Bản cáo trạng của Tòa án Liên bang Mỹ ở TP Waycross, bang Georgia (Mỹ), mô tả việc các lao động bị đưa lậu đến Mỹ và bị giam lỏng để làm việc trong các nông trại là "chế độ nô lệ thời hiện đại".
Một bồi thẩm đoàn tại Tòa án Liên bang Mỹ ở TP Waycross, bang Georgia, đã truy tố 24 kẻ chủ mưu buôn người về các tội danh lao động cưỡng bức, gian lận hồ sơ, giả mạo nhân chứng và âm mưu rửa tiền. Tòa thẩm vấn các bị can trong vụ án lần lượt vào ngày 21.12.2021 và ngày 6.1.2022.
Đây là một vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành nông nghiệp Mỹ. Công nhân từ các nước Trung Mỹ bị buôn lậu đến Mỹ và giam lỏng để lao động khổ sai tại các nông trại.
Bị quỵt lương, hãm hiếp, đánh đập
Vào tháng 6, một công nhân Mexico giấu tên vì sợ bị trả thù kể, anh bị một đường dây buôn người ở TP Monterey, bang California (Mỹ) đưa qua Mỹ để làm việc tại các trang trại ở bang Georgia, theo điều tra của báo Guardian.
Người này phải trả cho những kẻ buôn người 20.000 peso (950 USD) để được đưa qua biên giới vào Mỹ.
Người lao động này cho biết lúc đầu anh được giới thiệu làm việc trong một trang trại trồng việt quất. Tuy nhiên, khi đến Mỹ, anh bị điều động đến một cơ sở trồng ngô.
"Chúng tôi đến ngôi nhà mốc meo và phải tự tổng vệ sinh các phòng rồi mới ở được. Phòng tắm và vòi hoa sen bẩn và bị tắc nghẽn. Căn bếp thật kinh khủng. Chúng tôi phải sống trong những căn phòng nóng bức vào mùa hè”, người lao động này kể.
Người lao động tại cơ sở trồng ngô làm việc hằng ngày từ 3h đến 15h, chỉ được nghỉ trưa 15 phút. Sau 15 ngày làm việc, họ chỉ kiếm được 225 USD.
Khi vào làm việc, người công nhân này mới biết có một số công nhân khác đã chết vì lao lực và bị đánh đập. Ngoài ra, trong nhóm làm việc tại đây còn có những người nhập cư lậu từ Haiti.
Sau 20 ngày làm việc tại trang trại ngô, người công nhân này được đưa đến một nhà kho chứa dưa chuột. Tại đây, người này phải làm việc mà không được trả bất kỳ khoản tiền nào. Sau đó, anh này và các lao động khác lại bị luân chuyển đến bang Texas để tiếp tục làm việc không lương, trước khi trốn thoát được về Mexico vào tháng 7.
Các công nhân bị đe dọa trục xuất hoặc đánh đập nếu họ không tuân theo những kẻ chủ mưu.
Một số công nhân được hứa trả lương tới 12 USD/giờ, song thực tế họ phải đào củ hành bằng tay chỉ với giá 0,2 USD/thùng. Họ làm việc dưới sự giám sát của các giám thị có vũ khí.
Luật pháp không bảo vệ
Ở nông trại, những "nô lệ" nhập cư có rất ít sự bảo vệ. Họ bị loại khỏi Đạo luật Quan hệ lao động quốc gia được thông qua năm 1935 và Đạo luật Tiêu chuẩn lao động công bằng năm 1938.
Các công nhân nhập cư này thường xuyên bị lạm dụng, từ các vụ quấy rối và tấn công tình dục, quỵt tiền lương và các vấn đề an toàn bao gồm cả thương tích, tử vong khi lao động và tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Cuộc điều tra cho thấy, những kẻ chủ mưu buộc người lao động phải trả phí để được vào Mỹ thông qua chương trình thị thực lao động H2-A. Sau đó, nhóm chủ mưu giữ lại giấy tờ tùy thân và du lịch, buộc họ phải làm việc trong những điều kiện sống vô nhân đạo.
Cũng theo điều tra, 24 kẻ chủ mưu đã kiếm được 200 triệu USD từ hoạt động buôn người. Chúng rửa tiền thông qua đất đai, nhà cửa, mua sắm hơn một chục phương tiện đi lại, mua một nhà hàng và hộp đêm, lập sòng bạc.
Hơn 100 công nhân tại các nông trại đã được giải thoát khỏi bọn buôn người.
Chương trình thị thực H2-A thường được sử dụng để bóc lột lao động nhập cư ở Mỹ. Theo thị thực này, người nhập cư với việc làm tạm thời ở Mỹ không đủ điều kiện để trở thành công dân Mỹ.
Ông Daniel Costa, Giám đốc nghiên cứu chính sách và luật nhập cư tại Viện Chính sách kinh tế cho biết: "Cấu trúc của chương trình thị thực H2-A tạo điều kiện cho những việc như thế này xảy ra".
Theo Tuổi trẻ