Ninh Giang xây dựng nông thôn mới

13/02/2012 11:37

Huyện tiếp tục thực hiện việc khai thác tốt mọi nguồn thu, kêu gọi sự đóng góp từ mọi nguồn lực để đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới...


Nhà ở là tiêu chí nhiều xã ở Ninh Giang đã đạt được (ảnhchụp tại xã Ninh Thành)

Hồng Thái là một trong 5 xã của huyện Ninh Giang được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1. Đến nay, xã Hồng Thái mới đạt được 7 trong tổng số 19 tiêu chí. Đồng chí Nguyễn Đức Tráng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Hồng Thái cho biết: Để phấn đấu đạt 12 tiêu chí còn lại, xã Hồng Thái còn gặp nhiều khó khăn. Xã đã xây dựng quy hoạch đồng ruộng từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Hiện nay, ruộng đất ở địa phương rất manh mún, người dân trồng cây theo ý thích riêng nên không quy hoạch được vùng sản xuất tập trung. Hệ thống kênh mương của địa phương dài 110 km, để kiên cố hóa hết cần nhiều tỷ đồng, huy động sức dân gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các tuyến đường đã được bê-tông hóa từ lâu, người dân xây tường bao, nhà sát đường. Nếu mở rộng, người dân sẵn sàng hiến đất làm đường, nhưng còn những công trình dân đã xây dựng phải phá bỏ thì xã không có ngân sách đền bù. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải chưa có. Hiện nay, nước thải chảy vào ao hồ làm cho nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và nuôi thủy sản của người dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của địa phương còn thấp...


Mặc dù không được chọn là xã xây dựng NTM giai đoạn đầu nhưng xã Tân Phong cũng đang nỗ lực để đạt được các tiêu chí xây dựng NTM trong thời gian ngắn nhất. Thời gian qua, xã đã tập trung ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự… Với những cố gắng đó, Tân Phong đã đạt được 6 trong tổng số 19 tiêu chí, gồm hệ thống giao thông, điện, y tế, hệ thống chính trị, tỷ lệ lao động qua đào tạo và nhà ở dân cư. Đồng chí Trần Quyết Tâm, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Tân Phong cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn tới 4,3%. Mặc dù đã được các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật… có hộ thoát được nghèo nhưng không bền vững. Nguy cơ tái nghèo cao, tập trung vào những hộ thiếu lao động hoặc thiếu tư liệu sản xuất. Các hộ làm tiểu, thủ công nghiệp của địa phương đa phần tận dụng diện tích đất của gia đình sẵn có để làm vì vậy xã quy hoạch được khu tiểu, thủ công nghiệp nhưng việc tập hợp để người dân vào cũng không phải là dễ, bởi khi vào đây người dân phải bỏ tiền ra thuê mặt bằng. Xã mới chỉ có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, phấn đấu trong 1-2 năm tới, các trường còn lại đạt chuẩn nhưng cũng rất khó bởi thiếu kinh phí để hoàn thiện cơ sở vật chất. Khó khăn lớn nhất của Tân Phong hiện nay là kinh phí để xây dựng. Xã cần khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng NTM. Xã đã tính phương án quy hoạch để chuyển quyền sử dụng đất nhưng cũng khó bởi đất của địa phương giá trị không cao trong khi đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chắc chắn nguồn đóng góp từ nhân dân sẽ không nhiều.



Nhiều đoạn đường ra đồng thôn Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) chưa được kiên cố hóa, gây khoa khăn cho việc đi lại và vận cuyển vật tư hàng hóa


Những khó khăn của 2 xã trên đây cũng là khó khăn chung mà các xã khác ở huyện Ninh Giang đang gặp phải. Ông Trần Trọng Bát, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, cơ quan thường trực xây dựng NTM cho biết: Trong 5 xã xây dựng NTM giai đoạn đầu, xã Hồng Thái đạt được 7 tiêu chí, các xã Tân Quang, Ninh Thành, mỗi xã đạt 9 tiêu chí, xã Hồng Dụ đạt 8 tiêu chí, xã Tân Hương đạt 10 tiêu chí; 22 xã còn lại đạt từ 4 - 9 tiêu chí. 14 xã đang lập quy hoạch chung, chưa có xã nào lập quy hoạch chi tiết và 9 xã đang lập đề án. Để khắc phục những khó khăn trên, huyện yêu cầu mỗi địa phương chủ động tìm ra hướng khắc phục, nghiên cứu và áp dụng các cách làm hay của các xã khác như xã Hồng Thái xây dựng mỗi thôn một quỹ "xây dựng NTM”, trong đó vận động sự đóng góp của người dân địa phương, con em xa quê, các tổ chức, doanh nghiệp. Xã Tân Phong quy hoạch, xây dựng hạ tầng thiết yếu sau đó mới tiến hành đấu giá để nâng cao giá trị từng khu vực. Huyện xây dựng 17 đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao chất lượng từng mặt, góp phần nâng cao chất lượng chung của toàn huyện. Một số đề án đáng chú ý như: "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng”; “Phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề giai đoạn 2011- 2015”, “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”…


Trong thời gian tới, huyện Ninh Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân. Tiến hành lồng ghép các chương trình để có vốn xây dựng cơ sở vật chất. Khai thác tốt mọi nguồn thu của địa phương, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng NTM.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Giang xây dựng nông thôn mới