Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

18/11/2011 07:49

Đơn giản thủ tục hành chính kết hợp với nhiều chính sách về thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... là những biện pháp tích cực trong thu hút đầu tư.



Khu công nghiệp Tân Trường vừa mở rộng giai đoạn 2 đã thu hút
một số dự án công nghệ cao do doanh nhân Nhật Bản đầu tư


Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cơ chế “liên thông một cửa”, kết hợp nhiều chính sách về thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... đang là những biện pháp tích cực của  tỉnh ta trong thu hút đầu tư.

Tạo cơ chế và môi trường

Khắc phục lạm phát và ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, tỉnh ta tận dụng thời cơ, tạo cơ hội và điều kiện tối ưu để thực hiện kế hoạch thu hút đầu tư ngay từ đầu năm nay. Hàng chục dự án kinh tế-xã hội được giới thiệu.  Quyết tâm trong thu hút đầu tư của tỉnh ta đã và đang được thể hiện rõ thông qua nhiều chính sách thông thoáng, đồng thời tập trung giải quyết kịp thời các vướng mắc ở từng dự án cụ thể. Một trong những "cú hích" là cơ chế ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng; ưu tiên các loại hình dịch vụ và công nghiệp phụ trợ để đón đầu, phục vụ các nhu cầu của các khu công nghiệp... Tiếp đó là sự quan tâm nhóm sản phẩm có khả năng tạo nguồn thu ngân sách lớn (xi-măng, thép), sử dụng nhiều lao động (sản xuất giày, hàng may mặc xuất khẩu), dự án sử dụng tiềm năng và lợi thế của tỉnh (chế biến nông - lâm - thuỷ sản, khoáng sản, nhiệt điện). Tỉnh ta cũng tập trung xúc tiến đầu tư với các đối tác trọng điểm từ khu vực ASEAN,  các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU... Quan tâm chọn lọc những dự án thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế. Mặc dù không ít nhà đầu tư đã đến đặt vấn đề, nhưng tỉnh không chạy theo các dự án "tỷ đô" khi điều kiện của địa phương

khó đáp ứng hoặc năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và tính khả thi về nguồn vốn còn chưa rõ. Mặc dù đầu tư trong nước nhiều hơn đầu tư nước ngoài cả về số dự án và vốn đăng ký, song tỉnh vẫn rất quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài, vì nhà đầu tư nước ngoài có ưu thế về vốn, kinh nghiệm quản lý và đặc biệt là thị trường. Các dự án vào khu công nghiệp (KCN) tỉnh chủ yếu do các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ca-na-da… đầu tư. Công ty Sumidenso Việt Nam 100% vốn Nhật Bản, liên tục mở rộng phát triển sản xuất. Ngoài các nhà máy sản xuất số 1, 2 và 3 (khu công nghiệp Đại An), từ cuối tháng 10-2011, nhà máy Sumidenso 4, tại cụm công nghiệp Nghĩa An (Ninh Giang) đi vào hoạt động.

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã hoàn chỉnh việc sửa đổi, bổ sung quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, nhằm khắc phục được những bất cập về trình tự, cơ chế phối hợp liên ngành và thời gian giải quyết. Trong cấp phép các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, việc tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ được rút ngắn thời gian so với quy định. Trong thẩm định dự án đầu tư thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản, thời gian thẩm định và trình UBND tỉnh sớm hơn so với quy định khoảng 3 ngày.

Trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các quy định về lệ phí, thời gian giải quyết công việc được công khai và cụ thể hoá các loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký. Thời gian làm thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp, thay đổi nội dung kinh doanh... đều được giảm 50%. Có trường hợp hoàn thành thủ tục ngay trong ngày.

Thu hút đầu tư có ưu tiên


Theo ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, tỉnh ta hướng tới các dự án đầu tư phát huy lợi thế của tỉnh như chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng... Ưu tiên thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự, các dự án công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp cùng phát triển, đóng góp cho nhiều ngân sách nhà nước. Đồng thời, thận trọng trước các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc mâu thuẫn với mục tiêu phát triển... Tăng cường quy hoạch theo ngành, lĩnh vực để có thể tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và ODA, bố trí vốn đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn... FDI luôn được xác định là nguồn vốn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nên ưu tiên thu hút các dự án FDI có quy mô đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn, sản phẩm có sức cạnh tranh, định hướng xuất khẩu, dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ, sản xuất có sử dụng thế mạnh về nguyên liệu của địa phương… Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, nhất là trong giải phóng mặt bằng. Tiếp  tục  đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 223 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,4 tỷ USD (ngoài KCN có 111 dự án, tổng vốn 3,388 tỷ USD; trong KCN có 122 dự án, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 1,8 tỷ USD, thu hút trên 92 nghìn lao động trực tiếp, cùng hàng nghìn lao động gián tiếp khác. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Công ty Xi-măng Phúc Sơn năm 2010 đã nộp ngân sách 5,6  triệu USD, sử dụng trên 1.000 lao động; Công ty Ford nộp ngân sách 70,3 triệu USD, sử dụng trên 600 lao động…


THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư