Trong văn học nghệ thuật, có lẽ không có hình ảnh nào được khắc họa sâu sắc và đậm nét bằng hình ảnh người mẹ.
Trong văn học nghệ thuật, có lẽ không có hình ảnh nào được khắc họa sâu sắc và đậm nét bằng hình ảnh người mẹ. Cũng như tất cả những người cầm bút, Vũ Thành Chung viết “Bình yên bên mẹ”. Ở đây, dường như tác giả đã làm con tằm “rút ruột” để viết về mẹ. Mở đầu tác giả viết: “Từ trong tay mẹ con đi/ Ba lô, khẩu súng... có gì nữa đâu”. Câu mở đầu không chỉ nói rõ con đường xuất phát mà còn nói với bạn đọc về “tài sản” của con. Mẹ mang con chín tháng mười ngày, nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc, lo toan. Thế rồi lớn lên, đất nước lâm nguy, con đi đánh giặc, rời khỏi vòng tay yêu thương chăm bẵm của mẹ. Tài sản “vòng tay mẹ” cùng ba lô, khẩu súng con lên đường. Còn cần gì hơn khi con ra đi, trong hành trình ấy có vòng tay của mẹ. Một “tài sản” ẩn, tác giả không chỉ ra nhưng nó hiển hiện trong ý nghĩ của người đọc. Đất nước và mẹ đã hòa vào làm một. Mẹ là đất nước và đất nước chính là mẹ. Với mỗi người lính, còn gì gần gũi, sâu sắc hơn và còn gì nặng nghĩa hơn là tình mẹ và đất nước. Đất nước của lời ru. Con lớn lên trong lời ru và con ra đi chiến đấu để lời ru vẹn tròn.
Rời mẹ, người con, người lính ra đi bảo vệ đất nước. Suốt cả hành trình ra đi ấy, hòn tên, mũi đạn, bom nổ đạn rơi, mẹ nơi hậu phương vẫn ngóng đợi tin con."Đạn bom táp bạc mái đầu/ Bao năm mẹ ngóng... giàn trầu héo cong". Ngày ra đi con không hẹn ngày về. Và thời gian ấy, khoảng thời gian “táp bạc mái đầu” những tháng năm làm lính của con là bấy nhiêu đêm mẹ ngóng chờ, bấy nhiêu đêm mẹ thức lắng tai nghe tiếng bước chân con trở về nơi đầu ngõ. Tiếng lá rơi cũng ngỡ bước chân con. Giàn trầu mẹ trồng ngày con ra đi, trông con ngày trở lại để mang miếng trầu qua nhà bên thưa chuyện cũng héo qua mùa này sang mùa khác. Hình ảnh “giàn trầu héo cong” là nỗi khát khao chờ đợi ngày con trở về để lo cho con gia thất. Phận làm cha, làm mẹ, còn gì vui hơn khi con thành gia thất, có tiếng trẻ trong nhà líu ríu làm vui.
Nhưng có một điều làm người đọc đặt câu hỏi: Tại sao giàn trầu lại héo cong? Trong thực tế, khi vào mùa sương giá, lá trầu thường cuộn lại như phản ứng của tự nhiên để giảm sương muối rơi vào. Nhưng còn một điều mà bên ngoài của hiện thực ấy chính là sự chờ đợi của mẹ, nỗi mong ngóng đứa con ở chiến trường xa mẹ phải nén lại giấu kín vào trong. Cả nước đi đánh giặc. Nhớ con, thương con, mẹ phải giấu trong lòng. Đất nước trên hết. Con ra đi nơi hòn tên mũi đạn, mẹ ở nhà nhớ thương con chỉ biết nhìn giàn trầu trông chờ. Khi đất nước có giặc, sự hy sinh nằm ở cả hai đầu chiến trường và hậu phương. Còn nỗi nhớ nào hơn thế, còn sự yêu thương nào hơn thế. Đất nước, mẹ và con trong tình yêu thương vô bờ, trong mối quan hệ thân thiết và ruột thịt.
