Năm 2011, các vận động viên thành tích cao của Hải Dương tiếp tục thi đấu xuất sắc trên các đấu trường trong nước và quốc tế, đem về cho thể thao tỉnh nhà nhiều kết quả đáng tự hào.
“Bắn hạ” huy chương vàng đầu tiên
VĐV Trần Quốc Cường
SEA Games 26 tại Indonesia trở thành một kỷ niệm đẹp của xạ thủ Trần Quốc Cường. Từng tham dự 7 kỳ SEA Games, nhưng đến giờ anh mới giành riêng cho mình một tấm huy chương vàng (HCV). Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Cường vào một ngày cuối năm, khi anh vừa kết thúc buổi tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Cảm nhận ban đầu về anh, đó là một người điềm đạm, nhã nhặn, chân thành. Câu chuyện giữa chúng tôi dần trở nên cởi mở. Sinh ra ở TP Hải Dương trong một gia đình có truyền thống môn bắn súng, Cường thích môn thể thao này từ nhỏ. Năm 1992, học xong cấp 3, anh bắt đầu theo nghiệp bắn súng. Sở trường của Cường là súng ngắn bắn chậm. Được cha cùng các huấn luyện viên tận tình chỉ bảo, xạ thủ Cường tiến bộ từng ngày. Bước chuyển biến lớn trong sự nghiệp là năm 1995, anh giành HCV đầu tiên tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ III và được gọi vào đội tuyển quốc gia. Anh luôn kiên trì, nghiêm túc tập luyện, nhiều năm nay là một trong những xạ thủ hàng đầu Việt Nam. Cường tâm sự: “Để giành kết quả cao trong thi đấu, vận động viên phải hết sức tập trung, luôn giữ tinh thần thoải mái, phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác giữa trạng thái tâm lý và kỹ thuật. Nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố đó sẽ không thành công”.
Tấm HCV ở SEA Games 26 được anh chinh phục khá nhẹ nhàng. Ở loạt bắn tiêu chuẩn 60 viên, Cường luôn dẫn đầu. Bước vào bắn 10 viên chung kết, với quyết tâm giành chiến thắng, anh tập trung cao độ, ngắm bắn chuẩn xác từng viên. Hết viên thứ 8, anh biết chắc chắn mình sẽ giành được HCV.
Từ ngày cầm súng thi đấu đến nay, Trần Quốc Cường đã giành được hàng chục HCV ở giải trong nước và quốc tế. Thành tích cao nhất của anh là Huy chương đồng Asiad 15 (năm 2006), đứng thứ 4 giải bắn súng thế giới năm 2009, HCV đồng đội tại 5 kỳ SEA Games. Kỷ niệm đến nay anh nhớ và tiếc nhất, là ở giải bắn súng quốc tế năm 2009. Trong loạt bắn tiêu chuẩn, anh đứng thứ 5, nhưng khi vào bắn chung kết, do kém may mắn nên chỉ thiếu 0,2 điểm là đoạt được huy chương. Thời gian tới, Cường sẽ dồn hết sức luyện tập để giành quyền dự Olympic 2012.
Niềm vui nhân đôi
VĐV Trần Thị Len
Đây có lẽ là một năm rất đặc biệt với tay kiếm Trần Thị Len, khi lần đầu giành được HCV cá nhân ở một kỳ SEA Games và lên xe hoa. Chúng tôi về thôn Lương Gián, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đúng lúc chị đang chuẩn bị cho lễ cưới. Gặp chúng tôi, gương mặt chị rạng ngời hạnh phúc.
Trần Thị Len đến với môn đấu kiếm thật tình cờ, như đã có duyên từ trước. Năm 2003, đang học lớp 9, Len đưa một người bạn lên dự đợt tuyển vận động viên của tỉnh. Vốn yêu thích thể thao và tò mò, Len cũng vào đăng ký dự thi và đã trúng tuyển. Ở đội tuyển tỉnh cũng như đội tuyển quốc gia, Len luôn được các huấn luyện viên đánh giá cao về tinh thần luyện tập, năng khiếu, tố chất của một kiếm thủ. Chị thuận tay trái, một lợi thế mà ít kiếm thủ có được. Trong cuộc sống, Len rất nữ tính, nhẹ nhàng, duyên dáng. Khi lên sàn đấu, chị như "lột xác", trở thành một kiếm thủ thi đấu tỉnh táo, quyết đoán, dũng mãnh trong từng bước di chuyển, với những đường kiếm đâm xoạc, đâm lao đầy uy lực, khiến đối thủ phải e sợ. Trần Thị Len kể: "Giành được HCV ở SEA Games 26 như một kỳ tích, đến giờ em vẫn chưa hiểu tại sao mình làm được điều đó. Em đã gặp nhiều khó khăn ở trận tứ kết và bán kết. Trận tứ kết, em gặp ngay đối thủ là đương kim vô địch người Philippin. Khi trận đấu còn 16 giây, em đang bị dẫn trước với điểm số 11 - 13, muốn đi tiếp phải giành được 3 điểm. Đây là việc vô cùng khó khăn. Lúc này, với suy nghĩ mình không thể thua và ra về tay trắng, em như bừng tỉnh, lao vào tấn công và ghi được 1 điểm. Sau đó ít giây, em ghi tiếp 1 điểm san bằng điểm số. Trận đấu còn 8 giây, em xông vào tấn công dồn dập, đối thủ bị mất bình tĩnh, hoảng sợ nên phản công lại. Khi đối thủ lộ sơ hở, gặp đúng tình huống sở trường, em dùng đòn "cướp công và phản công" giành thêm 1 điểm. Lúc trận đấu chỉ còn 1 giây, không biết là mình có thắng hay không, nhìn quanh thấy huấn luyện viên cùng đồng đội vỗ tay tán thưởng, đối thủ gục trên sàn, em biết mình đã thành công và vỡ òa sung sướng. Trận bán kết gặp đối thủ người Thái Lan, mọi chuyện cũng tương tự. Ở trận tranh HCV, gặp đối thủ chủ nhà yếu hơn nên em thi đấu khá nhàn". Không chỉ đấu kiếm giỏi, Trần Thị Len học văn hóa cũng rất xuất sắc. Năm lớp 11, Len đoạt giải đặc biệt Nữ sinh Việt Nam. Bên cạnh đó, chị rất thích học tiếng Trung Quốc, hiện đã có thể giao tiếp được bằng thứ tiếng này. Đến nay, Trần Thị Len đã giành được gần 20 HCV đấu kiếm trong nước và quốc tế.
Đua thuyền là niềm đam mê
VĐV Nguyễn Thị Hựu
Từ nhiều năm nay, những người yêu thể thao Hải Dương đều biết đến tay chèo Nguyễn Thị Hựu ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) có nhiều thành công trên "đường đua xanh". Tuy tại SEA Games 26 vừa qua, Hựu chỉ giành được Huy chương đồng, nhưng 2011 cũng là năm thi đấu thành công của chị. Tại giải vô địch đua thuyền rowing toàn quốc, Hựu giành được 3 HCV.
Sự nghiệp thể thao thành tích cao của chị bắt đầu từ năm 2003. Thời gian đầu làm quen với môn đua thuyền rowing khá vất vả, hàng tháng trời người đau ê ẩm. Dù đau, dù mệt nhưng mỗi buổi tập Hựu đều rất hăng hái, nhiệt tình, hết giờ vẫn xin thầy cho bơi thêm. Để nâng cao thể lực, đặc biệt là tăng cường sức mạnh cơ đùi, lực chân, hằng ngày, Hựu phải chạy bộ, tập nâng tạ chân, bật tại chỗ. Trong các nội dung thi đấu của thuyền rowing, Hựu mạnh nhất ở nội dung thuyền đôi và thuyền bốn người. Trước đây, còn vận động viên Đặng Thị Thắm, nội dung thuyền đôi nữ của Hải Dương luôn không có đối thủ. Cũng với sở trường đó, năm 2010, tại Asiad 16, Hựu đã giành được Huy chương bạc nội dung thuyền 4 người. Chị cho biết: “Thời gian tập huấn ở Trung Quốc chuẩn bị thi đấu, kết quả tập luyện của đội rất kém, hầu như không đạt yêu cầu của huấn luyện viên đề ra. Nhưng khi vào thi đấu, 4 chị em trên thuyền tự nhủ phải cố gắng hết mình, quyết tâm thi đấu để giành chiến thắng". Sau quá trình tập luyện, thi đấu, tay chèo Nguyễn Thị Hựu tự rút ra kinh nghiệm: để thi đấu thành công, trên mỗi đường đua, các tay chèo phải luôn có khát vọng chiến thắng, nỗ lực hết mình và biết động viên đồng đội vươn lên. Từ năm 2005 đến nay, năm nào Nguyễn Thị Hựu cũng giành HCV ở giải quốc gia. Chia sẻ với chúng tôi về mơ ước trong thời gian tới, Hựu tâm sự: “Em sẽ cố gắng tập luyện thật tốt để giành một suất đi dự Olympic năm 2012 và sau này, khi không còn thi đấu sẽ được gắn bó lâu dài với môn đua thuyền rowing".
DANH TRUNG