Niềm vui mùa lúa

11/06/2023 09:36

Bài thơ “Người ơi mùa lúa” của Nguyễn Trọng Tạo đã gây ấn tượng bởi vẻ đẹp của ngôn từ và cảm xúc đọng lại.

Người ơi mùa lúa

Người ơi, lúa đã trở hương
Trưa mơ mơ nắng, chiều hươm hươm đồng
Con chim sẻ mắc cầu vồng
Lăn tăn biển lúa, gió nồng, người ơi!

Bão giông, nắng hạn qua rồi
Vào đêm chín rực một trời đầy sao
Bác thần nông khẽ gật đầu
Bỗng thương vạt áo sẫm nâu của người…

Người đi trong lúa như bơi
Chiếc thuyền vỏ trấu qua rồi, kiếp xưa!
Cầm tay, trôi giữa hương mùa
Xôn xao hạt lúa vỗ bờ, xôn xao…

Người ơi, nào phải chiêm bao
Mồ hôi thánh thót ngàn sao cho đồng
Tưới theo bao mặt trời hồng
Thấm qua gốc rễ hoá bông lúa vàng.

Người lo rèn hái sửa quang
Người đẵn gỗ ràng người đóng thêm xe
Ở đây người nhé, đừng về
Lúa thơm quấn quýt bộn bề bước chân!

Ngày vui chở lúa về sân
Tối nâng cơm trắng bâng khuâng hương đồng…

Nghệ An, Hà Nội, 1974

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019) không chỉ được công chúng biết đến với tư cách một nhạc sĩ mà ông còn là nhà văn, họa sĩ và đặc biệt là nhà thơ tài hoa quê Nghệ An. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, học Trường viết văn Nguyễn Du khoá 1, làm thơ từ năm 14 tuổi và đoạt nhiều giải thưởng thơ của các Báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân; hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi. Thơ ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới: Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha... Trong số hàng trăm bài thơ để lại cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam, bài thơ “Người ơi mùa lúa” của Nguyễn Trọng Tạo đã gây ấn tượng bởi vẻ đẹp của ngôn từ và cảm xúc đọng lại.

Thơ Nguyễn Trọng Tạo có nét riêng ở cách thể hiện cảm xúc, ở khả năng phát hiện thông minh và những tứ thơ lạ. Bài thơ “Người ơi mùa lúa” mở đầu bằng những cảm nhận tinh tế của thi sĩ. Dường như nhà thơ cảm nhận mùa lúa chín bằng nhiều giác quan từ thị giác, khứu giác: "Người ơi, lúa đã trở hương/Trưa mơ mơ nắng, chiều hươm hươm đồng/ Con chim sẻ mắc cầu vồng/ Lăn tăn biển lúa, gió nồng, người ơi!". Cái hay của những vần thơ này là biệt tài sử dụng từ láy: hươm hươm, mơ mơ, lăn tăn… gợi ra trước mắt người đọc cả một cánh đồng lúa trở màu vàng rực, chuẩn bị cho một mùa gặt bội thu. Câu thơ tràn ngập màu vàng của lúa chín, của nắng và màu của cầu vồng rực rỡ: “Con chim sẻ mắc cầu vồng” là một hình ảnh thật độc đáo.

Để có mùa lúa chín rực, người nông dân đã phải một nắng hai sương, trải qua bao nỗi nhọc nhằn vất vả, vượt lên bão giông, nắng hạn: "Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm" (Ca dao). Vì thế, trong niềm vui thu hoạch, nhà thơ cảm nhận bao công sức của người cấy lúa. Tình cảm ấy thốt lên thành lời: “Bỗng thương vạt áo sẫm nâu của người…”.       

Hình ảnh so sánh trong câu thơ: “Người đi trong lúa như bơi” khiến người đọc hình dung niềm hạnh phúc của người nông dân sau những tháng ngày “trông cây” để nay được “hái quả”, để được “Cầm tay, trôi giữa hương mùa”. Còn vui nào hơn khi công sức của mình được đền đáp xứng đáng: “Xôn xao hạt lúa vỗ bờ, xôn xao”. Đi giữa đồng lúa ngát hương, trĩu bông mà ngỡ như một giấc mơ, nhưng nhà thơ vẫn trở về với thực tại và khẳng định: "Người ơi, nào phải chiêm bao/ Mồ hôi thánh thót ngàn sao cho đồng/Tưới theo bao mặt trời hồng/ Thấm qua gốc rễ hoá bông lúa vàng". “Mồ hôi thánh thót” là hình ảnh được gợi tứ từ câu ca dao quen thuộc: “Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Lời thơ chan chứa tình cảm biết ơn dành cho người lao động. Giá trị của những giọt mồ hôi thầm lặng đã được nhà thơ diễn tả bằng câu thơ rất gợi cảm: “Thấm qua gốc rễ hóa bông lúa vàng”.

"Người lo rèn hái sửa quang/ Người đẵn gỗ ràng người đóng thêm xe/ Ở đây người nhé, đừng về/ Lúa thơm quấn quýt bộn bề bước chân!"- thành quả lao động của người nông dân đã được đền đáp xứng đáng qua những vần thơ trên đã diễn tả niềm hạnh phúc của người thu hoạch. Một vụ lúa bội thu đang chờ người “rèn hái”, “đẵn gỗ ràng”, “đóng thêm xe”... Lời mời mọc như níu bước chân “đừng về” vì “lúa thơm quấn quýt” bước chân.

Bài thơ khép lại bằng hình ảnh “chở lúa về sân” trong niềm vui ngày mùa. Câu thơ cuối “tối nâng cơm trắng bâng khuâng hương đồng…” gợi nhắc đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.

Nét riêng của thơ Nguyễn Trọng Tạo trước hết là ở tài năng sử dụng thể thơ lục bát nhuần nhị, uyển chuyển, ở sự đan xen và hòa quyện giữa thế sự với tâm tình riêng. Trong vẻ “thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng”, bài thơ nói được những điều lớn lao và sâu xa về lao động.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm vui mùa lúa