Cẩm Giàng có hơn 8.700 công nhân, người lao động ngoại tỉnh làm việc trên địa bàn. Phần lớn lượng công nhân, người lao động Tết này không về quê do Cẩm Giàng đang bị phong tỏa vì dịch Covid-19.
Nấu xôi, bánh chưng tại xóm trọ
Bánh chưng “hữu nghị”
“Mọi năm tầm này vợ chồng tôi đã về quê chuẩn bị ăn Tết. Tết ở quê vui lắm, trước Tết các gia đình xúm vào đụng lợn, mấy ngày Tết thì chơi ném còn, đu thăng bằng… Năm nay không về được cũng buồn nhưng được vợ chồng cô chú chủ nhà tài trợ bánh chưng, xôi, gà… nên cũng ấm lòng hơn”, chị Lùng Thị Xá, 26 tuổi, quê ở xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình (Hà Giang) cho biết.
Được bắc lên bếp từ sáng sớm 9.2 (tức ngày 28 tháng Tết), đến hơn 15 giờ, nồi bánh chưng “hữu nghị” gồm hơn 100 cái bánh chưng vuông của người Kinh, bánh lưng gù của dân tộc Dao ở Hà Giang, bánh chưng dài của dân tộc Tày tại xóm trọ của chị Xá đã chín, mang Tết đến với nhiều công nhân lao động ở đây. Cùng với bánh chưng, các công nhân, người lao động tại xóm trọ này cũng giã xôi làm bánh dày, nấu chè kho, bánh trôi… nhưng không tập trung đông người mà chia nhau làm để đón năm mới ấm áp nhưng vẫn bảo đảm quy định phòng chống dịch.
Vợ chồng chị Xá ở tại khu nhà trọ của vợ chồng chị Vũ Thị Nguyệt, 46 tuổi ở thôn Gạch, thị trấn Lai Cách. Gia đình chị Nguyệt có 26 phòng cho thuê với tổng số 52 người ở trọ, trong đó nhiều người dân tộc như La Chí, Dao, Thái, Tày. Họ đều là công nhân, người lao động các công ty trên địa bàn. Năm nay do dịch Covid-19 nên chỉ có 3 người thuê nhà về quê, còn lại đều ăn Tết ngay tại nhà trọ. Vì vậy vợ chồng chị Nguyệt đã quyết định tài trợ gần 3 triệu đồng mua gạo, lá dong gói bánh chưng, gà về nấu xôi, chè kho để chia cho người thuê trọ. “Không được về quê ăn Tết ai cũng buồn nên vợ chồng tôi muốn chia sẻ, động viên các em, các cháu giữ vững tinh thần, góp phần cùng đất nước vượt qua đại dịch trong dịp Tết năm nay”, chị Nguyệt chia sẻ.
Nồi bánh chưng "hữu nghị" gồm hơn 100 cái bánh chưng vuông của người Kinh, bánh lưng gù của dân tộc Dao ở Hà Giang, bánh chưng dài của dân tộc Tày
Giữ an toàn
“Không được về quê nhớ nhà, nhớ con lắm chứ, nhưng vì an toàn cho gia đình ở quê, vợ chồng tôi quyết định Tết này không về”, anh Trần Đình Quyết, 33 tuổi, đang ở trọ tại thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cho biết. Vợ chồng anh quê ở xã Hồng An, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Anh là công nhân một công ty tại xã Tân Trường. Con của vợ chồng anh đã 5 tuổi, đang ở cùng ông bà. Không về ăn Tết được nên vợ chồng anh gửi 4 triệu đồng biếu Tết cho ông bà. Từ khi TP Chí Linh bùng phát dịch bệnh Covid-19, công ty anh bố trí chỗ ăn, ngủ, yêu cầu người lao động ở lại trụ sở công ty làm việc cho đến khi nghỉ Tết. Anh Quyết được nghỉ từ ngày 8.2 (tức ngày 27 Tết). Từ khi được nghỉ, vợ chồng anh đã đi chợ mua thức ăn dự trữ trong tủ lạnh, đồ khô để hạn chế phải ra ngoài. “Ngay sau khu nhà trọ của chúng tôi là khu vực cách ly tập trung của xã, vì vậy chúng tôi hạn chế ra ngoài để bảo đảm an toàn”, vợ anh Quyết chia sẻ.
Bên cạnh phòng trọ của vợ chồng anh Quyết là phòng của vợ chồng chị Lục Thị Hoa, 36 tuổi, quê ở xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang (Hà Giang). Chị thuộc diện F2 do làm việc cùng dây chuyền với một trường hợp F1 tại một công ty trong khu công nghiệp Tân Trường. Vợ chồng chị có hai con 13 và 14 tuổi ở quê với ông bà. Từ khi nhận thông báo tự cách ly tại nhà, chị đã gọi điện về thông báo cho gia đình. “Nghẹn lời mãi tôi mới thông báo được cho gia đình Tết này không về quê. Dù vậy tôi vẫn tự động viên mình, năm nay không ăn Tết ở quê thì năm sau về, tuân thủ cách ly để bản thân và xã hội được an toàn”, chị Hoa cho biết.
VIỆT QUỲNH