Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các bệnh viện rất quan trọng bởi nhiều loại chất thải ở đây là chất thải y tế nguy hại.
Nếu những chất thải này không được xử lý tốt, phát tán ra môi trường sẽ trở thành mối nguy hiểm khôn lường. Thế nhưng, những hạn chế, vi phạm trong công tác BVMT ở các bệnh viện vẫn tồn tại dai dẳng nhiều năm qua, giống như một căn bệnh chưa có thuốc đặc trị.
Tháng 4 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình xử lý chất thải y tế tại 25 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hải Dương. Theo báo cáo, 20 trong tổng số 26 cơ sở khám chữa bệnh trên (chiếm 77%) chưa được cấp giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc giấy xác nhận hoàn thành các nội dung đề án BVMT. Bệnh viện Phụ sản Hải Dương chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Năm 2016, Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản đôn đốc các cơ sở thực hiện việc kiểm soát môi trường định kỳ và gửi báo cáo kết quả về cơ quan quản lý theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có 3 cơ sở (chiếm 11,5%) nộp báo cáo giám sát môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường. Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành chưa đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, mặc dù Chi cục BVMT đã đôn đốc. Bệnh viện Đa khoa các huyện Nam Sách, Thanh Hà xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho một số cơ sở y tế khác nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chưa báo cáo cơ quan quản lý về môi trường.
Báo cáo nêu: "Nước thải bệnh viện phát sinh từ các buồng bệnh, phòng thủ thuật, phòng mổ, buồng xử lý dụng cụ, nước thải sinh hoạt của bệnh nhân... nên thành phần gây ô nhiễm chủ yếu là các chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng của ni-tơ, phốt-pho, đặc biệt là các vi trùng, vi khuẩn gây bệnh, các loại hóa chất độc hại từ cơ thể người... Do đó, nước thải bệnh viện nếu không được xử lý sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh lây nhiễm lớn ra khu vực xung quanh vị trí xả thải. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bệnh viện chưa được đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy định". Các Bệnh viện: Phụ sản Hải Dương, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Phong Chí Linh chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đầu tư nhưng chưa đưa vào vận hành. Có bệnh viện xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường.
Những hạn chế, vi phạm trong công tác BVMT ở các bệnh viện đã được chỉ rõ từ nhiều năm qua, song nhiều cơ sở vẫn chưa khắc phục. Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do thiếu nguồn vốn để đầu tư công trình BVMT thì còn có thể hiểu được. Tuy nhiên, một số nguyên nhân chủ quan rất khó chấp nhận. Chẳng hạn, việc phải báo cáo đầy đủ, kịp thời cho cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan khi đã được nhắc nhở, đôn đốc. Nhiều bệnh viện vẫn cố tình không thực hiện việc này. Một số bệnh viện buông lỏng việc xử lý nước thải y tế nguy hại, để mặc cho lượng chất thải này phát tán vào môi trường, đe dọa tới sức khỏe của những người dân sinh sống ở gần nguồn thải.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần áp dụng những biện pháp kiên quyết hơn để chấn chỉnh những yếu kém, vi phạm trong công tác BVMT ở bệnh viện.
NINH TUÂN