Niềm vui ở các xã sáp nhập về thành phố

25/10/2014 05:46

Sau 6 năm, mọi mặt đời sống ở 6 xã sáp nhập về TP Hải Dương đã đổi thay nhanh chóng...



Diện mạo nông thôn mới ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương) ngày càng khởi sắc

Sau 6 năm sáp nhập về TP Hải Dương, mọi mặt đời sống xã hội ở An Châu, Thượng Đạt, Ái Quốc, Nam Đồng, Tân Hưng, Thạch Khôi đã có nhiều biến chuyển. Cơ sở vật chất và đời sống tinh thần được nâng cao khiến người dân rất phấn khởi.

Diện mạo mới

Từ ngày 1-7-2008, các xã An Châu, Thượng Đạt, Ái Quốc, Nam Đồng (Nam Sách) và Tân Hưng, Thạch Khôi (Gia Lộc) sáp nhập về TP Hải Dương. Trước năm 2008, cả 6 xã đều chưa có nước sạch. Người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa. Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã An Châu nhớ lại: “Trước đây, muốn dùng nước sạch, người dân trong xã phải mua lại từ xe chở nước với giá rất cao. Một téc nước 5-7 m3 giá từ 350-400 nghìn đồng”. Do đó người dân chỉ dám dùng nước sạch để ăn uống. Mọi sinh hoạt khác phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh. Cũng như An Châu, mặc dù nằm ngay sát TP Hải Dương nhưng xã Tân Hưng cũng chịu chung tình cảnh “khát” nước sạch. Vào những năm 2007-2008, người dân phải mua nước sạch với giá 30-40 nghìn đồng/m3. Giờ thì cả xã Tân Hưng đều được dùng nước sạch. Như được giải tỏa cơn khát, đến nay, hầu hết các hộ ở 6 xã sáp nhập về thành phố đều sử dụng nước sạch với mức giá thấp hơn trước nhiều lần. Gương mặt không giấu nổi niềm vui sướng, bà Vũ Thị Sợi ở thôn Tiền (xã An Châu) kể: “Có nước sạch, người dân chúng tôi phấn khởi lắm! Bây giờ cứ mở vòi là có nước, không phải mua từng téc hay xây bể chứa nước dự trữ như trước. Giá rẻ, lại tiện lợi hơn trước rất nhiều!”.

Không chỉ có niềm vui nước sạch, sau khi sáp nhập, các xã còn được đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất. Xã Tân Hưng được đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc cùng hệ thống sân vườn và công trình phụ trợ, hội trường trên 300 chỗ ngồi, trường tiểu học, trường mầm non trung tâm được đầu tư xây dựng thêm dãy phòng học 2 tầng... Hiện nay, trên địa bàn xã, 2 khu xử lý rác thải tập trung tại thôn Thanh Liễu và thôn Cương Xá đã đi vào hoạt động. Cả 7 thôn đều có tổ thu gom rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Năm 2010, Tân Hưng được thành phố đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng. Bà Ngô Thị Sử ở thôn Thanh Liễu (xã Tân Hưng) cho biết: "Từ khi sáp nhập về thành phố, đời sống của bà con được quan tâm hơn rất nhiều. Gia đình tôi có hai cháu nhỏ đang độ tuổi đi học. Có trường lớp mới các cháu phấn khởi lắm! Đặc biệt, từ khi có điện chiếu sáng, tình trạng trộm cắp, tai nạn giảm hẳn, trẻ nhỏ có điều kiện vui chơi”.

Chuyển mình theo hướng đô thị hóa

Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng khẳng định, Tân Hưng đang từng bước chuyển mình theo hướng đô thị hóa. Trước năm 2008, Tân Hưng còn 4 ngôi nhà tranh vách đất. Đến năm 2012, được sự hỗ trợ của TP Hải Dương, nhà tranh vách đất đã không còn. Các đối tượng chính sách xã hội còn nhận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Năm 2010, toàn xã có 10,5% số hộ nghèo, hiện giảm xuống chỉ còn trên 2%. Thu nhập của người dân cũng tăng lên từng năm, đến nay đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Về văn hóa, trước năm 2008, toàn xã có 4 làng văn hóa. Đến năm 2012, tất cả 7 làng được công nhận là làng văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn xã có hai dự án khu đô thị đang quy hoạch, trong đó có dự án khu đô thị Tân Phú Hưng. Hai dự án này sẽ làm thay đổi diện mạo Tân Hưng trong tương lai.

Sau 6 năm sáp nhập về TP Hải Dương, cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế tại 6 xã đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ một xã thuần nông, Tân Hưng hướng tới xây dựng nền kinh tế đa ngành nghề, trong đó chú trọng tới việc phát triển dịch vụ, công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp. Đối với An Châu, năm 2008, toàn xã có đến 75% số dân làm nông nghiệp, thu nhập từ nông nghiệp chiếm trên 60%. Đến nay, tỷ lệ dân làm nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 50%, các ngành công nghiệp, dịch vụ bước đầu khởi sắc, đem lại 60% thu nhập. An Châu đã và đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã đã đạt được 14 tiêu chí nông thôn mới. Được sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố, An Châu phấn đấu về đích sớm ngay trong năm nay. Trong thời gian tới, khi cầu Hàn hoàn thành sẽ nối liền khoảng cách, góp phần đưa các xã An Châu, Thượng Đạt tiến nhanh hơn trên con đường đô thị hóa.

KHÁNH CHI


 Sau khi sáp nhập thêm 6 xã Thạch Khôi, Tân Hưng, An Châu, Ái Quốc, Nam Đồng, Thượng Đạt, TP Hải Dương đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các xã với tổng kinh phí đầu tư 194,6 tỷ đồng. Hiện có 3 xã, phường đạt từ 14-16 tiêu chí nông thôn mới là Thạch Khôi, Ái Quốc, An Châu; 3 xã đạt từ 11-13 tiêu chí là Tân Hưng, Nam Đồng, Thượng Đạt. Trong đó, Thạch Khôi, Ái Quốc đã chuyển lên phường, An Châu đang được tập trung đầu tư xây dựng thành xã nông thôn mới đầu tiên của thành phố.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm vui ở các xã sáp nhập về thành phố