Nỗ lực đưa bảo hiểm y tế đến học sinh

08/10/2014 03:19

Bảo hiểm y tế học sinh mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống an sinh xã hội.



Năm học 2013-2014, huyện Thanh Miện đã có 18.322 học sinh tham gia BHYT, đạt 100%


Khi bị bệnh ung thư máu, gia đình em Đặng Vũ Hà Trang (học sinh lớp 8C, Trường THCS thị trấn Thanh Miện) đã hiểu được giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh. Mặc dù mới 14 tuổi nhưng gia đình Hà Trang không nhớ em đã phải vào bệnh viện điều trị biết bao nhiêu lần. Trong gần 2 năm em nằm viện với 10 đợt truyền hoá chất, chi phí điều trị cùng tiền thuốc cũng đã mất tới hơn 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với một gia đình làm nông nghiệp. “Nếu chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng cấy lúa và nghề phụ là nhận vải về cắt may thì việc chữa bệnh của cháu sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, do Trang tham gia BHYT học sinh nên gánh nặng này đã được Bảo hiểm xã hội san sẻ một phần”, chị Vũ Thị The, mẹ của Trang cho biết.

Cũng như gia đình em Hà Trang, nhiều năm trở lại đây, cuộc sống gia đình chị Hoàng Thị Khuya ở xã Đoàn Kết gần như bị đảo lộn bởi căn bệnh hiểm nghèo của con gái Nguyễn Thị Oanh. Bị bệnh suy thận nên hành trình chạy chữa cho em rất khó khăn, vất vả và tốn kém. Điều kiện kinh tế khó khăn, nếu không có quỹ BHYT hỗ trợ, gia đình chị không biết phải làm sao… Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm học sinh trên địa bàn huyện Thanh Miện được khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT hằng năm. Chỉ tính riêng năm học 2013-2014, hơn 20 nghìn lượt học sinh ở các cấp học được điều trị, khám, chữa bệnh với chi phí 838 triệu đồng. Nhiều học sinh bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị lớn đã được quỹ BHYT thanh toán kịp thời như trường hợp của em Nguyễn Minh Anh, Trường Tiểu học Lê Hồng (được hỗ trợ chi phí chữa bệnh 49 triệu đồng), em Nguyễn Thị Mai Anh, lớp 4C Trường Tiểu học Thanh Giang (20,4 triệu đồng), em Phạm Đức Dũng, lớp 6A Trường THCS Hồng Quang (29,4 triệu đồng)...

Thực hiện BHYT học sinh là bước đột phá trong lộ trình BHYT toàn dân. Nhưng Thanh Miện là huyện thuần nông, điều kiện kinh tế của người dân còn thấp, học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo lớn, học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ cao, đầu năm học các em phải đóng góp nhiều khoản… nên cũng ảnh hưởng tới công tác vận động học sinh tham gia BHYT hằng năm. Cô giáo Nguyễn Thị Ngần, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thanh Miện cho biết: “Đa phần phụ huynh đều nhận thức được lợi ích thiết thực của việc tham gia BHYT cho con em mình. Tuy vậy cũng vẫn còn một số người nhầm lẫn BHYT học sinh với các loại hình bảo hiểm thương mại hiện có trên thị trường; một số khác còn thờ ơ với sức khoẻ của con em hoặc cho rằng tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở khám, chữa bệnh chưa tốt, hệ thống y tế trường học còn yếu… đã ảnh hưởng đến hiệu quả vận động thực hiện BHYT học sinh.

Năm học 2014 - 2015, Thanh Miện phấn đấu 100% số học sinh tham gia BHYT trên tổng số học sinh thuộc diện bắt buộc tham gia. Để hoàn thành mục tiêu này, Bảo hiểm xã hội huyện đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các xã, thị trấn, ban giám hiệu các trường tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chính sách BHYT bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, thông tin trực tiếp tại các cuộc họp phụ huynh về những trường hợp người thật, việc thật đi khám, chữa bệnh được hưởng chi phí hỗ trợ cao. Cũng trong quá trình triển khai thực hiện, những vướng mắc phát sinh đều được lãnh đạo Bảo hiểm xã hội địa phương trực tiếp trao đổi với ban giám hiệu các trường để tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời. Ngoài những đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo được miễn, cận nghèo được hỗ trợ 90%, các nhà trường cũng quan tâm tới nhưng học sinh có hoàn cảnh khó khăn song không thuộc diện miễn giảm, đồng thời vận động các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân tặng thẻ BHYT cho các em. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn ở khâu chưa nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh sử dụng thẻ BHYT. Chị Phạm Thị Huê, cán bộ y tế Trường Tiểu học Ngô Quyền chia sẻ, biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhất là thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường. Do vậy, vào đầu năm học, trường đều tổ chức khám sức khoẻ cho tất cả học sinh. Y tế trường luôn được trang bị đầy đủ cơ số thuốc thiết yếu, thông dụng bảo đảm công tác sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh không may bị ốm đau, tai nạn. Hằng năm, cán bộ y tế trường được đi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế xã làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống một số bệnh thường gặp ở học sinh như: đau mắt đỏ, cận thị, răng… Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực nên nhiều năm qua, 100% số học sinh của trường tham gia BHYT. Năm học 2014-2015, mặc dù kế hoạch cấp trên giao phải hoàn thành xong trước ngày 25-9 nhưng đến ngày 15-9, trường đã hoàn thành chỉ tiêu với 100% số học sinh tham gia.
Theo ông Vũ Kim Tuyển, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thanh Miện, năm học 2012 - 2013, toàn huyện có 18.182 học sinh tham gia BHYT, đạt 99,91%; năm học 2013 - 2014 có 18.322 học sinh tham gia, đạt 100%. Theo Luật BHYT kể từ ngày 1-1-2010, học sinh không còn là đối tượng tự nguyện mà thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên để BHYT học sinh thực sự đi vào lòng dân, trở thành mong muốn của mỗi bậc phụ huynh rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

HOÀNG NẾT


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực đưa bảo hiểm y tế đến học sinh