Nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đang thu hoạch rau vụ đông. Giá rau tăng cao nên nông dân phấn khởi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Giá cao, tiêu thụ thuận lợi
Mặc cho cái giá rét của những ngày tháng chạp, trên cánh đồng trồng rau màu của xã Gia Lương (Gia Lộc), không khí lao động vẫn nhộn nhịp. Vừa nhanh tay chăm sóc hơn 3 sào cải bắp mới trồng, bà Đặng Thị Ngừng ở thôn Lũy Dương phấn khởi chia sẻ: “Đây là lứa cải bắp thứ hai trong vụ đông này. Dự kiến sau Tết sẽ cho thu hoạch. Vụ đông này thời tiết đầu vụ khó khăn do gặp 2 đợt ngập úng lớn, tôi phải trồng lại đến lần thứ hai nhưng giá bán thì cao hơn hẳn. Đầu tháng 12, tôi vừa bán hơn 3 sào cải bắp cho thương lái với giá hơn 8 triệu đồng/sào, lãi được gần 20 triệu đồng, tương đương so với đầu vụ đông năm trước”.
Giá nhiều loại rau tăng cao khiến người trồng rau vụ đông phấn khởi
Xã Hưng Đạo là một trong những vựa rau màu lớn nhất của huyện Tứ Kỳ. Ở đây, rau màu được trồng quanh năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt từ 150-160 triệu đồng/ha/năm. Vào vụ đông, su hào, cải bắp là 2 loại cây trồng chủ lực của nông dân trong xã. Hiện nông dân trồng rau lứa 2 và 3. Theo nhiều nông dân ở xã Hưng Đạo, năm qua thời tiết bất thường nên giá rau cũng không tuân theo quy luật. Thông thường, rau vụ đông sớm thu hoạch vào tháng 11 sẽ bán với giá cao hơn rau chính vụ nhưng vụ đông này trái ngược hoàn toàn. Mỗi sào trồng rau chính vụ nông dân thu lãi từ 7 - 9 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với giá đầu vụ và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thinh, một tiểu thương chuyên thu mua rau vụ đông ở huyện Gia Lộc cho biết vụ này rau của Hải Dương tiêu thụ thuận lợi. Ở một số tỉnh, thành phố khác, các vùng trồng rau bị ảnh hưởng của các đợt sương muối, giá rét nên cây không thể phát triển dẫn đến khan hiếm rau trên thị trường. Nhưng ở Hải Dương, nông dân có kinh nghiệm chăm sóc nên rau vẫn phát triển tương đối thuận lợi. Hiện mỗi ngày, ông Thinh thu mua hàng trăm tấn cải bắp, su hào để cung cấp cho các bếp ăn tập thể trong tỉnh và các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.
Thời điểm đầu vụ đông, thời tiết ấm, cây sinh trưởng nhanh dẫn đến nguồn cung dồi dào, giá bán thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11, giá rau vụ đông bất ngờ tăng vọt. Hiện thương lái thu mua su hào từ 5.000-6.000 đồng/củ, su lơ từ 6.000 - 7.000 đồng/cái và cải bắp từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Với giá bán này, nông dân thu lãi gần chục triệu đồng với mỗi sào rau vụ đông. Giá rau bất ngờ tăng cao, tiêu thụ thuận lợi, nhất là Tết Nguyên đán đang đến gần nên nông dân ở các vùng trồng rau đều vui mừng, phấn khởi.
Bảo đảm nguồn cung cho Tết
Năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng 22.405 ha cây vụ đông, vượt gần 7% kế hoạch. Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết: “Hiện nay, nông dân tập trung chăm sóc rau lứa 2, lứa 3 với diện tích khoảng 50 ha để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Không những giá bán cao, chất lượng rau vụ đông cũng vượt trội so với những năm trước. Với tình hình thời tiết rét kéo dài như hiện nay thì giá rau sẽ tiếp tục tăng cao. Đây là niềm vui với nông dân khi Tết đang cận kề”.
Nông dân xã Gia Lương (Gia Lộc) chăm sóc cải bắp lứa 2, lứa 3 để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán
Hải Dương có thế mạnh trong sản xuất rau vụ đông, nông dân có kinh nghiệm sản xuất cùng với việc áp dụng cơ giới hóa nên năng suất, chất lượng rau bảo đảm. Hằng năm, sản lượng rau vụ đông của tỉnh khoảng 500.000 - 600.000 tấn. Khoảng 150.000 - 200.000 tấn rau, củ, quả được tiêu thụ trong tỉnh, còn lại ở các địa phương khác. Nhiều diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP được cung ứng cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong khu vực.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay tiếp tục là một năm vụ đông thắng lợi. Hiện nay, các vùng sản xuất rau vụ đông trong tỉnh vẫn được duy trì ổn định với diện tích tương đối lớn. Trong khi đó tại nhiều vùng trồng rau ở các tỉnh lân cận, nông dân không mặn mà với cây vụ đông nên nguồn cung không nhiều. Vựa rau của Hải Dương không chỉ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà cả ở các tỉnh, thành phố lân cận và phục vụ xuất khẩu. “Các vùng sản xuất rau vụ đông quy mô lớn được duy trì ổn định nên sẽ bảo đảm nguồn cung rau vào dịp Tết. Tuy nhiên, giá rau khó giảm, nguồn cung vẫn còn khan hiếm. Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt, ít mưa, trời rét đậm khiến sâu bệnh phát triển, rau chậm sinh trưởng", bà Kiểm nói.
TRẦN HIỀN