Nỗ lực phân phối vắc xin COVID-19 trên toàn cầu ra sao?

20/08/2021 17:06

Nhiều tổ chức trên thế giới đang giúp phân phối vắc xin cho các nước nghèo, nhưng họ đang thiếu một lượng vắc xin rất lớn so với những gì cần có để ngăn dịch tiếp tục lan rộng trên thế giới.

Nỗ lực phân phối vắc xin COVID-19 trên toàn cầu ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều tổ chức đang nỗ lực phân phối vắc xin COVID-19 toàn cầu - Ảnh: AP

Theo Hãng tin AP, trong số các nỗ lực nói trên có cơ chế COVAX - ra đời cuối năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tiếp cận vắc xin COVID-19 công bằng trên toàn cầu - do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) điều phối.

COVAX đã không thể đạt được các mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực để bảo đảm nguồn cung vắc xin ngay từ đầu.

Tính tới giữa tháng 8, COVAX đã phân phối khoảng 207 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 138 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để so sánh, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tới nay Mỹ đã phân bổ hơn 417 triệu liều vắc xin trong nước.

Do số liều vắc xin đã mua được không đủ để phân phối cho các nước, COVAX hiện đang dựa vào các liều được tặng từ những nước giàu có. Dù vậy, hầu hết số liều cam kết này sẽ không được phân phối cho COVAX trong năm nay.

Các vấn đề hậu cần cũng là thách thức khác. Để nhận vắc xin từ chương trình COVAX, các nước phải có lộ trình rõ ràng về cách họ phân bổ vắc xin trong nước, cần ưu tiên tiêm chủng cho người có nguy cơ cao như nhân viên y tế và người già.

Song, một số nước đang cần vắc xin lại không thể chứng minh được họ có thể thực hiện những kế hoạch như trên và thiếu ngân sách cho chương trình tiêm chủng quốc gia.

Theo AP, những tổ chức khác cũng đang nỗ lực giúp phân phối vắc xin.

Trong tháng 7, Liên minh châu Phi cho biết họ đã mua 400 triệu liều vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson để phân bổ cho 45 nước ở châu lục này. Trung Quốc, Nga và Mỹ cũng đã tặng hàng triệu liều vắc xin cho các nước.

Trước đó, trong tháng 6, nhóm G7 - trong đó có Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ - đã cam kết tặng 1 tỷ liều vắc xin cho các nước nghèo.

Dù vậy, con số này vẫn cách xa 11 tỷ liều theo WHO là cần thiết để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Để bảo vệ người có nguy cơ mắc bệnh nặng tại các nước nghèo, WHO kêu gọi các nước giàu tặng ngay thêm nhiều liều nữa và ngừng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em cũng như tiêm liều bổ sung cho người dân.

"Chúng ta đang có những lựa chọn mà hiện tại không giúp bảo vệ những người đang cần giúp nhất", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực phân phối vắc xin COVID-19 trên toàn cầu ra sao?