Niềm vui khôn tả

27/01/2023 10:00

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. 50 năm trôi qua, ký ức khi nghe tin ký kết Hiệp định Paris vẫn khắc ghi trong tâm trí nhiều cựu binh năm xưa.


Bà Đoàn Thị Phiếm nhớ lại những ngày ở chiến trường Quảng Trị và nghe tin về Hiệp định Paris

Ông Đỗ Trọng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh hiện ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) có gần 10 năm trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng... Cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, ông là Trợ lý chính trị Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 234, Sư đoàn 10 (Kon Tum). Ông Lợi cho biết thời điểm đó tại các chiến trường miền Nam, chiến tranh diễn ra rất cam go, phức tạp. “Hôm ấy là 28.1.1973 tức 25 tháng chạp, anh em trong đơn vị vừa chuẩn bị ăn trưa thì nghe tin Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết hôm 27.1. Tất cả đều buông bát đũa, ôm chầm lấy nhau hò reo Mỹ thua rồi, chúng ta sắp được về nhà rồi... Cứ thế, chúng tôi sung sướng hô vang”, ông Lợi kể. Sau tin Hiệp định Paris được ký kết, đơn vị tổ chức cho anh em làm báo tường để chào mừng sự kiện và vui đón Tết Nguyên đán. Sau Hiệp định này, đơn vị củng cố lại lực lượng. Trung đoàn của ông làm nhiệm vụ cắm cờ giữ đất, sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 5.1971, bà Đoàn Thị Phiếm ở khu 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) nhập ngũ vào Sư đoàn 473, Đoàn 559 đóng quân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tháng 1.1973, bà là y tá đội điều trị của sư đoàn. Mỗi ngày, đội điều trị của bà tiếp nhận, chữa trị cho hàng chục thương binh. Trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn nhưng toàn bộ y, bác sĩ đều chung một quyết tâm lớn vì thống nhất đất nước. Bà Phiếm kể: Khi nghe tin Hiệp định Paris được ký kết tôi đang trong ca trực, vừa cõng thương binh vào khu vực điều trị thì một bác sĩ trong đội thông báo: Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký rồi anh em ơi. Tất cả chúng tôi ngất ngây vui sướng. Có chiến sĩ bị thương rất nặng nhưng khi nghe tin cũng hô to: Hết chiến tranh rồi, Mỹ không ném bom nữa rồi. Nhiều anh em khác thì nhảy lên sung sướng: Ngày mai hòa bình, ăn cháo cũng ngon. Trong niềm hân hoan mừng chiến thắng của Hiệp định, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn quyết định làm báo Tết. Người vẽ, người viết, người trình bày. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thể hiện năng khiếu làm thơ, viết bài nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Hiệp định Paris và rất nhiều câu chuyện vui ở chiến trường. 

Vào tháng 1.1973, ông Nguyễn Xuân Chiện ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đang bị giam tại Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang). Ông Chiện cho biết năm 1966, ông nhập ngũ và được cử đi học quân y tại Trường Quân y Quân khu tả ngạn (Bắc Ninh). Sau đó, ông được điều động vào miền Nam, bổ sung lực lượng vào Đội N15 (biệt động Sài Gòn - Gia Định). Cuối năm 1969, ông bị bắt và đày ra Nhà tù Phú Quốc. Sau Hiệp định Paris, đến khi được thả tự do vào tháng 3.1973, ông bị giam gần 4 năm.

Trong suốt thời gian đó, ông Chiện chứng kiến hầu hết các đòn tra tấn dã man, tàn bạo nhất của kẻ địch đối với các chiến sĩ cách mạng. Tuy nhiên, trong tù, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đều rất đoàn kết, kiên trung với Đảng. Họ tập hợp lại để xây dựng tổ chức, sinh hoạt Đảng, học chính trị, đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù… Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản. “Ở trong tù nhưng tin tức mặt trận vẫn luôn dội vào. Sau khoảng 1 tuần Hiệp định Paris được ký thì chúng tôi được các đồng chí trong Chi bộ Nhà tù Phú Quốc bí mật thông báo. Một trong những thông tin quý giá nhất với chúng tôi lúc đó là Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam chậm nhất ngày 29.3.1973 và trao trả tù binh. Với điều khoản này thì những tù binh sẽ được trao trả nên chúng tôi vui lắm. Ai nấy đều vô cùng phấn khởi và cùng nhau quán triệt nếu thời cơ đến sẽ phá nhà tù trở về với cách mạng”, ông Chiện nói.

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Niềm vui khôn tả