Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

01/01/2020 16:02

Việc thông qua đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh cho thấy quyết tâm rất cao của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn.


 Trung tâm Điều hành, giám sát thông minh của Tỉnh ủy là hệ thống hiện đại, phù hợp yêu cầu trong quản lý điều hành của tỉnh

Đề án "Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030" vừa được HĐND tỉnh thông qua với tổng kinh phí lên tới 4.800 tỷ đồng. Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn.  

Tiến bộ

Năm 2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ra đời với 17 sở, ngành, cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế "một cửa điện tử" đã đem đến sự đổi mới trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và hệ thống "một cửa điện tử" tại 18 sở, ban, ngành, tất cả các huyện, thị xã, thành phố và một số xã, thị trấn trong tỉnh được kết nối liên thông đã công khai toàn bộ quá trình, thông tin về giải quyết TTHC.

Cổng đang cung cấp khoảng 1.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 129dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong năm 2019, cổng đã cập nhật tổng số hơn 265.740 hồ sơ các bộ phận tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết xong trên 258.000 hồ sơ, đạt 94% đúng hạn. 

Năm 2019 cũng đánh dấu những tiến bộ của tỉnh trong từng bước xây dựng hệ thống quản lý điện tử không giấy tờ. HĐND tỉnh đi đầu xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng văn bản giấy tại các kỳ họp HĐND. Đây cũng là năm đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh do đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Trung tâm Điều hành, giám sát thông minh của Tỉnh ủy được khai trương... Tất cả cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đến lĩnh vực này.

Cũng trong năm qua, hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành việc ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống "một cửa điện tử" và dịch vụ công, toàn tỉnh đã cấp 1.154 chữ ký số cho cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành và các địa phương.

Hải Dương cũng tiếp tục triển khai hệ thống “một cửa điện tử” và Cổng dịch vụ công trực tuyến; tập trung xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu dùng chung, kết nối với hệ thống của Trung ương; hiện đại hóa hạ tầng ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính. Cùng với cả nước, Hải Dương đã cam kết đồng hành, xây dựng, vận hành, phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT,  truyền thông (ICT index), năm 2018 Hải Dương xếp thứ 26 trong toàn quốc, tăng 18 bậc so với năm 2017; chỉ số ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử xếp thứ 18, tăng 13 bậc so với năm 2017.


Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng là một nhiệm vụ trong xây dựng chính quyền điện tử

Để có đột phá

Đáp ứng mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh được hy vọng sẽ tạo bước đột phá nhằm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Theo đề án đã được phê duyệt, trong giai đoạn 1 (2020 - 2022), tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng và ứng dụng thông minh phục vụ người dân, cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo, doanh nghiệp.

Theo đó, để xây dựng chính quyền điện tử sẽ có nhiều nhiệm vụ trọng điểm như xây dựng hạ tầng CNTT, trung tâm dữ liệu của tỉnh, trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC), Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh, Trung tâm Điều hành, giám sát thông minh của Tỉnh ủy, hệ thống điều hành thông minh HĐND... Các hệ thống y tế, du lịch, giao thông, tài nguyên - môi trường, giáo dục... đều được tích hợp trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông minh.

Hệ thống camera chung (cùng giám sát các lĩnh vực giao thông, an ninh, giáo dục, bệnh viện, các trung tâm hành chính công, phòng tiếp dân...) sẽ được triển khai đồng bộ. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 sẽ hoàn thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng thông minh trên tất cả các lĩnh vực.

Điều quan trọng nhất là làm thế nào để có "công dân điện tử" cùng tham gia vận hành chính quyền điện tử. Đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết với 65% số dân trong tỉnh đang sử dụng internet là yếu tố rất thuận lợi cho việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trở thành "công dân điện tử".

Trong ứng dụng CNTT, đề án đã đề xuất việc kết nối với người dân bằng nhiều công cụ như mạng xã hội, thông tin hai chiều qua điện thoại thông minh, cài đặt các hệ thống quản lý thông minh để giám sát, trao đổi thông tin... Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, mỗi trung tâm giám sát, điều hành thông minh ở từng lĩnh vực đều sẽ có modul riêng để tiếp nhận, đối thoại, tương tác công khai với nhân dân, kịp thời hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc.

Bên cạnh việc ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử, nhiệm vụ rất quan trọng trước mắt là các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC, giảm thủ tục về giấy tờ; tăng cường tuyên truyền, trợ giúp, hướng dẫn nhân dân thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường mạng, tạo lập mối tương tác trực tuyến, liên thông, không giấy tờ.

LINH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử