Khoa học đã chứng minh hiến máu không hề ảnh hưởng đến sức khỏe, rất nhiều người đã hăng hái hiến máu nhắc lại nhiều lần...
Hiến máu là nghĩa cử nhân ái, sẻ chia và không hề có hại cho sức khỏe. Trong ảnh: Học sinh Trường Trung cấp
Y tế Hải Dương hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện hưởng ứng "Lễ hội xuân hồng" năm 2014
Ở nước ta hiện nay, lượng máu tiếp nhận từ những người hiến máu tình nguyện (HMTN) mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Trước thực tế đó, rất nhiều người đã hăng hái tham gia hiến máu và thường xuyên hiến máu nhắc lại (nhiều lần hiến máu) để sẻ chia với những người bệnh cần máu.
Việc tốt nên làm
Năm 2010, anh Bùi Tiến Hải (sinh năm 1982, ở xã Thượng Quận, Kinh Môn) nghe thông tin về việc HMTN do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phát động. Thấy mình đủ tiêu chuẩn, anh Hải không chần chừ đến đăng ký ngay. Chị Vũ Thị Hằng (vợ anh Hải) cũng hăng hái theo chồng tham gia. May mắn là cả hai vợ chồng anh chị đều đủ điều kiện và đã cho máu thành công. Vậy là sau lần ấy, tính đến nay, năm nào vợ chồng anh chị cũng đều đặn tham gia hiến máu nhắc lại. "Sau lần hiến máu đầu tiên, về nhà tôi thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Tìm hiểu thêm một số thông tin, tôi được biết việc hiến máu đúng thời gian quy định không hề ảnh hưởng đến sức khỏe như một số người vẫn nghĩ. Vả lại, làm việc tốt thì đâu có ngại ngần gì", anh Hải vui vẻ cho biết.
Ngoài 50 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Kim Oanh làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vẫn hăng hái tham gia HMTN. Theo chị Oanh thì lớn tuổi không hề là rào cản mà ngược lại đây là lúc con cái đã trưởng thành, công việc của bản thân đã ổn định, chị càng có cơ hội làm việc nhân ái giúp người. Vì vậy, dù đã 4 lần HMTN nhưng chị Oanh vẫn mong muốn mình có đủ điều kiện để tiếp tục tham gia hiến máu nhắc lại vào các năm tiếp theo. Chị Oanh đang là tổ trưởng công đoàn Văn phòng Sở VHTTDL. Việc làm của chị cũng chính là cách vận động tốt nhất anh chị em đồng nghiệp. Đặc biệt, các con chị cũng rất ủng hộ việc làm của mẹ, thậm chí còn nhờ mẹ đăng ký tham gia khi có đợt phát động HMTN của Hội CTĐ.
Hiến máu là một việc làm nhân ái và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên thế giới đã ghi nhận kỷ lục của một người đàn ông quốc tịch Israel với số lượng máu đã hiến là 229 đơn vị (mỗi đơn vị từ 200ml trở lên). Ở nước ta, năm 2010, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận anh Nguyễn Hữu Thuận (sinh năm 1974, ở TP Hồ Chí Minh) là người có số lần hiến máu với số đơn vị nhiều nhất (74 lần). Ở tỉnh ta cũng đã có nhiều người hiến máu từ 10 lần trở lên như các anh: Phạm Quang Dũng (xã Minh Đức, Tứ Kỳ), Đào Huy Tường (phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương), Mai Quốc Hùng (xã Thái Học, Bình Giang)... vẫn duy trì sức khỏe tốt và còn dự định tiếp tục tham gia hiến máu nhắc lại.
