Nỗ lực của đôi vợ chồng khuyết tật

21/04/2014 08:33

Bị khuyết tật từ nhỏ, nay đã 24 tuổi nhưng chiều cao của chị Giang Thị Lành ở thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) rất khiêm tốn.



Những điều tốt đẹp nhất đang chờ đón đôi vợ chồng người khuyết tật


Chị chỉ cao khoảng 1 mét, nên rất vất vả trong đi lại và sinh hoạt. Học hết tiểu học, chị Lành ngậm ngùi chia tay sách vở, lúc nào cũng lủi thủi ở nhà, không dám bước ra ngoài đường vì mặc cảm, tự ti. Về sau được gia đình động viên, Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện chị đăng ký tham gia lớp học nghề đính hạt cườm, thêu rèm, may gia công. Luôn mang trong mình nỗi mặc cảm, do vậy làm bất cứ công việc gì chị cũng không cảm thấy hứng thú. Đang lúc chán chường, tình cờ chị được một người quen giới thiệu diễn kịch, hát tại một trung tâm dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Mừng vì sắp có việc làm nhưng chị cũng lo bởi chưa hát trước đám đông bao giờ nhưng cuối cùng chị vẫn quyết định khăn gói lên Hà Nội làm việc. Đó là năm 2008, khi chị mới 18 tuổi.

Kể từ ngày đi theo đoàn không chỉ hết mặc cảm tự ti, chị còn cảm nhận được niềm vui xen lẫn chút hãnh diện bởi đã tự nuôi được bản thân. Hạnh phúc hơn, chính cơ duyên đi biểu diễn cùng đoàn tại TP Hạ Long chị đã gặp anh Trần Văn Dũng, người dân tộc Sán Dìu ở tỉnh Tuyên Quang. Cùng cảnh chịu thương chịu khó, từ chỗ chỉ nói chuyện 2 người đã sớm tìm được sự đồng cảm đặc biệt. Quen nhau hơn nửa năm, mặc dù từng bị 2 bên gia đình ngăn cấm song một đám "cưới cổ tích" vẫn được diễn ra. Hôn lễ của họ được tổ chức đúng Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Điều đặc biệt trong đám cưới này, từ việc trang trí sân khấu đến khâu tổ chức, dàn dựng các tiết mục văn nghệ đều do các thành viên của đoàn nghệ thuật người khuyết tật biểu diễn.

Hiện tại anh chị sống bằng thu nhập từ diễn kịch và hát, mỗi đêm biểu diễn được trả thù lao từ 70 - 100 nghìn đồng/người. Với thù lao ấy, lúc chưa lấy nhau có thể tạm cho là ổn nhưng khi đã nên vợ nên chồng, đặc biệt chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ thì khoản thu nhập này dường như không giúp được anh chị nhiều. Trong khi đó, công việc không ổn định và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, những ngày mưa gió, đoàn phải hoãn biểu diễn. Từ sau Tết tới nay, trung bình mỗi tháng anh chị chỉ nhận được từ 5-7 buổi diễn. “Với người bình thường tìm được công việc đã khó huống chi người khuyết tật. Mặc dù đi diễn đã mang lại cho chúng tôi nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng công việc ấy phải phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố khách quan cho nên mong muốn lớn nhất của vợ chồng tôi bây giờ là có một khoản tiền để mở xưởng sản xuất, kinh doanh tại nhà như: tăm tre, mây tre đan, vàng mã…”, anh Dũng chia sẻ.

Bỏ lại sau lưng tất cả những bộn bề, lo toan của cuộc sống, điều đáng quý và trân trọng ở đôi vợ chồng khuyết tật này là luôn hướng tới những điều tốt đẹp nhất đang đợi chờ phía trước.

HOÀNG NẾT

(0) Bình luận
Nỗ lực của đôi vợ chồng khuyết tật