Những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên nông thôn đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp dẫn đến thiếu hụt lao động nông nghiệp...
Hiện nay, dịch vụ máy làm đất đang đắt khách. Trong ảnh: Làm đất thuê với giá 100 nghìn đồng/ sào
tại xã Tân An (Thanh Hà)
Đa dạng dịch vụMới 5 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Thư ở thôn Bượi Quang, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) đã tất bật chuẩn bị đồ nghề cùng mấy chị em đi cấy thuê ở thôn Đạo Phái, xã Phạm Kha (Thanh Miện). Đồng xa, trời nắng nóng nên từ sáng sớm, chị đã chuẩn bị ấm lá chè xanh để mang theo giải khát. Đội cấy thuê của chị Thư gồm 5 người, trong đó có 4 người đã ngoài 40 tuổi. Hết tuổi làm công nhân, gia đình lại ít ruộng, sau khi cấy xong phần ruộng của gia đình mình, mấy chị em trong xóm lại đi cấy thuê. Chị Thư cho biết: “Đi cấy thuê cũng vất vả lắm. Bây giờ, công cấy thuê là 200 nghìn đồng/sào, tính cả tiền ăn trưa. Việc cũng nhiều vì hiện nay thanh niên đi làm xa, làm công nhân nhiều nên họ phải thuê người làm ruộng".
Đáp ứng nhu cầu mua mạ của nông dân, vụ mùa này, anh Cao Văn Lâm ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy gieo mạ. Mạ được gieo trên các khay. Anh mua máy gieo mạ để gieo cấy 14 ha ruộng thuê tại xã Ngô Quyền (Thanh Miện) và Thúc Kháng (Bình Giang), còn lại bán cho dân. Hiện nay, ngoài việc gieo mạ phục vụ sản xuất của gia đình, anh Lâm còn gieo mạ và cấy thuê bằng máy với giá 250 nghìn đồng/sào. Theo anh Lâm, việc đưa máy làm mạ vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng mạ gieo. Hạt giống, đất được xử lý bảo đảm đúng kỹ thuật. Mạ sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh. Gieo mạ bằng máy giúp nông dân tiết kiệm chi phí hơn 30% so với cách gieo mạ thông thường. Đặc biệt, trong việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, máy làm mạ, máy cấy sẽ giúp nông dân giảm ngày công lao động. Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Thanh Miện, Bình Giang, Gia Lộc đã đặt mua mạ của gia đình anh. Từ nay đến cuối tháng, anh Lâm sẽ gieo mạ bán cho gần 20 hộ với tổng diện tích hơn 20 ha.
Vụ mùa năm nay, do thiếu lao động nên nhiều hộ nông dân phải thuê cấy với giá 200 nghìn đồng/sào.
Trong ảnh: Chị Thư cùng các chị em cấy thuê tại xã Phạm Kha (Thanh Miện)
Năm nào cũng vậy, do thời gian chuyển từ vụ chiêm sang vụ mùa ngắn nên để kịp thời vụ, nhu cầu làm đất bằng máy của người dân tăng cao. Giá công làm đất hiện nay từ 100 - 120 nghìn đồng/sào, cao hơn 10 - 30 nghìn đồng/sào so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thời vụ gấp gáp, giá xăng dầu, chi phí sửa chữa máy cũng tăng mạnh. Anh Nguyễn Văn Huy ở thôn Đông Phan, xã Tân An (Thanh Hà) có 2 máy cày. “Vào ngày mùa, làm không hết việc. Bây giờ trâu, bò chủ yếu nuôi để lấy thịt nên nhà nào còn cày cấy là phải thuê máy. Gần 1 tuần nay nhà tôi thay ca nhau làm suốt đêm. Đất được làm bằng máy thường nhanh hơn, kỹ hơn”, anh Huy cho biết. Ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: "Lao động nông nghiệp khan hiếm nên các dịch vụ nông nghiệp như: phun thuốc sâu, làm cỏ, gặt, cấy, cày, bừa... phải đi thuê. Một số xã ở Gia Lộc như: Phạm Trấn, Hoàng Diệu, Gia Hòa, Yết Kiêu... đã thành lập được các tổ hợp tác chuyên làm các dịch vụ làm đất, diệt chuột... Các tổ dịch vụ này giúp cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn".
Khó kiểm soátChị Khương Thị Mão ở xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) vẫn chưa quên được bài học đắt giá khi còn "lơ mơ" về kỹ thuật sử dụng máy tuốt lúa. Vì không nắm được quy trình an toàn khi sử dụng, máy tuốt lúa đã chém đứt một phần cánh tay của chị Mão. Hiện nay, việc vận hành máy móc nông nghiệp của người dân vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và học mót nên nguy cơ tai nạn lao động nông nghiệp gia tăng.
Ở nhiều nơi, các chủ máy lợi dụng thời vụ gấp gáp và số lượng người thuê đông để ép giá, gây khó khăn cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Quang Ánh, xã Đồng Quang (Gia Lộc) cho biết: "Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc giám sát, kiểm tra và quy định chung về giá thuê máy làm đất trong toàn xã nhưng không ít chủ máy vẫn "vòi" thêm tiền bồi dưỡng. Nếu không đưa thêm tiền, họ sẽ làm đất qua quýt. Mất tiền thuê dịch vụ nhưng vẫn phải giám sát chặt chẽ”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn phát triển, các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để người dân mua sắm thêm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng máy móc an toàn, hiệu quả. Mỗi khi bán sản phẩm cho nông dân, nhà sản xuất cần quan tâm tới việc hướng dẫn quy trình sử dụng máy móc an toàn cho họ. Khuyến khích các HTX Dịch vụ nông nghiệp hoặc các tổ hợp tác đứng ra mua sắm máy móc làm dịch vụ nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để bà con đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất.
HẢI MINH