Sau ngày 30.4.1975, những gia đình có người thân tham gia chiến đấu thấp thỏm từng ngày. Họ chờ tin của người thân với cảm giác hồi hộp, chờ mong, thậm chí lo lắng...
Ông Khoái (phải) xem lại bức ảnh chân dung ông gửi về gia đình để chứng minh mình còn sống
Thấp thỏm chờ mong
Năm 1967, vừa tròn 17 tuổi, đang học lớp 7 trường cấp 2 xã Cộng Hòa (Chí Linh), chàng thanh niên Bùi Văn Khoái làm đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Ông Khoái là con trai duy nhất trong gia đình có 3 người con. Khi ông nhập ngũ, người mẹ đã 60 tuổi, bố ngoài 70 tuổi. 11 năm ông Khoái ở chiến trường là từng ấy năm gia đình không nhận được tin tức gì. Giai đoạn ấy thông tin liên lạc khó khăn, có thể nay còn sống, mai đã không còn nên ông Khoái không muốn thông tin để gia đình thêm lo lắng.
Khi Sài Gòn được giải phóng thì đơn vị của ông đang ở căn cứ Chu Lai. Lúc ấy, gia đình ông Khoái ở nhà vừa mừng vui, lại vừa nóng lòng vì chưa nhận được tin ông. Bà Bùi Thị Lít năm nay 82 tuổi, chị gái của ông Khoái nhớ lại: “Sau ngày chiến thắng, xã nhận được một giấy báo tử có tên cậu út, nhưng địa chỉ lại ở xã Hoàng Tiến nên cả gia đình tôi không nhận, cho rằng giấy báo tử này sai địa chỉ nên vẫn còn hy vọng. Dù vậy, tất cả mọi người đều lo lắng, sợ em không về được thì bố mẹ tôi không chịu nổi”.
Gia đình ông Hoàng Đình Nhật ở khu dân cư số 2, thị trấn Gia Lộc cũng chung tâm trạng ấy. Năm 1971, ông Nhật lên đường nhập ngũ trong thời điểm ta và địch đang giằng co ác liệt. Từ khi nhập ngũ đến khi phục viên năm1976, gia đình cũng không nhận được một dòng tin tức nào của ông. Với nhiệm vụ lái xe, ông Nhật đã vượt hàng nghìn cây số, bảo đảm những chuyến công tác an toàn cho các lãnh đạo Cục Quân y trong giai đoạn 1971-1974. Năm 1974, khi ông Nhật lái xe qua tuyến đường 559 chở các bác sĩ đến cứu chữa cho thương binh, xe đã bị đạn pháo bắn vào, ông bị thương. Vì không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ quân đội, gia đình khó khăn, bố mẹ già yếu nên ông Nhật được đưa về Đoàn an dưỡng 155 tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). Mặc dù ông Nhật đã về ở ngay trong tỉnh nhưng do không có tin tức nên bố mẹ và các anh chị em của ông ở quê vẫn lo lắng, mong chờ. Bà Hoàng Thị Tiến, chị gái ông Nhật cho biết: “Anh trai tôi là liệt sĩ hy sinh năm 1972. Rất nhiều người nhập ngũ cùng đợt với em trai tôi cũng không về, vì thế cả gia đình đều thấp thỏm không yên”.
Nước mắt mừng vui
Sau ngày 30.4.1975 không lâu, gia đình ông Nhật đã được đoàn tụ. Ông Nhật trở về nhà khoảng 8-9 giờ tối ngày 28 Tết Bính Thìn 1976. "Thấy tôi về, cả hai bố mẹ chạy ra ôm chầm lấy tôi, mừng mừng tủi tủi. Tết năm đó là dịp gia đình tôi quây quần đầm ấm nhất vì tôi còn sống trở về", ông Nhật bồi hồi nhớ lại.
Cựu chiến binh, đại tá Trần Đình Giai ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Cuối năm 1974, ông Giai cưới vợ là bà Nguyễn Thị Sảnh ở thôn Như Lâm, xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ). Chiến đấu trong Sư đoàn Quân Tiên Phong, ông Giai thường xuyên phải hành quân bí mật theo quân lệnh, không thể viết thư về cho gia đình. Phải đến cuối tháng 8.1975, ông mới được nghỉ phép về thăm vợ con ở thị xã Hải Dương. Ngày ấy con trai ông mới được vài ngày tuổi. “Lấy nhau được vài hôm, ông ấy lại vào đơn vị, chẳng có tin tức gì gửi về nên tôi rất lo. Sinh con xong chỉ thương con vì nếu ông ấy xảy ra chuyện gì thì con không được gặp bố. Hôm ông ấy đột ngột về, tôi đứng lặng người, mừng mừng tủi tủi, hai vợ chồng cứ thế nước mắt ngắn, nước mắt dài ôm nhau khóc giữa nhà”, bà Sảnh kể lại.
Tháng 5.1975, một đồng đội của ông Khoái ra Bắc báo tin cho gia đình là ông còn sống nhưng gia đình vẫn không tin. Bà Lít đã nhờ người đồng đội gửi thư vào cho ông Khoái, với nội dung: “Nếu em còn sống thì chụp ảnh gửi ra cho gia đình, cả nhà chờ tin em”. Đến tháng 6.1975, gia đình ông Khoái nhận được bức ảnh của ông, lúc đó cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm.
Tháng 1.1976, được nghỉ phép về thăm gia đình, ông Khoái vội vàng chuẩn bị đồ đạc, ba lô, quần áo, mua búp bê, khung xe đạp để về quê làm quà. “Đến bây giờ tôi vẫn không quên được khoảnh khắc xúc động đó. Tôi đi hơn 10 năm, về đến nhà bố tôi đã hơn 80 tuổi, râu tóc ông dài đến ngực, trắng như cước. Thấy tôi ở cửa, bố tôi đứng lặng. Tôi bước vào nhà, ôm chầm lấy bố, hai bố con ôm nhau khóc", ông Khoái nhớ lại. Hôm đó, nhà ông Khoái sáng đèn suốt đêm tiếp khách. Cả làng kéo đến nhà ông chia vui vì con trai duy nhất của gia đình trở về được sau ngày đất nước thống nhất.
VIỆT QUỲNH