Từ nửa cuối tháng 12-2012 đến nay, giá bán gia súc, gia cầm tăng trở lại, người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi để bù vào những thua lỗ trước đây.
Để chăn nuôi hiệu quả, người dân cần chủ động phòng, chống dịch bệnh, cho ăn đầy đủ,
góp phần tăng sức đề kháng cho vật nuôi
Mấy hôm nay liên tục có khách vào hỏi mua gà, lợn nhưng ông Nguyễn Xuân Chuyển ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) không bán. Ông Chuyển cho biết: Gia đình tôi hiện có 40 con lợn nái, 100 con lợn thịt, 4.000 con gà lông màu và 1.000 con gà Từ hồ. Số lợn, gà này tôi chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên bây giờ chưa thể bán được. Cách đây 1 tuần, tôi bán hơn chục con lợn thịt với giá 65-66 nghìn đồng/kg lợn hơi, hơn 1.000 con gà thả vườn có giá 90 nghìn đồng/kg, gà trống Từ hồ 150 nghìn đồng/kg, gà mái 140 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, tôi bù vào chi phí cho những đợt nuôi trước đây không có lãi.
Còn nhớ vào khoảng tháng 4, tháng 5-2012, giá bán gia súc, gia cầm xuống thấp khiến nhiều gia đình phải bỏ trống chuồng trại. Giá bán không bù nổi chi phí. Ông Chuyển cho biết: Lúc thấp nhất, lợn siêu nạc chỉ bán với giá 38-40 nghìn đồng/kg, gà trắng 23-24 nghìn đồng/kg và gà thả vườn cũng chỉ từ 40-42 nghìn đồng/kg. Trong khi đó giá cám liên tục tăng, trong mấy tháng đầu năm 2012 tăng đến 3-4 lần, có những lúc chúng tôi phải mua đến 16 nghìn đồng/kg cám lợn con, trên 10 nghìn đồng/kg cám lợn nhỡ, cám gà cũng từ 10.500 - 13 nghìn đồng/kg. Đối với lợn thì phải từ 2,4 - 2,6 kg cám mới được 1 kg thịt, chi phí cho gà từ 2 - 2,5 kg cám được 1 kg thịt. Với chi phí thức ăn này, người chăn nuôi đã bị lỗ (chưa kể chi phí tiêm phòng, con giống, công chăm sóc, hao phí chuồng trại...).
Cũng phải chịu lỗ một thời gian dài, anh Nguyễn Văn Tiệp, ở thôn Chung, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) cho biết: Trang trại nuôi gà của gia đình tôi có trên 10 nghìn con. Đã có thời gian tôi phải bỏ trống chuồng vì giá bán gà quá thấp, trong khi chi phí lên cao, càng nuôi sẽ càng lỗ. Thời gian gần đây, giá bán gà trắng đã tăng lên. Cứ bắt đầu từ tháng 8 (âm lịch) trở đi, thị trường thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng do nhu cầu sử dụng thực phẩm cho các lễ cưới lớn. Nắm bắt được nhu cầu đó, tôi đã nuôi 12 nghìn con gà. Vừa qua, tôi bán được hơn 1.000 con gà giá 45-46 nghìn đồng/kg. Với giá nguyên liệu đầu vào và chi phí như hiện nay, nuôi trong 3 tháng, tôi lãi khoảng 40 nghìn đồng/con.
Bà Bùi Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Tiên Động (Tứ Kỳ) cho biết: Hiện nay, HTX có 43 xã viên với gần 40 ha nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gà, vịt, lợn. Thời gian trước, giá bán lợn, gà, cá xuống thấp khiến nhiều gia đình không còn đầu tư vào chăn nuôi hoặc chỉ nuôi cầm chừng để giữ chuồng trại khỏi xuống cấp và đỡ mất mối hàng. Còn hiện nay, giá bán đã tăng, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Cách đây 1 tháng, gà thả vườn có giá 75 nghìn đồng/kg, hiện đã tăng lên hơn 100 nghìn đồng/kg, giá cá cũng tăng thêm 2.000 đồng/kg, vịt tăng thêm 10 nghìn đồng/kg... Mặc dù giá tăng nhưng nhiều gia đình không có gia súc, gia cầm, thủy sản để bán. Nhiều gia đình đang dành hàng đến Tết Quý Tỵ.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo quy luật thị trường, khi các yếu tố tạo thành sản phẩm tăng thì giá hàng hóa phải tăng. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều yếu tố nên giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng nhưng giá bán gia súc, gia cầm không tăng. Đến thời điểm này mới tăng để người chăn nuôi bù vào những chi phí trước đó. Thêm vào đó, do tâm lý cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, các loại hàng hóa, trong đó có các sản phẩm từ nông nghiệp đều tăng.
Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 1-10-2012, tổng đàn lợn trong tỉnh có hơn 559 nghìn con, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2011; tổng đàn gia cầm đạt hơn 10,5 triệu con, tăng 5,9%; sản lượng trứng đạt gần 270 triệu quả, sản lượng thịt xuất chuồng đạt hơn 110 nghìn tấn. Do nông dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, đã lựa chọn được nhiều giống gia súc, gia cầm có thời gian nuôi ngắn, trọng lượng tăng nhanh nên thời gian quay vòng vụ nuôi nhanh. Nếu nuôi tốt, trong vòng 1 năm, nhiều gia đình có thể nuôi đến 3-4 lứa gà, lợn, cá. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật... giúp người chăn nuôi giảm khó khăn, tiếp tục tái đàn vật nuôi.
Đây là thời điểm nhu cầu về thực phẩm tương đối lớn, vì thế người chăn nuôi cần tập trung chăm sóc đàn vật nuôi, phòng, chống các loại dịch bệnh tốt để chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
PV