Giao thông - Đô thị

Ninh Giang “chữa khỏi” ngập lụt nội thị

HN 12/08/2024 12:00

Các dự án chỉnh trang đô thị ở thị trấn Ninh Giang (Hải Dương) không chỉ tạo nên diện mạo khang trang, cảnh quan đẹp mà còn giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng ở một số tuyến phố vào mùa mưa.

00:00

fb0c8e2db02d14734d3c.jpg
Dự án chỉnh trang đô thị tạo diện mạo khang trang cho thị trấn Ninh Giang

Dân phấn khởi

Trước đây, sau mỗi trận mưa lớn, người dân một số khu dân cư của thị trấn Ninh Giang lại chịu cảnh ngập lụt. Nước lênh láng từ đường tràn cả vào nhà dân, khu vực trũng nước ngập sâu có thể lên tới 50-70 cm. Có những khi nước ngập vài ngày mới rút, các cống nước ứ đọng không thoát được. Để đối phó với nước ngập, có nhà đắp tạm một bức tường chắn ở cửa rồi tát nước từ trong nhà ra ngoài, có nhà kê đồ đạc lên cao. Việc đi lại của bà con cũng gặp khó khăn bởi nhiều xe máy, ô tô bị nước vào chết máy.

dd2fd67fd67f72212b6e.jpg
Một tuyến đường của thị trấn Ninh Giang bị ngập nước (ảnh tư liệu do người dân cung cấp)

Là một trong những khu dân cư từng thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn, bà Phan Thị Lán, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư 1, thị trấn Ninh Giang cho biết, trước khi chỉnh trang đô thị, hệ thống thoát nước ở thị trấn Ninh Giang cũ và thấp nên việc thoát nước tương đối kém. Những tuyến đường như Nguyễn Thái Học, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu hay đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ… đều từng bị ngập.

“Từ khi thị trấn Ninh Giang được chỉnh trang đô thị, qua bao nhiêu trận mưa, không còn con đường nào bị ngập nữa. Đặc biệt là trận mưa lớn tháng trước, nếu như trước đây thì chắc chắn là khu dân cư của chúng tôi sẽ bị ngập. Nhờ chỉnh trang đô thị tạo nên những con đường to, đẹp, vỉa hè rộng rãi, hệ thống thoát nước được cải tạo. Chúng tôi rất phấn khởi”, bà Lán nói.

540bb61e831e27407e0f (1)
Khu vực nút giao giữa đường Ninh Tĩnh và đường Ninh Hòa trước đây mưa lớn thường bị ngập. Hiện khu vực này đã được cải tạo to, đẹp, không còn ngập lụt sau mưa lớn

Từ năm 2021 đến nay, dự án chỉnh trang đô thị thị trấn Ninh Giang được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 95,6 tỷ đồng, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 cải tạo các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Hồng Châu với tổng chiều dài 1,2 km. Giai đoạn 2 cải tạo các tuyến đường, công trình công cộng với tổng chiều dài khoảng 2,4 km gồm đoạn nối tiếp đường Nguyễn Lương Bằng, Trần Hưng Đạo, đường khu Huyện ủy, UBND huyện, đường Ninh Thái, cống Sao… Giai đoạn 3 cải tạo các tuyến đường Ninh Tĩnh, Ninh Thịnh, Ninh Lãng, Ninh Hòa, Nguyễn Công Trứ, Lê Thanh Nghị, Lê Hồng Phong, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu… với tổng chiều dài khoảng 3,44 km.

Nội dung và quy mô đầu tư các giai đoạn là cải tạo mặt đường xe chạy, mở rộng vỉa hè, lát gạch hè phố, bổ sung đường ống thoát nước mới, cải tạo hệ thống thoát nước hiện trạng và các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan… Cải tạo vườn hoa cũ thành sân vườn hoa mới, kết hợp có đường dạo, sân tập thể dục thể thao ngoài trời, nơi vui chơi giải trí cho người dân tại khu vực…

Chia vùng thoát nước

ec2bb856ac5608085147.jpg
Hệ thống cống ngầm các tuyến phố được đầu tư cải tạo (ảnh cơ sở cung cấp)

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Giang, trước đây phần lớn hệ thống thoát nước dọc đường bằng rãnh xây gạch, đậy nắp nằm trên vỉa hè. Chất lượng rãnh cũ nhiều đoạn bị xuống cấp, gãy tường, vỡ tấm đan, lòng rãnh bùn rác lắng đọng, khó nạo vét. Cửa ra của cống nhỏ, kênh dẫn nông... nên dẫn tới tình trạng ngập úng một số khu vực khi mưa lớn.

Từ nghiên cứu kỹ thực trạng về hệ thống thoát nước của thị trấn, đơn vị thiết kế đã lên phương án thoát nước phù hợp. Đơn vị xác định vai trò quan trọng trong tiêu nước đô thị của các kênh Đại Phú Giang kéo dài (bám dọc theo đường tỉnh 396 kéo dài), kênh dọc đường Thanh Niên, kênh Cống Sao 1, 2 và một số kênh cũ giáp phía xã Tân Hương, Vĩnh Hòa. Tuy nhiên, các kênh này lại bị bồi lắng, đặc bèo, phần lớn chưa được gia cố mái bờ và cứng hóa đường dọc hai bên. Nhiều đoạn nằm sát đất nhà dân nên dễ phát sinh tình trạng lấn chiếm. Vì vậy, đơn vị thiết kế đã lên phương án duy trì ổn định dòng chảy cũ, cải tạo nắn chỉnh kết hợp gia cố lòng kênh, tính toán lưu lượng cần tưới, tiêu cụ thể từng khu vực; giải tỏa hành lang dọc hai bên bờ kênh...

Nguyên tắc chung là cống, rãnh thu gom nước chảy ra cống nhánh rồi ra cống chính và cuối cùng là ra cửa xả. Vị trí tuyến cống, rãnh bám dọc theo hè đường giao thông, vừa tiện quản lý và giảm chi phí. Nước tiêu thoát nước được phân tải về nhiều vị trí cửa xả sẵn có nhằm giảm chiều dài và khẩu độ tuyến cống, rãnh dẫn. Việc phân chia lưu vực và xây dựng hệ thống thoát nước được tính toán ứng với từng tuyến đường, con phố cụ thể, hướng dốc nước ưu tiên theo dốc tự nhiên địa hình xả nước về các kênh thủy lợi lân cận.

7e992be43fe49bbac2f5.jpg
Hệ thống thoát nước được tính toán ứng với từng con đường, tuyến phố cụ thể (ảnh cơ sở cung cấp)

Phương án thoát nước này đã phát huy hiệu quả. Sau khi đầu tư hệ thống cống ngầm tại các tuyến phố chính, tuyến phố thường xuyên ngập lụt và đầu tư cải tạo, nạo vét các tuyến rãnh hiện trạng, hệ thống thoát nước đã được đồng bộ, nâng cao khả năng tiêu thoát nước của khu vực, giải quyết được tình trạng ngập úng một số tuyến phố vào mùa mưa.

HN
(0) Bình luận
Ninh Giang “chữa khỏi” ngập lụt nội thị