Niềm day dứt tháng năm

04/06/2016 09:48


Như đã hẹn, mỗi lần cây phượng xù xì bỗng trở nên mềm mại, rực rỡ và quyến rũ, trổ bông thắm đỏ

Có một chiều tháng năm

"Thầy còn nhớ con không...?"
Tôi giật mình nhận ra
người đàn ông áo quần nhếch nhác
Người đàn ông gầy gò
ngồi sau tủ thuốc ven đường.

"Thầy còn nhớ con không...?"
Câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng.
Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè
Rụng xuống trên vai người thầy học cũ.

"Không... xin lỗi... ông lầm... tôi chưa từng dạy học
Xin thối lại ông tiền thuốc... cám ơn..."

Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ mười năm không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
Giấu mình trong hoa phượng rụng buồn tênh.

Còn biết nói gì hơn
Đứa học trò tâm sự
Người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm
Chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng
Biết yêu anh em - đất nước - xóm giềng
Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão
Bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên.

Và hôm nay...
Bên hè phố im lìm
Vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt
Câu phủ nhận phải vì manh áo rách
Trước đứa học trò quần áo bảnh bao?

Tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào
Những đứa trẻ tan trường đuổi nhau trên phố
Mười năm nữa đứa nào trong số đó
Sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?

ĐỖ TRUNG QUÂN

như đàn bướm lượn giữa bầu trời tháng năm cao xanh cũng là lúc học trò khắp nẻo chia xa mái trường, thầy cô, bè bạn. Âm vang sau hồi trống tan trường trong lễ bế giảng có bao thanh âm của lễ tri ân thầy cô. Để rồi đàn chim lại tung cánh bay đi khắp nẻo. Có bóng dáng người thầy lặng lẽ đi về trên con đường tả tơi xác phượng. Bâng khuâng, mùa hè, xa trường biết ai còn nhớ? Và cứ độ này, bài thơ: "Có một chiều tháng năm" của nhà thơ Đỗ Trung Quân lại xoáy vào lòng tôi những dư âm đầy ám ảnh.

"Có một chiều tháng năm" là một câu chuyện bằng thơ về cuộc gặp gỡ của người học trò năm xưa, 10 năm tình cờ gặp lại thầy giáo cũ. Nhưng cuộc gặp gỡ này diễn ra trong một hoàn cảnh thật éo le: "Thầy còn nhớ con không...?"/Tôi giật mình nhận ra/người đàn ông áo quần nhếch nhác/Người đàn ông gầy gò/ngồi sau tủ thuốc ven đường".

Người học trò năm xưa đã giật mình khi nhận ra người thầy cũ của mình trên con đường tháng năm rớt đầy hoa phượng. 10 năm, mọi thứ đã đổi thay quá nhiều. Người học trò lặp lại hai lần câu hỏi: "Thầy còn nhớ con không...?", vì biết mình không thể quên, không thể nhầm thầy giáo của mình với ai khác, dù ngoại hình thầy đã đổi thay. Bởi học trò không chỉ nghe thầy giảng bài mà còn chiêm ngưỡng thầy sau những lời giảng. Vì vậy không thể nhầm: "Thầy còn nhớ con không...?"/Câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng/Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè/Rụng xuống trên vai người thầy học cũ/Nhưng người thầy đã phủ nhận: "Không... xin lỗi... ông lầm... tôi chưa từng dạy học/Xin thối lại ông tiền thuốc... cám ơn..."

Tại sao người thầy ấy lại chối từ kỷ niệm, chối từ nghề nghiệp cao quý của mình. Ở đây ta không thấy nêu lý do tại sao, và có lẽ người học trò ấy cũng không lý giải nổi. Người học trò chỉ đoán già đoán non: "Câu phủ nhận phải vì manh áo rách/Trước đứa học trò quần áo bảnh bao? "

Phải chăng vì manh áo rách nhếch nhác kia, người thầy không muốn mình thành kẻ "thấy người sang bắt quàng làm họ". Có thể đây cũng không chỉ là lý do đơn thuần vì lòng tự trọng ấy của người thầy mà còn là vì người thầy muốn khước từ sự thương hại của người đời. Rõ ràng đây là một người có lòng tự trọng và hiểu sâu sắc lẽ đời. Thầy đã phủ nhận quá khứ của mình, không muốn hình ảnh người thầy lại "nhếch nhác, mệt mỏi" trong mắt học trò đến vậy. Nhưng với bao thế hệ học trò thì luôn khắc ghi công lao trời biển của thầy cô, luôn tâm niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi những bài giảng của thầy đã bồi đắp cho bao tâm hồn nhân ái, biết đứng vững và vượt qua những chông gai, thử thách, sóng gió của cuộc đời: "Người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm/Chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng/Biết yêu anh em - đất nước - xóm giềng/Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão/Bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên".

Hè phố im lìm, để cho người học trò năm nào ngẩn ngơ với bao dấu hỏi và sự trăn trở khôn nguôi. Phải chăng vì người thầy ấy muốn giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ trong mắt học trò của mình. Điều này càng làm cho người đọc thêm trân trọng và day dứt. Thực trạng trong xã hội chúng ta vẫn còn những người thầy có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn vượt lên để giữ trọn nhân cách làm thầy, không để những lo toan thường nhật len vào bài giảng. Dù đâu đó vẫn còn những người thầy chưa mẫu mực nhưng chúng ta vẫn tin rằng đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Người học trò tôn sư, nghĩa tình ấy đã khắc khoải, băn khoăn và cũng muốn nhắn gửi đến người đọc: "Tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào/Những đứa trẻ tan trường đuổi nhau trên phố/Mười năm nữa đứa nào trong số đó/Sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?"

Bằng cảm xúc chân thành, tác giả đã khơi dậy trong lòng người đọc một nỗi buồn trong trẻo, một tình yêu thương nhân ái, một cách cư xử đầy văn hóa. Bài thơ gợi lên sự cảm thông, chia sẻ, đánh thức những tình cảm sâu kín của tình thầy trò trong mỗi chúng ta. Giống như một áng văn tự sự trữ tình, với ngôn từ giản dị, không sử dụng nhiều biện pháp tu từ, bài thơ đã để lại những dư âm khó phai trong lòng người đọc.

VŨ LỆ NGÂN HƯƠNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm day dứt tháng năm