Những vần thơ níu vào vô tận

19/04/2015 15:16


Khi ta đi dọc dài đất nước
Mới thấy mình chưa hiểu hết quê hương


Đó là hai câu mở đầu tập thơ Níu vào vô tận của tác giả Tiêu Hà Minh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa mới phát hành. Tập thơ đưa ta đến với nhiều vùng miền quê hương, đất nước với những xúc cảm riêng. Gần gũi nhất là "Làng quê": Đêm nằm vằng vặc trăng sao/Tình quê thơm thảo đi vào làng quê. Rồi qua "Sông quê": Ôi con sông cả đời dâng hiến/Ngày nối ngày chở nặng phù sa/Làng ven sông yên ấm những nếp nhà/Sông bồi đắp nên những miền trù phú... Tiếp đến các điểm dừng chân xa, để khám phá ra một "Chiều Đại Lải": Mây trôi về xứ lạ/Ngàn năm chuyện thần tiên; một "Sa Pa": Lang thang mưa bụi chiều qua/Theo chân về chợ la đà như say...

Nhưng, có lẽ xúc động nhất là các vần thơ mang nặng ân tình của nhà thơ, một thời giữa chiến trường ác liệt:

Tôi đã sống những ngày khói lửa
Đêm thức cùng du kích vùng ven
Ấm bụng khoai mì ngày lỡ bữa
Để khoác ba lô đêm xuống lên đường
                 (Bình Định có tên tôi)

Chính trong những ngày tháng ấy, rất quyết liệt, nhưng hồn thơ vẫn bay lên:

Có một ngày mở màn vào chiến dịch
Chân bước dồn, bướm bay đỏ sông Côn...


Tác giả nao lòng nhớ đến các bà má, đến nhân dân miền Nam đã cưu mang che chở cho các con:

Mẹ một thời giấu con trong lòng đất
Trên nóc hầm giặc lùng sục canh khuya
Chén cơm mì lòng mẹ sẻ chia
Chăm cho con mau về cùng đồng đội...


Cho đến hôm nay, đất nước hòa bình và đang thay da đổi thịt, nhưng thăm lại mảnh đất xưa từng chát chúa tiếng nổ đạn bom, vẫn không giấu nổi những giây phút bồi hồi:

Dưới cát mịn, xương ai còn trong đó
Nghe bồi hồi nhớ buổi chiến chinh
                   (Nặng một Phú Yên)


Và nhìn ra Biển Đông, ta lại càng suy ngẫm về hai tiếng "quê hương". Ở "Địa đầu Sa Vĩ", thơ như tiếng reo vui đầy kiêu hãnh:

Ở nơi đầu Biển Đông ôm đất nước
Dải đất vững bền kiêu hãnh yêu thương
Hồn Nam Bắc mang rừng dương rừng đước
Để bây giờ thành tên gọi quê hương


Bài thơ viết về lính đảo cũng mang âm hưởng ấy: Anh đóng quân nơi đảo chìm đảo nổi/Mênh mông mà khát mặn chân trời/Một bát nước ngọt nặng tình đồng đội/Nước non mình ngời ngợi biển khơi (Bình yên vùng biển).

Giữa đất liền và hải đảo, nói một cách hình tượng là giữa "sông và biển" gắn bó với nhau hơn lúc nào hết: Khi sông về với biển/Sông mới thỏa nỗi lòng/Nhận mặn mòi vị biển/Biển mới hiểu tình sông... Và càng đi thăm các địa danh trong lịch sử văn hóa dân tộc, càng như nhận ra trước đây "mình chưa hiểu hết quê hương". Có thể thấy điều ấy qua các dòng thơ viết về Tản Viên Sơn, Tam Đảo Tây Thiên, Đà Lạt, Hoa đại chùa Côn Sơn, Hà Nội chiều đông về... Tiêu Hà Minh sử dụng nhiều thể loại thơ, trong đó mảng thơ lục bát khá nhuần nhị. Đọc bài thơ "Vọng phu", ta cứ thấy nao lòng:

Ai lên xứ Lạng cùng anh
Để lời ru cứ năm canh vọng hồn
Ôm con đứng giữa nước non
Chờ chồng, đá cũng mỏi mòn đơn côi

Ai lên xứ Lạng cùng tôi
Lời thề hóa đá mấy đời vẫn đau
Bóng người - hồn đá ôm sầu
Ta về còn đọng một câu ca buồn


Đó là thơ "níu vào vô tận" hay níu vào lòng người, mà cứ ám ảnh và da diết không thôi?


VƯƠNG BẠCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những vần thơ níu vào vô tận