Giai đoạn chăm sóc, phục hồi sau khi trồng lại cây đào có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng năm nay việc thu gom lại gốc bị muộn nên gặp nhiều khó khăn.
Do thu gom về muộn nên nhiều cây đào bị khô héo, những cành đào bị chết phải cắt bỏ để nuôi cành mới
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những cây đào cho thuê dịp Tết được thu gom về vườn muộn hơn. Nhiều cây bị khô rễ, chết cành nên phải chăm sóc rất kỳ công.
Những năm trước, từ ngày 6.1 âm lịch là nhiều chủ vườn đào ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đã đi thu gom cây đào cho thuê dịp Tết về vườn, trong khoảng 5-10 ngày sẽ thu gom xong để tiến hành chăm sóc và phục hồi. Nhưng năm nay, thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh để phòng chống dịch Covid-19 nên đến ngày 3.3 dương lịch (tức ngày 20.1 âm lịch), việc thu gom đào sau Tết mới được bắt đầu. Do thời gian trồng trong chậu quá lâu, người thuê lại không biết chăm sóc nên nhiều cây khi được thu gom về đã bị khô héo, chết cành, sức sống yếu. Hoặc có cây đã ra quả, phải nuôi thêm quả nên rễ, thân và cành đều bị cằn cỗi.
Anh Phạm Văn Miền ở phường Thạch Khôi trồng khoảng 600 gốc đào cho thuê. Dịp Tết Tân Sửu 2021, anh cho thuê hơn 100 cây, đến ngày 8.3 mới thu gom về vườn xong và chỉ còn 1 cây trong khu phong tỏa của huyện Cẩm Giàng. Anh Miền cho biết: "Năm nay, tôi thu gom xong đào sau Tết muộn hơn 15 ngày so với mọi năm. Khoảng 65% số cây đã bị ảnh hưởng xấu vì không được chăm sóc, phục hồi kịp thời”. Anh Nguyễn Văn Kế ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) có khoảng 100 cây đào được khách thuê trong dịp Tết, hiện mới gom về được hơn 60 cây. Số cây chưa thể gom về coi như vứt bỏ vì để quá lâu nên đều hỏng rễ, nếu có mang về vườn trồng lại cũng không thể phục hồi. Đây cũng là ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 đến việc thu gom đào sau Tết của người trồng.
Người trồng nỗ lực kích rễ, mầm và giữ ẩm cho cây đào mong sớm phục hồi
Theo người dân, giai đoạn chăm sóc, phục hồi sau khi trồng lại cây đào có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu sớm đưa cây về trồng tại vườn thì chỉ cần trồng xuống hố đất đã chuẩn bị sẵn, tưới nước, tỉa lại cành nhánh là cây có thể phục hồi nhanh. Nhưng do thu gom về muộn nên cây đào cần được chăm sóc tỉ mỉ và vất vả hơn nhiều lần, người dân đang nỗ lực áp dụng các biện pháp giúp cây đào "hồi sinh".
Sau khi trồng trở lại đất vườn, các cây đào được tưới nước thường xuyên hơn, bảo đảm cung cấp độ ẩm cho rễ phát triển. Do bộ rễ bị yếu và thân khô cằn, người dân đã sử dụng thuốc kích rễ, mầm cho cây đào. Các loại phân lân, phân chuồng hoai mục cũng được tăng cường để bón cho cây. Cây đào cần được theo dõi thường xuyên, nếu phát hiện cành nhánh khô héo không nảy lộc được thì sớm cắt bỏ. Có những cây người dân phải cắt bỏ tất cả các cành, chỉ để lại thân hoặc gốc để ghép mắt, mất hết dáng đẹp đã được kỳ công uốn nắn nhiều năm trước. Đến khi các cành nhánh phát triển ổn định sẽ uốn nắn tạo dáng, cần ít nhất 1 năm để nuôi được cành mới. Do mới trồng trở lại và sức đề kháng của cây còn yếu, sâu bệnh rất dễ xuất hiện nên phải tăng cường phun thuốc trừ sâu.
“Đào thu gom về muộn nên dù áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc cũng khó phục hồi. Tôi vẫn đang theo dõi thường xuyên, phun thuốc kích rễ, bón phân Đầu Trâu để kích thích cây ra lá, đẻ nhánh”, anh Nguyễn Văn Kế nói. Trước Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên những người trồng đào bị thiệt hại lớn vì khó tiêu thụ. Sau Tết, số ít cây đào có khách thuê lại thu gom muộn nên hư hỏng nhiều, thiệt hại mỗi cây từ 1,5 triệu đồng. Thu nhập cả năm của người dân trồng đào trông chờ vào cây đào, nhưng khó chồng khó nên người dân đang mong nhận được hỗ trợ.
LÊ XUYỀN