Nỗ lực "cứu" ca trù

14/07/2015 07:30

Những năm qua, ngành văn hóa, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có những nỗ lực để bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc.



Tiết mục biểu diễn của CLB Ca trù Trung tâm Văn hóa tỉnh tại Giao lưu ca trù tỉnh Hải Dương năm 2014


Được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ca trù trở thành đặc sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, ngay khi công nhận, UNESCO đã liệt loại hình nghệ thuật này vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong những năm qua, ngành văn hóa, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có những nỗ lực để đưa ca trù ra khỏi danh sách này.

Nhiều việc làm thiết thực

Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 1-10-2009 và được liệt vào danh sách những di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Theo quy định của UNESCO và Công ước Di sản 1972, các quốc gia có di sản nằm trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp phải có kế hoạch bảo tồn, phát huy, đưa di sản ra khỏi danh sách. Sau thời gian 5 năm, UNESCO kiểm tra, nếu quốc gia đó vẫn chưa có những biện pháp, chiến lược cụ thể để bảo tồn sẽ phải thực hiện cam kết chặt chẽ hơn nữa. Còn sau một thời gian nhất định, nếu quốc gia này vẫn không thể đưa di sản ra khỏi danh sách khẩn cấp thì có khả năng sẽ bị thu hồi danh hiệu.

Ở tỉnh ta, trước khi ca trù được vinh danh, ngành văn hóa, các cấp, các ngành đã có những nỗ lực để bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc.

Sau lớp truyền dạy nghệ thuật hát ca trù của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2002, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ca trù với 5 thành viên. Đến nay, CLB đã có 10 thành viên ở các lứa tuổi. Với vai trò hạt nhân, các thành viên của CLB đã góp phần chuyển giao, nhân rộng loại hình nghệ thuật hát ca trù và thành lập CLB ca trù ở các địa phương. Điển hình như năm 2003, CLB phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện Cẩm Giàng mở lớp nhạc công, ca nương cho 15 học viên trong 2 tháng. Sau lớp học, CLB Ca trù huyện Cẩm Giàng ra mắt, đến nay phát triển với hàng chục thành viên. Tương tự, năm 2004, CLB Ca trù của Trung tâm Văn hóa tỉnh chuyển giao nghệ thuật hát ca trù cho 14 học viên và hỗ trợ thành lập CLB ca trù cho huyện Nam Sách. Các năm tiếp theo, trung tâm hỗ trợ kiện toàn CLB Ca trù xã Dân Chủ (Tứ Kỳ), CLB Ca trù phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đã được thành lập trước đó. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 5 CLB ca trù với trên 60 nhạc công, ca nương tham gia sinh hoạt.

Đặc biệt, sau khi ca trù được vinh danh và liệt vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp, ngành văn hóa tỉnh đã phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam mở lớp chuyển giao thể cách hát ca trù cửa đình do nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ truyền thụ cho 25 học viên của các CLB ca trù trong tỉnh.

Mỗi năm Trung tâm Văn hóa tỉnh đều mở từ 1-3 lớp truyền dạy hoặc nâng cao kỹ nghệ hát ca trù cho từ 25-30 người yêu thích hoặc thành viên của các CLB. Từ các lớp này, nghệ thuật ca trù được nhân rộng, ăn sâu trong cộng đồng.

Để người yêu thích ca trù có nơi sinh hoạt, trao đổi kiến thức, mỗi năm ngành văn hóa tỉnh lại tổ chức giao lưu ca trù giữa các CLB trong và ngoài tỉnh. Hiện mới có tỉnh ta duy trì được hoạt động ý nghĩa này. Cùng với đó, 2 năm một lần, tỉnh ta lại tổ chức đoàn tham dự liên hoan ca trù toàn quốc để đánh giá công tác bảo tồn, phát huy. Bằng việc nỗ lực không ngừng, ca trù tỉnh ta đã nhiều lần tỏa sáng trong các kỳ liên hoan. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2009, Hải Dương đoạt 3 huy chương vàng cá nhân, năm 2011 đoạt huy chương vàng toàn đoàn. Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014 lại là một mùa bội thu huy chương khi đoàn của tỉnh đoạt huy chương bạc toàn đoàn, 2 huy chương vàng, bạc cá nhân.

