Tôi không kiềm chế được mà bất giác reo lên như một đứa trẻ khi nhìn thấy chiếc xe đạp mới màu trắng bạc dựng dưới gốc ngọc lan.
- Đẹp quá!
Tôi không kiềm chế được mà bất giác reo lên như một đứa trẻ khi nhìn thấy chiếc xe đạp mới màu trắng bạc dựng dưới gốc ngọc lan. Lộng lẫy hệt như con bạch mã vậy. Từng đường vân óng ả lượn trên thân xe mềm mại, nước sơn ánh lên lấp lánh như dát bạc dưới nắng trời. Thì ra đây là lý do hộp dụng cụ sửa xe cũ mèm, bụi bặm tưởng như bị quên lãng từ lâu nay lại được lấy xuống từ gác bếp và bố tôi đã bỏ qua thói quen ngủ trưa mỗi ngày để cặm cụi ngoài sân. Bố nắm lấy cái ghi-đông dắt thử vài vòng rồi gạt chân chống xuống khi thấy chiếc xe đã hoàn thiện, chỉn chu. Những vết xe đổ đứt quãng, ngoằn ngoèo trên mặt sân gợi tôi nhớ về ký ức của những ngày xưa bên thềm nhà cũ với những vòng xe quay tròn.
Vòng xe đầu tiên chậm rãi lăn qua. Buổi sáng tinh sương trên đường làng đỏ đất, bố thong thả đèo tôi trên chiếc xe đạp. Từng vòng xe chầm chậm lướt qua, đưa tôi qua khắp những cung đường, ngõ xóm. Cánh đồng Ghềnh Lim năm ấy xanh tươi mỡ màng. Hàng phi lao trên triền đê quanh co, cao vút. Bố chỉ cho tôi con bói cá có màu xanh lam đậu trên cây cọc tre giữa ao làng xung quanh đầy lục bình và bèo tấm. Bụi tre ngà thân vàng óng ả uốn cong như những chiếc cần câu trước ngõ nhà ông nội. Tôi ngồi sau yên xe, đung đưa đôi bàn chân bụ bẫm, thích thú ngắm nhìn đám mây trời dong buồm về tứ phía, xa xăm. Tôi đã ngắm say sưa con bướm vàng đậu trên nhánh dong riềng cam đỏ, lắng nghe cả tiếng nước mưa rớt vào chum nước nhà ai thánh thót và ngửi được cả hương hoa nhài bên hiên nhà, những bông hoa trắng tròn như bạch ngọc. Cả làng quê như bừng thức dậy, âm thầm mà vươn tỏa nhựa sống, như cái cựa mình của mầm non vào một buổi sớm trong lành. Những buổi sáng rong chơi yên bình như thế, cảnh vật làng quê in sâu vào tâm trí tôi không cần tô vẽ, tựa hồ như nét chạm trổ của người thợ lành nghề, bồi đắp cho tôi một tình yêu tha thiết với nơi chôn nhau cắt rốn, nhắc nhở tôi về cội nguồn và bài học tình làng nghĩa xóm từ người bố kính yêu.
Có những chiều hoàng hôn, tiếng cười trẻ thơ khanh khách vang lên giòn giã. Con bé mũm mĩm là tôi với hai bím tóc lắc lư nhoài lên giỏ xe, với bó hoa xuyến chi vừa hái bên đường, nhấn bàn đạp lao đi như cánh chim non lần đầu lượn trên vòm trời cao rộng. Bố tôi tuy trán đã ướt mồ hôi và lưng áo cũng sẫm màu nhưng bàn tay vẫn vững chãi vươn ra giữ lấy yên xe để cho tôi tập đạp. Hoàng hôn buông xuống, phủ lên bóng hai cha con khuất dần phía cuối làng, họa lên bức tranh tuyệt đẹp mang tên “Cha và con gái”. Người đàn ông giữ yên xe cho con tập tành từ hôm ấy giờ lại đang tỉ mỉ nắn lại chiếc giỏ xe cho con gái đến trường. Chiếc giỏ xe không chỉ chứa sách vở, cỏ hoa tôi ngắt ven đường mà còn chở nặng tấm lòng cha.
Giữa khoảng sân nhà. Một tấm lưng trần nghiêng bóng, cái cờ-lê trong tay bố bận bịu, cây cọ quét sơn uốn lượn trên thân xe ngang dọc. Bàn tay lấm lem đầy dầu mỡ của bố. Bố lau ngay vào bộ quần áo công nhân đã cũ, phóng vội đi đến công xưởng cho kịp giờ làm. Bóng bố khuất sau ngã tư đường, dáng người cùng chiếc xe cà tàng đã đi theo tôi suốt cả chặng đường. Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ. Chiếc xe đạp kỷ niệm theo ngôn ngữ của cậu em tinh nghịch thì bây giờ cũng đã thành “đồ cổ" nhưng tình yêu thương ẩn sâu trong nó vẫn còn nguyên vẹn. Giống như chiếc gương thần không bao giờ rơi vỡ của ký ức tuổi thơ. Như những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ, những vòng xe đã lăn qua không bao giờ lùi ngược trở về nhưng chiếc xe vẫn còn đó, như minh chứng cho tình yêu thầm lặng dành cho con của người đàn ông vất vả nửa cuộc đời.
ĐÀO THỊ NGỌC CHÂM
(Lớp 11 C, Trường THPT Cầu Xe, Tứ Kỳ)