Tai nạn giao thông đường sắt giảm mạnh do các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền pháp luật giao thông, lắp đặt biển báo, rào chắn...
Km 78+850 đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua thị trấn Phú Thái (Kim Thành) là một điểm đen
về tai nạn giao thông nay đã được lắp rào chắn
Thời gian qua, trong khi tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường thủy vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì ATGT đường sắt đã được bảo đảm.
Trên các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh gồm Hà Nội - Hải Phòng, Kép - Hạ Long, Chí Linh - Phả Lại đã từng có một thời gian dài thường xảy ra TNGT làm nhiều người chết. Trước đây, tại các lối đi dân sinh trên các tuyến đường sắt hầu hết không có người cảnh giới, hệ thống cảnh báo còn thiếu, trong khi ý thức của người dân khi đi qua đường sắt còn nhiều hạn chế khiến TNGT trở nên nhức nhối. Trước khi nút giao lập thể Ba Hàng đưa vào sử dụng, đã có thời điểm 3 ngày xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt, làm 5 người chết tại đường vào huyện Thanh Hà đoạn qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài ra, trên nhiều đoạn giao cắt khác hầu hết cũng từng xảy ra va chạm giữa tàu hỏa với ô tô, xe máy hoặc người đi bộ. Điều đáng nói là khi xảy ra TNGT đường sắt thì hầu hết có người chết, còn phương tiện hư hỏng nặng...
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan, TNGT đường sắt đã giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm nay toàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt, làm 2 người chết, 1 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015, tai nạn giảm 3 vụ và giảm 4 người chết. Để đạt kết quả trên, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp lâu dài, sát thực tế và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tăng cường cơ sở vật chấtQuy chế phối hợp số 31/QCPH-BGTVT-UBND ngày 12-8-2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh về bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt đã được triển khai hiệu quả. Trước khi có quy chế, tại 47 lối đi dân sinh trên các tuyến đường sắt trên hầu hết không có người cảnh giới, người dân đi lại tùy tiện, là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Sau hơn 2 năm thực hiện quy chế đã không xảy ra vụ TNGT đường sắt nào tại các lối đi dân sinh. Ban ATGT tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cảnh giới; lắp đặt tấm đan bê tông tại 13 lối đi dân sinh để tránh các phương tiện khi qua đường sắt mắc kẹt giữa hai đường ray... Cuối tháng 5 vừa qua, Ban ATGT tỉnh đề nghị Công ty CP Đường sắt Hà Lạng và Công ty CP Đường sắt Hà Hải tiếp tục tổ chức cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại các lối đi dân sinh do có nơi chưa được cắm biển hoặc biển bị hỏng hóc; trang bị cho mỗi người cảnh giới 1 bộ cờ và còi. Đồng thời, đề nghị các đơn vị trên chủ trì, phối hợp với Ban ATGT các địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho người cảnh giới...
Ban Quản lý dự án 5 (Bộ Giao thông vận tải) đang khẩn trương lắp đặt rào chắn
giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5
Để giảm thiểu TNGT tại các điểm giao cắt, năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 5 rà soát các điểm kết nối giữa quốc lộ 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Theo đại diện Ban Quản lý dự án 5, qua kiểm tra đơn vị xác định trên địa bàn Hải Dương có khoảng 14 km cần lắp rào chắn bằng tôn lượn sóng. Đến nay các đơn vị thi công đã đổ bê tông và lắp đặt được hơn 5 km, số còn lại phấn đấu hoàn thành trong tháng 7.
Đẩy mạnh tuyên truyềnTuyên truyền cũng là một giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt được Ban ATGT tỉnh và các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm. Cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn kiến thức về ATGT, văn hóa giao thông cho Hiệu trưởng, Tổng phụ trách Đội của tất cả các cấp học, cán bộ cấp huyện, xã, trưởng các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Duy trì hoạt động hiệu quả của Tiểu ban An ninh trật tự đường sắt trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường sắt. Ngoài ra, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, hệ thống Đài Phát thanh cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã thường xuyên tuyên truyền các quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Phòng Cảnh sát đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cũng thành lập bộ phận chuyên trách để phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết hậu quả nếu xảy ra TNGT đường sắt. Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh thường xuyên chủ trì cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, quản lý nên thời gian qua không phát sinh các lối đi dân sinh mới. Việc giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT đường sắt; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm và dỡ bỏ các đường ngang trái phép cũng được thực hiện hiệu quả.
Cần tiếp tục quan tâmMặc dù có nhiều chuyển biến tích cực song tình hình trật tự ATGT đường sắt vẫn còn nhiều phức tạp. Tình trạng vi phạm hành lang ATGT còn diễn ra, đặc biệt trên địa bàn huyện Kim Thành. Một số lối đi dân sinh trái phép chưa đóng được do thiếu kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, rào chắn. Ngoài ra, tình trạng bán hàng rong tại một số sân ga chưa được giải quyết dứt điểm đã ảnh hưởng tới an ninh trật tự và ATGT đường sắt. Do đó, việc bảo đảm ATGT đường sắt cần được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Các đơn vị quản lý đường sắt cần thường xuyên rà soát, cắm mới hoặc thay thế biển báo hiệu dọc theo các tuyến đường. Cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt để phục vụ quản lý hành lang. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương có đường sắt đi qua trong bảo đảm ATGT, phòng chống tái lấn chiếm hành lang đường sắt và mở đường ngang trái phép.
PV