Nhược thị là tình trạng mắt kém một hoặc hai bên, có thể giảm thị lực vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong giai đoạn vàng ở độ tuổi từ 4 đến 12.
"Trẻ bị nhược thị dưới 12 tuổi việc điều trị có khả năng hồi phục cao, trẻ trên 12 tuổi cơ hội không còn nhiều", bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, Bệnh viện FV, nói ngày 3/12, nhân dịp nơi này ra mắt dịch vụ điều trị nhược thị cho trẻ.
Theo bác sĩ Mai, nhược thị là tình trạng giảm thị lực, do một trong những nguyên nhân như lé, bất đồng khúc xạ - khi chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt từ một độ trở lên đối với viễn thị và loạn thị, 3 độ trở lên đối với cận thị.
Những bệnh lý xảy ra ở một hoặc hai mắt gây ra do sự che khuất môi trường trong suốt của mắt như đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo đục giác mạc, sụp mi nặng, xuất huyết tiền phòng, đục dịch kính nặng... cũng có thể dẫn đến nhược thị.
Bệnh xuất hiện trong giai đoạn nhạy cảm của quá trình phát triển thị giác. Nhiều nghiên cứu cho thấy giai đoạn nhạy cảm kéo dài từ sau sinh đến 5 tuổi. Bất kỳ nguyên nhân nào xảy ra trong giai đoạn này đều có thể gây nhược thị và thời điểm xuất hiện càng sớm khả năng bị nhược thị càng cao và càng trầm trọng.
Theo một thống kê của trường Đại học Y Hà Nội, khoảng ba triệu trẻ em Việt bị nhược thị hay còn gọi là mắt lười, chứng bệnh về mắt thường bị bỏ quên.
"Bệnh nhược thị ở trẻ thường khó nhận biết bởi trẻ ít khi phàn nàn về thị lực của mình, nhất là các bé bị nhược thị một bên mắt lại càng khó được phát hiện", bác sĩ Mai phân tích. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, song hầu như bị bỏ quên và thiếu cơ sở y tế triển khai dịch vụ điều trị chuyên sâu. Điều này bở lỡ cơ hội phục hồi thị lực cho các bé mắc nhược thị được điều trị trong giai đoạn vàng.
Cụ thể, quá trình hình thành và phát triển thị giác của trẻ diễn ra từ lúc sơ sinh cho tới khoảng 12 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhược thị do lé có thể hồi phục nếu can thiệp điều trị trước 9 tuổi. Nhược thị do bất đồng khúc xạ có thể hồi phục tốt nếu can thiệp điều trị trước 12 tuổi. Trẻ bị nhược thị không được điều trị thì khi trưởng thành có thị lực rất kém.
Hiện nay, việc điều trị nhược thị có nhiều bước, trong đó nổi bật là biện pháp kích thích thị giác, bao gồm các bài tập chuyên biệt với phần mềm tập nhược thị và các bài tập mắt đi kèm, giúp nhiều trẻ nhược thị có được đôi mắt sáng bình thường. Nhiều bệnh nhi thị lực chỉ ở mức dưới 2/10, sau ba tháng kiên trì tập nhược thị thì thị lực của các bé có thể cải thiện lên đến 7-10/10.
Như bé Trâm Anh, 7 tuổi, ngụ quận 7, phát hiện nhược thị sau một lần tình cờ đi khám mắt. Sau 5 buổi điều trị, thị lực của bé đã tăng từ 5/10 lên đến 9/10.
Chuyên viên khúc xạ nhãn khoa Nguyễn Trương Vĩnh Bình cho biết các bài tập dành cho nhược thị sẽ được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân dựa trên tình trạng cụ thể của bé, mục đích tăng cường sự liên kết giữa mắt và não, cải thiện khả năng nhận biết và xử lý hình ảnh của não bộ.
Phần mềm tập nhược thị là một ứng dụng được thiết kế để kích thích thị giác. Khi tập, trẻ sẽ được đeo một loại kính đặc biệt có thể phân cực, giúp kích thích thị lực của trẻ. Các bài tập dành cho nhược thị có nhiều ưu điểm như không cần phẫu thuật, không gây đau, có thể luyện tập tại nhà.
Gói tập nhược thị thường có 10 buổi, mỗi buổi từ 45-60 phút trong đó trẻ được tập mỗi tuần một buổi tập một kèm một tại bệnh viện với chuyên viên khúc xạ nhãn khoa, các buổi còn lại sẽ tập ở nhà. Với các buổi tập ở nhà, cha mẹ sẽ là người giám sát trẻ tập, ghi hình buổi tập gửi cho chuyên viên khúc xạ theo dõi. Thị lực của trẻ sẽ được bác sĩ nhãn khoa đánh giá theo từng tuần.
Bác sĩ Mai khuyến cáo phụ huynh nên đưa con từ 3 tuổi trở lên đi kiểm tra thị lực định kỳ, đặc biệt khi trẻ có những dấu hiệu như nheo mắt khi nhìn, nghiêng đầu, nhăn mặt, hay đưa mắt gần vật thể khi nhìn.
Theo VnExpress