video clip hay tận mắt chứng kiến những khu rừng bạt ngàn cây xanh chìm trong “biển lửa,” hàng trăm chiến sỹ cứu hỏa đổ mồ hôi, kiệt quệ sức trước sự hung tàn của “giặc lửa,” cũng có chung một nỗi hoang mang rằng: Lẽ nào lời nguyền của rừng xanh-“phá sơn lâm, đâm hà bá” đã hiển hiện qua những hậu quả nặng nề như đã thấy?
Hơn bao giờ hết, cùng với nỗ lực dập lửa, người dân cả nước đang cầu mong một trận mưa để cứu “lá phổi xanh” thoát khỏi thảm họa cháy rừng kinh hoàng.
Đại ngàn chìm trong “biển lửa”
Trong thời kỳ cao điểm nắng nóng vừa qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã có hàng trăm điểm phát cháy, trong đó có tới 15 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, với diện tích ước tính sơ bộ khoảng trên 100 hécta. Có những khu rừng rộng lớn, bao năm qua vẫn hiên ngang trước bão, để “điều hòa không khí” cho dải đất khô cằn, nay bỗng “chìm” trong “biển lửa” tang thương.
Đại ngàn bị thiêu cháy trong suốt nhiều ngày, từ tỉnh này qua tỉnh khác như “cơn bão lửa” không thể kìm hãm đã thực sự khiến người dân cả nước, nhất là người dân ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình hoang mang, lo lắng. Nói như vậy để thấy, chưa bao giờ khu vực miền Trung lại cháy rừng khủng khiếp như bây giờ.
Hà Tĩnh là địa phương xảy ra cháy rừng kinh hoàng nhất. Bắt đầu từ trưa 26.6, ngọn lửa đã bùng phát tại khu rừng thông xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà. Do thời tiết oi bức, gió phơn Tây Nam thổi mạnh khiến đám cháy lan nhanh, thiêu rụi 2 hécta rừng của người dân. Cùng thời điểm, một vụ cháy khác xảy ra tại thị xã Kỳ Anh.
Khi hỏa hoạn tại huyện Lộc Hà và thị xã Kỳ Anh vừa mới được khống chế thì trưa 28.6, một đám lửa khác lại bùng phát tại khu rừng thông phòng hộ thuộc tiểu khu 92 thuộc huyện Nghi Xuân. Sau hơn 3 ngày, ngọn lửa vẫn chưa được khống chế.
Do đám cháy diễn biến phức tạp, tiến gần sát khu dân cư nên chính quyền huyện Nghi Xuân đã phải lên phương án và tổ chức di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng; ngoài ra 3 cây xăng cũng đã được bảo vệ, di dời khẩn cấp.
Theo nguồn tin của phóng viên, trong 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, “giặc lửa” đã thiêu cháy trên 200 hécta rừng của 4 huyện là Hương Sơn, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh và Cẩm Xuyên. Đặc biệt, tại huyện Nghi Xuân, ngọn lửa cháy lan rộng, tái phát nhiều lần đã thiêu cháy 60 hécta rừng thông phòng hộ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết toàn tỉnh đã huy động tổng lực lượng lên đến 15.000 lượt người bao gồm kiểm lâm, chủ rừng, công an, bộ đội, dân quân tự vệ và người dân. Đồng thời, tỉnh cũng đã huy động 50 lượt xe cứu hỏa và hàng ngàn lượt máy thổi gió cứu hỏa.
Trong những ngày qua, các lực lượng đã thực hiện các phương án tác chiến, cắt rừng, làm đường băng cản lửa nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả do cháy rừng gây ra. Tuy nhiên, trong điều kiện gió phơn Tây Nam thổi mạnh, ngọn lửa vừa được khống chế lại tiếp tục bùng phát và uy hiếp đến nhà dân…
Tại Nghệ An, trong hai ngày 29 và 30.6, trên địa bàn tỉnh cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng trên diện rộng. Cụ thể, chiều 29.6, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, địa phương và các ngành chức năng đã phải huy động trên 1.100 người và phương tiện tham gia chữa cháy.
Cũng trong ngày 29.6, “giặc lửa” đã thiêu rụi một số khu rừng tại huyện Thanh Chương, huyện Quỳnh Lưu, và huyện Hưng Nguyên. Khi các đám cháy vừa mới được dập tắt, sáng 30.6, một đám cháy khác lại tiếp tục xảy ra tại huyện Quỳ Hợp.
Đau lòng thay, trong khi tham gia tiếp nước cho con trai và hỗ trợ các chiến sỹ dập lửa chữa cháy rừng trên địa bàn xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (khu vực giáp ranh với địa bàn tỉnh Hà Tĩnh), một phụ nữ tại địa phương đã bị lửa thiêu tử vong.
Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1964, trú tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Cũng nằm trong vùng “chảo lửa” miền Trung, sáng 30.6, một ngọn lửa tiếp tục bùng phát ở một khu rừng trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dù lực lượng cán bộ công an, bộ đội, dân quân tự vệ cùng người dân được huy động để dập lửa nhưng do gió thổi mạnh, địa hình phức tạp nên đám cháy tiếp tục lan rộng.
Sau hơn 20 giờ nỗ lực dập lửa, đến 1 giờ sáng 1.7, các lực lượng chức năng cùng hơn 500 người được huy động đã khống chế và dập tắt đám cháy tại khu rừng trồng ở huyện Bố Trạch. Con số thiệt hại ban đầu được chính quyền địa phương xác định là khoảng 10 hécta rừng, chủ yếu là thông, keo lai, bạch đàn, bị thiêu rụi…
Cháy rừng kinh hoàng xảy ra ở tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN
Vì sao cháy rừng ngày càng khủng khiếp?
Câu chuyện cháy rừng không phải là chuyện giờ mới bàn tới mà đó là câu chuyện của những hồi chuông cảnh báo, của những quyết liệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành... Nhưng dù là chuyện “nói rồi, khổ lắm, nói mãi” thì vẫn còn quá nhiều những bất cập mà nếu chúng ta không nhìn nhận thấu đáo, không tìm ra nguyên nhân và có giải pháp ngăn chặn, thì thảm họa cháy rừng nghiêm trọng sẽ còn xảy ra.
Phát biểu tại Hội nghị Khí hậu Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) vừa diễn ra ngày 30.6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo “thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp đặc biệt về khí hậu” và “biến đổi khí hậu mang tính hủy diệt đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, nhanh hơn các dự đoán của các chuyên gia giỏi nhất thế giới.”
Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, mỗi tuần, thế giới phải chứng kiến những đợt thiên tai có mức độ tàn phá nghiêm trọng mới liên quan đến khí hậu như lũ lụt, hạn hạn, gió nóng, cháy rừng và siêu bão. Điều đáng lo ngại là, sự hủy diệt của biến đổi khí hậu đã và đang vượt qua mọi nỗ lực ứng phó của các nước hiện nay.
Vậy so với trước đây, tại sao hiện nay, biến đổi khí hậu lại ngày càng trở nên bất thường, vượt qua mọi nỗ lực ứng phó của các nước như vậy? Liệu các hoạt động của con người có tác động gì tới sự thay đổi bất thường của thiên tai, khiến tình trạng nắng nóng kỷ lục và cháy rừng xảy ra phổ biến hơn?
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) khẳng định nguyên nhân gây ra thiên tai là do biến đổi khí hậu, nhưng biến đổi khí hậu cũng xuất phát từ việc phá rừng, từ chính các hoạt động gây hại của con người.
Thực tế, phá rừng đã tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến biến đổi khí hậu, dẫn đến thiên tai. “Đương nhiên, có rừng thì sẽ hạn chế sự thay đổi bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai cũng sẽ ít và bớt dữ dội hơn,” ông Tùng nhấn mạnh.
Về nguyên nhân gây mất rừng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm khẳng định tác động lớn nhất là do chuyển đổi mục đích sử dụng, đặc biệt là triển khai các dự án phát triển như thủy điện (theo thống kê từ năm 2012 đến 2017, rừng mất do thủy điện chiếm khoảng 68,2%). Bởi lẽ, nếu người dân vào chặt thì rừng vẫn còn chức năng của nó, còn khi san cả một cánh rừng rồi cho ngập nước thì mới tác động lớn.
“Hiện nay chúng ta đã phải trả giá cho những việc đó và còn phải tiếp tục nữa. Vì để trồng được những cánh rừng nguyên sinh, đúng nghĩa là những tấm giáp chắn giúp điều tiết nước cũng như môi trường sống thì phải hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể đáp ứng được. Cùng với đó việc điều hành, vận hành các hồ thủy điện vừa qua cũng đang có vấn đề bất cập, cần sớm phải thay đổi,” ông Tùng nói.
Đúng như nhận định trên của lãnh đạo Cục Kiểm lâm, cho đến nay, sau nhiều năm đối mặt với thảm họa cháy rừng, hứng chịu nắng nóng kỷ lục, sự biến đổi khắc nghiệt của thiên tai, câu nói “Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá” - phương ngôn được đúc kết ngàn đời qua, để cảnh báo những hậu quả to lớn nhất của vấn nạn phá rừng, phá quy luật dòng chảy đến nay vẫn nguyên giá trị, như một lời nguyền để lại cho hậu thế.
Tiếc rằng, đến khi người ta thấy rõ những tai họa khủng khiếp do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra, thì đã có quá nhiều chuyện đau lòng xảy ra.
Thực trạng những rừng “lá phổi xanh” của vùng đất khô cằn miền Trung chìm trong “biển lửa” trong những ngày qua đã phần nào cho thấy, cùng với sức ép của biến đổi khí hậu, chính sự tàn phá, việc làm bất cẩn của con người cũng đã góp phần làm cho thảm họa cháy rừng ngày càng trở nên thảm khốc hơn.
Đơn cử như vụ cháy rừng khủng khiếp ở Hà Tĩnh trong những ngày qua, theo thông tin cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân cung cấp cho báo chí, nguyên nhân có thể là do hành vi đốt rác ở dưới chân núi của một người dân trên địa bàn. Do hố rác nằm sát bìa rừng nên khi đốt rác, ngọn lửa đã bị gió thổi cháy lan sang rừng.
Cũng như Hà Tĩnh, tại các tỉnh khu vực miền Trung, nhất là Nghệ An và Quảng Bình, cả tháng qua, thời tiết nắng nóng, khô hạn, rất dễ xảy ra cháy rừng. Trong những vụ cháy rừng đã và đang xảy ra, mặc dù các cơ quan chức năng chưa tìm ra thủ phạm gây ra các vụ cháy rừng, nhưng có nguyên nhân chủ yếu do bất cẩn của người dân trong đốt lửa, xử lý thực bì hoặc các hoạt động mưu sinh khác gây nên.
Đến lúc này, chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi tiếc rằng, giá như không có đốm lửa của người dân đốt rác, hay làm nương rẫy; giá như không chặt phá rừng; giá như không có quá nhiều thủy điện mọc lên để chặt cây, “nuốt” rừng, phá vỡ quy luật dòng chảy,…thì những vụ cháy rừng khủng khiếp có lẽ đã không xảy ra?.
Cháy rừng tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nguồn: TTXVN
HÙNG VÕ (Vietnam+)