|
Đinh Thị Ngọc Anh, sinh viên lớp kế toán 2 (hệ cao đẳng), Trường Đại học Sao Đỏ là một bạn trẻ đầy nhiệt huyết trong phong trào HMTN. Từ tháng 4-2013 đến nay, Ngọc Anh đã 3 lần tham gia hiến máu. "Qua tìm hiểu em được biết rất nhiều người bệnh cần được truyền máu nhưng lượng máu dự trữ của các bệnh viện rất khan hiếm nên em nghĩ điều kiện sức khỏe của mình cho phép thì sẵn sàng hiến máu. Em còn vận động bạn bè đi hiến cùng nhưng một số bạn vẫn có tư tưởng ngại ngần, do dự làm em rất buồn. Đã làm rồi thì cũng nên hiến máu nhắc lại để nhân lên niềm vui cho mọi người và cho bản thân mình", Ngọc Anh chia sẻ.
Cần nhiều tấm lòng nhân ái
Ông Nguyễn Ngọc Quy, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: "Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận được gần 9.000 đơn vị máu. Những nơi có số người hiến máu nhắc lại đạt tỷ lệ cao chủ yếu ở khối các cơ quan, trường học, tiêu biểu như các đơn vị ở huyện Kinh Môn, Bình Giang, Trường Trung cấp Y tế Hải Dương, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương... Đã từng có người sau khi tham gia HMTN về bị mắc bệnh như: cảm cúm, ho, sốt... Và họ nghĩ rằng mình bị bệnh là do hiến máu. Tuy nhiên, đây chỉ sự trùng hợp ngẫu nhiên vì những nguyên nhân khách quan chứ hiến máu không làm con người mắc bệnh. Vì vậy, mọi người cần hiểu đúng để tích cực tham gia hiến máu nhắc lại vào thời gian tiếp theo. Đồng thời, tích cực động viên, khuyến khích người thân, bạn bè, đồng nghiệp hưởng ứng phong trào, bởi hiện nay số lượng máu thu nhận được vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong điều trị".
Máu là một dược phẩm đặc biệt chưa có chất thay thế, vì vậy trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân vẫn phải sử dụng nguồn máu của người hiến tặng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm nước ta cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu trong điều trị. Lượng máu cả nước tiếp nhận được từ người hiến máu trong năm 2013 mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Vào các dịp Tết Nguyên đán và thời gian nghỉ hè (thời điểm các bạn sinh viên - lực lượng hiến máu tích cực nhất về quê nghỉ hoặc phải chuẩn bị cho các kỳ thi) thì tình trạng khan hiếm máu trong điều trị càng trở nên cấp bách. Vì vậy, tất cả mọi người cần có cái nhìn tích cực về việc HMTN. Việc hiến máu theo đúng hướng dẫn của bác sĩ đã được chứng minh là không hề có hại cho sức khỏe. Tất cả mọi người không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác, tuổi đời từ 18 đến 60, cân nặng 42kg (đối với nữ), 45kg (đối với nam) đều có thể tham gia hiến máu với số lượng mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng, thời gian giữa 2 lần hiến máu là 3 tháng. Khoa học đã chỉ ra rằng, máu có nhiều thành phần mà mỗi thành phần lại chỉ có đời sống trong thời gian nhất định và luôn được đổi mới hằng ngày. Việc hiến máu có thể làm thay đổi một chút các chỉ số trong thành phần của máu nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường và không ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, tủy xương sẽ sản sinh ra lượng máu mới ngang bằng lượng máu đã mất đi. Ngoài ra, khi hiến máu còn giúp thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng tế bào máu mới khỏe mạnh, bảo đảm chức năng hoạt động tốt hơn... Những người tham gia hiến máu còn được hưởng rất nhiều quyền lợi thiết thực như: khám và tư vấn sức khỏe miễn phí; kiểm tra và thông báo các kết quả xét nghiệm máu (bảo đảm giữ bí mật cá nhân) về nhóm máu, HIV, vi-rút viêm gan B, C, giang mai, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác; được cấp giấy chứng nhận HMTN có giá trị bồi hoàn số lượng máu tương đương trong trường hợp phải sử dụng máu khi điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế công lập trong toàn quốc...
THANH NGA