Đặc biệt, để loại hình nghệ thuật ca trù phát triển bền vững, hằng năm, ngành văn hóa hỗ trợ mỗi CLB 5 triệu đồng duy trì hoạt động, mua sắm trang thiết bị. Số tiền tuy không lớn song là nguồn động viên quý báu để tiếp lửa cho những người đam mê loại hình nghệ thuật này. Bà Vũ Thị Mai Khương, Chủ nhiệm CLB ca trù phường Ngọc Châu cho biết: "CLB được thành lập từ năm 2001, đến nay đã có hơn 10 thành viên. Người nắm giữ nhiều nhất được khoảng 10 thể cách hát ca trù. Được sự quan tâm của ngành văn hóa, mỗi năm CLB được hỗ trợ 5 triệu đồng để hoạt động. Cùng với nguồn kinh phí các thành viên tự đóng góp, nguồn kinh phí thu được thông qua biểu diễn tại các hội nghị, lễ hội, CLB đã được duy trì hiệu quả".

Cần tiếp sức

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ (thứ hai bên phải), người góp phần quan trọng trong giữ gìn, truyền dạy nghệ thuật ca trù

Ông Phạm Hồng Hải, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh, chuyên viên phụ trách mảng ca trù, Chủ nhiệm CLB Ca trù của trung tâm cho biết: Với những việc làm thiết thực để bảo tồn, phục dựng, sau 5 năm có thể khẳng định nghệ thuật hát ca trù ở tỉnh ta đã thoát khỏi nguy cơ thất truyền. Thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chúng ta đã gây dựng được đội ngũ nắm giữ nghệ thuật hát ca trù kế cận đông đảo.

Tuy nhiên, để duy trì được những kết quả đã đạt được cần thêm nhiều nỗ lực. Trước hết cần có chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là chính sách hỗ trợ nghệ nhân tham gia đào tạo ca trù, những người đam mê truyền thụ và khơi dậy tình yêu ca trù cho thế hệ trẻ dù không có sự hỗ trợ nào. Hiện nay, ở tỉnh ta, mới chỉ có hai nghệ nhân ca trù cao tuổi của CLB ca trù xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng/người. Còn những nghệ nhân trẻ hơn, là người trực tiếp tham gia đào tạo ca trù chưa có bất cứ hình thức hỗ trợ nào.

Bên cạnh đó, cần khích lệ, động viên đúng mức để lớp trẻ hiểu và có niềm đam mê với nghệ thuật ca trù. Một hai năm gần đây, các lớp đào tạo ca trù do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức hầu như vắng bóng các học viên nhỏ tuổi. Về lâu dài, đây là nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt đội ngũ kế cận. Để khắc phục điều này, ngành giáo dục cần tích cực vào cuộc, có kế hoạch đưa các môn nghệ thuật dân gian nói chung, ca trù nói riêng vào giới thiệu, truyền thụ trong trường học. Trước mắt, ngành giáo dục cần phối hợp với ngành văn hóa mở lớp chuyển giao nghệ thuật ca trù đến đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc tại các trường học và thông qua họ để giới thiệu ca trù đến các em học sinh. 

Ngoài ra cần duy trì bền vững các CLB ca trù đã có, thành lập mới các CLB ca trù ở các địa phương còn lại, trọng tâm là các nơi có truyền thống hát ca trù. Các CLB tự nâng cao chất lượng hoạt động, chú trọng truyền nghề phát triển thành viên, tập trung vào thành viên trong gia đình, họ hàng.

Đặc biệt, Nhà nước, tỉnh sớm có những chính sách xét tặng danh hiệu, các hình thức khen thưởng, vinh danh, công nhận… để duy trì niềm đam mê ca trù trong mỗi nghệ nhân dân gian.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực "cứu" ca trù