Giữa thị thành, vẫn cô liêu/ Bát cơm, manh áo sớm chiều bon chen/ Rớt mình trong cảnh sang hèn/ Rủi may, vinh nhục, đỏ đen khóc cười!". Đây không chỉ là nỗi xót xa mà chính là những trăn trở lo toan của con người về cuộc sống chạy theo “giá trị ảo” giữa bộn bề cuộc mưu sinh. Biết như thế và chấp nhận như thế, người con với tài sản “vòng tay mẹ” cùng “ba lô khẩu súng” vẫn nhận ra điều đích thực phải hướng đến. Khi nhận thức được đúng thì hành động sẽ đúng. Và điều giúp cho nhận thức đúng chính là tài sản “vòng tay mẹ” của người con “ba lô khẩu súng” con đi. Chấp nhận cuộc sống, nhận thức về cuộc sống và cải tạo cuộc sống sau chiến tranh, hướng những “giá trị ảo”, những giá trị bị đánh mất trong cuộc mưu sinh về với gốc giá trị nhân văn của con người.
Chặng đường con ra đi không chỉ có chiến trường. Ngày trở về khi đất nước đã hát khúc khải hoàn ca, những vất vả của cuộc sống không còn là đối đầu hòn tên mũi đạn nhưng cũng còn biết mấy gian truân. Đấy cũng là tất yếu của cuộc sống sau chiến tranh. Những thói xấu, sự bon chen trong năm tháng chiến tranh khi đất nước có giặc “ẩn” đi thì nay trở lại nguyên hình. Những mưu cầu của cuộc mưu sinh, con người xô vai thích cánh để giành giật lấy sự giàu sang, phú quý. Những yêu thương giữa con người với con người của một thời chiến tranh chỗ này chỗ khác đã bị cuộc mưu sinh làm khuất lấp, để từ đó làm cho cuộc sống “bẩy chìm, ba nổi”, bị “gió bụi”, “băng giá, tuyết sương” ùa đến, cuốn đi, lôi vào vòng xoáy của cuộc sống. Và khi đó, những khát khao yêu thương lại trở về thành nỗi chờ đợi, mong ngóng trong mỗi con người.
Trong cuộc sống hiện tại, những “mất mát” về đạo đức, về nhân cách, về lối sống, về quan hệ đồng chí, con người với con người của đời sống xã hội hiện thời càng làm nhức nhối giá trị của cuộc sống.
"Xót xa quăng quật nửa đời/ Về ngôi nhà mẹ tìm nơi yên bình!". Ngôi nhà mẹ. Chỉ có ngôi nhà mẹ. Nơi ấy, nơi “ăn vạ lời ru”, nơi nép bên vạt áo vải diềm bâu nhuộm nâu, có hơi bùn đồng đất quê nhà cùng lời ru để tìm lại thanh bình. Mẹ chính là nơi trú ngụ của tình yêu, nơi trả lại tất cả những chân giá trị đích thực như vốn có của cuộc sống. Và sự nhận ra ấy đã phải ở vào cái tuổi “nửa đời”, khi đã đủ độ quăng quật, độ lùi của sự trải nghiệm để nhìn lại chặng đường đã qua, đã đi giữa bộn bề của kiếp mưu sinh.
Vũ Thành Chung viết "Bình yên bên mẹ" bằng thể thơ lục bát, thể thơ gần gũi, tạo sự thân thiết, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc. Cách viết cũng như lối nói vần của ca dao, không lên gân, không đánh bóng. Câu chữ sử dụng giản đơn đến độ mộc mạc như nói chứ không cầu kỳ, “làm dáng”. Tác giả cũng không có dụng tâm theo kiểu “triết lý” mà vẫn chứa được những điều muốn nói, muốn tâm sự của người viết đến bạn đọc về một cuộc sống cùng chân giá trị đích thực. Nơi bình yên, nơi hạnh phúc nhất của cuộc đời, không phải lao tâm khổ tứ đi tìm đâu xa, đó chính là vạt áo mẹ, vòng tay mẹ, nơi ru ta, nuôi ta để ta ra đi và đón ta trở lại.
HOÀN NGUYỄN
Bình yên bên mẹ Từ trong tay mẹ con đi VŨ THÀNH CHUNG |