Sau khi nhận giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục sau để tránh sai phạm:
1. Nộp hồ sơ kê khai thuế ban đầu
Đây là bước rất quan trọng, chi tiết hồ sơ bao gồm tờ khai đăng ký hình thức kế toán và loại hoá đơn sử dụng, quyết định bổ nhiệm lãnh đạo, kế toán, phương pháp trích khấu hao tài sản cố định, tờ khai lệ phí môn bài, phiếu đăng ký trao đổi thông tin qua phương thức điện tử.
2. Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng
Trong vòng 10 ngày sau khi đăng ký tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải gửi thông báo lên Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Một tài khoản ngân hàng chỉ được dùng cho một doanh nghiệp nhưng một doanh nghiệp có thể dùng nhiều tài khoản tuỳ vào nhu cầu sử dụng.
3. Mua chữ ký số
Đây là công cụ điện tử quan trọng của doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục, hồ sơ qua mạng như ký hợp đồng online, giao dịch ngân hàng, bảo hiểm xã hội mà không phải mất thời gian đi lại, in ấn, đóng dấu.
Tương tự tài khoản ngân hàng, một doanh nghiệp có thể dùng nhiều chữ ký số nhưng một chữ ký số chỉ dùng cho một doanh nghiệp.
4. Treo bảng hiệu công ty
Theo Luật Doanh nghiệp, tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Nếu không treo bảng hiệu công ty có thể bị phạt từ 10-15 triệu đồng, thậm chí có thể bị khoá mã số thuế.
5. Làm thủ tục phát hành hoá đơn
Hoá đơn giá trị gia tăng và hoá đơn bán hàng trực tiếp có thể sử dụng hình thức hoá đơn điện tử và hoá đơn giấy. Dù doanh nghiệp sử dụng hình thức nào vẫn phải thực hiện thủ tục phát hành hoá đơn và gửi lên cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
Đối với hoá đơn giấy: Sau khi làm thủ tục đặt in hoá đơn giá trị gia tăng, được sự đồng ý từ cơ quan thuế, doanh nghiệp mới tiến hành liên hệ đơn vị in hoá đơn và phát hành.
Đối với hoá đơn điện tử: Sau khi hồ sơ đăng ký hoá đơn điện tử được duyệt, hoá đơn xuất ra mới có giá trị sử dụng.
6. Hoàn thiện các điều kiện về cấp phép, chứng chỉ, vốn
Đối với các thông tin còn thiếu trong quá trình thành lập công ty như giấy phép, chứng chỉ hành nghề, doanh nghiệp phải nhanh chóng hoàn thiện để tránh bị xử phạt.
Thực hiện đúng cam kết góp vốn trong thời hạn quy định kể từ khi được cấp giấy phép kinh doanh. Trường hợp sau khi thành lập có các sự cố phát sinh không mong muốn gây ảnh hưởng đến tài chính và thời hạn cam kết góp vốn, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ.
7. Tham gia bảo hiểm cho người lao động
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động chính thức, doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm cho người lao động. Hồ sơ bao gồm tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và danh sách lao động.
NM(tổng hợp)