Trong hơn 1 giờ gặp gỡ báo chí ngày 23-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không né tránh bất cứ câu hỏi nào của các nhà báo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu gặp gỡ đông đảo phóng viên báo chí - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Mở đầu cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thông điệp: Quốc hội khóa XIV thật sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, một Quốc hội hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào dân tộc và vì sự phát triển bền vững của đất nước. “Đó là thông điệp ngắn, chúng tôi muốn gửi đến nhân dân bằng quyết tâm rất cao của Quốc hội khóa XIV”, Chủ tịch nói.
Tránh “vết xe đổ” các quốc gia vỡ nợ
“Các phân tích cho thấy rằng nợ công nhiều khả năng sẽ vượt giới hạn Quốc hội cho phép (65% GDP) trong năm nay. Nếu điều này xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Trong vai trò Chủ tịch Quốc hội, đồng chí sẽ làm gì để người dân giảm bớt nỗi lo về gánh nặng nợ công?” - Tuổi Trẻ đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội trả lời: “Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công. Tất nhiên Quốc hội có trách nhiệm vì quyết định trần nợ công, quyết định bội chi hằng năm, phát hành trái phiếu bao nhiêu thì có nghị quyết của Quốc hội. Nhưng Chính phủ là nơi điều hành, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội trước đây đã quyết định nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP thì đến cuối năm 2013 nợ Chính phủ đã vượt trần 0,3% và Quốc hội đã thảo luận rất nhiều”.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Quốc hội khóa này sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công. Quốc hội cũng sẽ tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng. Hiện nay nợ công vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng Quốc hội quan tâm tới vấn đề nó thật sự an toàn không? An toàn có nghĩa là đã vay thì đến thời hạn phải trả được và vay về làm gì, có hiệu quả hay không?
Vay mà đầu tư đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả thì vay là cần thiết, vay trong điều kiện tài chính quốc gia chịu được, không bị vỡ nợ thì mới an toàn.
Hiện nay nợ công đang có những vấn đề, tuy vẫn ở mức kiểm soát nhưng đến thời hạn trả nợ thì có khó khăn, chúng ta chưa có đủ nguồn lực để trả nợ đúng hạn và đã xảy ra tình trạng vay để đáo hạn”.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm: “Chúng ta đang phấn đấu thay đổi cơ cấu nợ, tăng tỷ lệ nợ trong nước lên và vay dài hạn hơn. Quốc hội sẽ kiểm soát để Việt Nam không đi vào vết xe đổ của các quốc gia đi trước ở châu Âu, châu Mỹ. Cứ nói (nợ công) dưới 65% GDP là an toàn, nhưng dưới 65% mà đến thời hạn trả nợ không có tiền trả là không an toàn”.
“Nợ” Luật Biểu tình đến bao giờ?
Nhắc đến “món nợ” Luật Biểu tình đã nhiều lần Quốc hội “đưa vào, rút ra”, phóng viên VnEconomy hỏi: “Đến bây giờ thì dự án Luật Biểu tình vẫn được lùi vô thời hạn. Xin đồng chí cho biết Quốc hội khóa XIV có trả nợ Luật Biểu tình cho dân không?”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quyền biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Việc lùi dự án luật này là để nghiên cứu căn cơ, thấu đáo để nó phù hợp với tình hình đất nước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiện nay đất nước ta rất ổn định, trong khi có nhiều nơi (các nước) thấy rất lo lắng.
“Chúng ta ban hành luật này phải bảo đảm quyền lợi của đất nước và của nhân dân, bảo đảm không rối loạn đất nước. Nếu ban hành luật này mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn, dân cũng không mong muốn, Chủ tịch Quốc hội giải thích và khẳng định - Quốc hội sẽ xem xét Luật Biểu tình khi Chính phủ đã nghiên cứu kỹ và trình, chứ không phải là luật này lùi vô thời hạn”.
Phóng viên báo Dân Trí dẫn lại đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc là các đại biểu đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và hỏi: “Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí sẽ làm gì để các đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ này?”.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Khi tuyên thệ, chúng tôi không nói cụ thể đến chống tham nhũng, chống quan liêu, tiêu cực, nhưng tôi nói là trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Và như thế thì phải chống quan liêu, chống tham nhũng, chống tiêu cực.
Tôi nghĩ rằng để làm tốt việc này, trước hết phải hoàn thiện công tác lập pháp cho tốt, ban hành các đạo luật không để kẽ hở cho tham nhũng. Đồng thời Quốc hội phải giám sát xem luật có được thực thi đúng hay không”.
Chưa lập ủy ban lâm thời điều tra Formosa
Đây là chủ đề được nhiều phóng viên nêu câu hỏi. “Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) kiến nghị Quốc hội lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng Quốc hội nên làm như vậy, xin cho biết ý kiến của Chủ tịch Quốc hội?” - Tuổi Trẻ hỏi.
Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời. “Chúng ta biết để có kết luận về Formosa, Chính phủ đã rất cố gắng, huy động lực lượng lớn cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong và ngoài nước, điều tra thực địa, đấu tranh để buộc họ phải nhận lỗi, chấp nhận bồi thường, khắc phục.
Dân thì nói Chính phủ chậm, nhưng không nhanh được đâu vì họ xả thải xuống biển, phải có bằng chứng, căn cứ khoa học thì người ta mới nhận tội. Tôi nghĩ rằng trong quá trình đấu tranh, Chính phủ đã làm rất chặt chẽ, đến nay Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục khắc phục hậu quả.
Quốc hội chưa lập ủy ban lâm thời nhưng chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ, tiếp tục theo dõi quá trình giải quyết vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội giải thích.
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ vẫn đang tiếp tục chỉ đạo xem xét.
“Bất cứ ai, tổ chức nào vi phạm pháp luật về môi trường, làm tổn hại đến môi trường đều bị xử lý. Formosa là một kinh nghiệm đắt giá để chúng ta rà soát tất cả dự án đầu tư và chính sách thu hút đầu tư của chúng ta trong tương lai”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Sẽ nhắc nhở ông Võ Kim Cự không nên né tránh báo chí Trong cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói lời cảm ơn tới các nhà báo. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Sự đồng hành của báo chí đã góp phần vào sự thành công của Quốc hội. Nếu phiên họp Quốc hội không có báo chí, không có phóng viên thì không thể tưởng tượng được là sẽ thế nào khi chỉ có đại biểu nói với nhau nghe, dân không biết. Chúng tôi khuyến khích đại biểu Quốc hội phải tăng cường tiếp xúc với báo chí”. Về điều này, phóng viên VnExpress nêu: “Liên quan đến vụ Formosa, báo chí chúng tôi rất khó tiếp cận một số đại biểu có liên quan trong vụ việc này để có thể phỏng vấn, đưa tin chính xác đến bạn đọc. Ví dụ, chúng tôi rất khó tiếp cận đại biểu Võ Kim Cự, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí bình luận gì về việc này?”. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ: “Ông Võ Kim Cự mà né tránh thì trước hết là quyền của ông Võ Kim Cự. Nhưng tôi sẽ gặp gỡ ông Cự để nhắc nhở. Là đại biểu Quốc hội thì phải tiếp xúc với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là sự việc xảy ra lúc mình làm lãnh đạo tỉnh nhà. Hơn ai hết, ông Cự phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Những thông tin đúng đắn cung cấp kịp thời cho báo chí thì báo chí sẽ có nhìn nhận đầy đủ, đưa thông tin kịp thời, còn hơn là cứ mập mờ, tránh né”. |
Theo Tuổi trẻ