Suốt một thời gian dài xuống thấp, nay giá lợn tăng trở lại, người chăn nuôi đã có lãi. Nhiều gia đình không chỉ tái đàn mà còn mở rộng quy mô chăn nuôi.
Với giá bán lợn tăng, nhiều người chăn nuôi đã tái đàn, mở rộng chuồng trại
Mở rộng chuồng trạiĐầu năm nay, giá lợn xuống còn 33-40 nghìn đồng/kg lợn hơi làm cho người chăn nuôi bị lỗ. Vì đã đầu tư chuồng trại và nếu không nuôi nữa thì sẽ mất các mối hàng nên nhiều người vẫn tiếp tục chăn nuôi nhưng thu hẹp quy mô. Giữa năm giá lợn xuống rất thấp, có lúc lợn hơi giảm chỉ còn 28 nghìn đồng/kg, lợn siêu nạc cao nhất cũng chỉ được 35 - 37 nghìn đồng/kg, lợn giống cũng giảm chỉ còn 600-800 nghìn đồng/con. Nhiều người chăn nuôi bị lỗ nặng, không đủ sức cầm cự đã bỏ chuồng. Hiện tại, giá lợn hơi thường đã tăng 43-45 nghìn đồng/kg, lợn hơi siêu nạc 49-50 nghìn đồng/kg, là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Với giá bán này, trừ tất cả chi phí từ con giống đến điện, nước, công chăm sóc, người chăn nuôi được lãi từ 250-400 nghìn đồng/con. Nhiều người đã phấn khởi tái đàn và mở rộng quy mô.
Cách đây chục ngày, anh Nguyễn Văn Dân ở thôn Lương Xá, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) bán hơn 100 con lợn, trọng lượng trung bình từ 95-100 kg/con. Với giá bán 47,5 nghìn đồng/kg, tính ra anh cũng lãi được khoảng 400 nghìn đồng/con. Từ đầu năm đến nay, đây là lần đầu tiên anh Dân có lãi khi bán lợn, còn những lần trước đều lỗ. Tuy số tiền lãi lần này chưa đủ để bù vào những đợt lỗ trước đây nhưng anh Dân rất vui vì chăn nuôi lợn đã có tín hiệu tích cực hơn.
Theo nhận định của những người chăn nuôi có kinh nghiệm, giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ giữ nguyên hoặc tăng thêm chút ít. Chính vì vậy, nhiều người chăn nuôi đã tận dụng thời điểm “vàng” để khôi phục, tái đàn nhằm bù vào những đợt thua lỗ trước đây. Anh Nguyễn Văn Khanh ở thôn Du Tái, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) cho biết: “Trang trại của tôi có quy mô gần 2 ha với 5 dãy chuồng chuyên nuôi lợn. Đầu năm nay, do giá lợn xuống thấp nên tôi đã chủ động giảm quy mô nuôi xuống còn 1.000 con lợn thịt. Cách đây khoảng 4 tháng, đoán giá thịt lợn sẽ tăng trở lại nên tôi đã nuôi thêm gần 1.000 con lợn thịt nữa. Tôi sẽ có lợn bán cả trước, trong và sau Tết”.
Không chỉ tái đàn mà nhiều người còn đầu tư mở rộng chuồng trại để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Gia đình anh Nguyễn Đắc Viêm ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) nuôi lợn đã 4 năm nay. Ban đầu, anh Viêm chỉ có 1 trại ở xã Cẩm Đông với quy mô 80 con lợn nái. Gần đây, anh đã xây dựng thêm 1 trại nuôi 150 con lợn nái ở xã Cẩm Định. Anh Viêm cho biết: “Qua theo dõi tôi thấy cứ từ tháng 8 âm lịch trở đi là giá lợn lại tăng. Năm nay nhiều người đã bỏ chuồng nên nguồn cung chắc giảm nên cuối năm giá lợn sẽ tăng cao. Đón bắt cơ hội này, từ mấy tháng trước, tôi đã đầu tư mở rộng thêm diện tích chuồng. Hiện tại, do nhu cầu chăn nuôi của người dân lớn nên tôi chỉ chuyên bán lợn giống. Trung bình mỗi tháng, trang trại của tôi xuất bán trên 400 con lợn con, giá 1,2 triệu đồng/con, tăng so với trước đây 200 nghìn đồng/con. Nhiều khi lượng lợn giống bán ra vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Giá tăng nhưng không bền vữngCó nhiều nguyên nhân dẫn đến giá lợn tăng trong thời điểm này. Trước hết là do thời gian trước đây giá lợn xuống thấp, nhiều người chăn nuôi bỏ chuồng dẫn đến tình trạng cầu vượt cung. Cuối năm nhu cầu sử dụng thịt lợn thường tăng cao. Thời tiết đã trở nên dịu mát, các loại thức ăn giải nhiệt chỉ có vào mùa hè như cua, cáy, tôm... giảm mạnh nên người dân lại dùng thịt nhiều hơn. Ngoài những yếu tố trên thì có lẽ then chốt vẫn là việc Trung Quốc lại nhập lợn thịt của nước ta. Anh Nguyễn Văn Dân ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) cho biết: “Nguyên nhân giá lợn giảm trong thời gian qua là do thị trường Trung Quốc không có nhu cầu. Còn hiện nay giá tăng cũng là do các thương lái thu mua lợn để bán sang Trung Quốc. Họ không chỉ thu mua lợn thịt mà còn mua cả lợn xách tai để làm lợn quay, nên giá mới tăng trở lại. Còn nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước có nhưng không nhiều để có thể thúc đẩy lợn tăng giá cả chục nghìn đồng/kg được”.
Như vậy, những yếu tố giúp cho giá lợn tăng trong thời điểm này đều không bền vững. Chỉ cần có những yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, thời tiết tác động, đám xá giảm hay thương lái ngừng thu mua bán đi Trung Quốc thì giá lợn có thể sẽ quay đầu giảm trở lại. Vì thế, để khắc phục những yếu tố trên, theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì người chăn nuôi cần tính toán chặt chẽ thời điểm, quy mô tái đàn, tránh tình trạng thấy giá cao thì ồ ạt tập trung vào nuôi dẫn đến cung vượt quá cầu. Cần áp dụng các biện pháp phòng, chống, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để tránh dịch bệnh. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần đa dạng các loại gia súc, gia cầm để chúng có thể bổ trợ được cho nhau...
THANH HÀ