Thả Thả lên trời những ý thơ Không mong con chữ bơ vơ như mình Thả hồn trong chốn nhân sinh Lại cô đơn giữa cõi tình bao la.
NGUYỄN KHẮC HIỀN
|
|
Bài thơ “Thả” của Nguyễn Khắc Hiền viết theo thể lục bát tứ tuyệt, nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn, mượt mà về âm vần. Chỉ đọc đến lượt thứ hai là thuộc lòng. Nhưng vòng tuần hoàn của ý, tứ, lại xoáy vào tâm can người đọc theo đoạn có thể ngắt khổ 2/2 câu, nhưng vẫn chỉ là 1. Chính bởi cái mà tác giả thả.
Ta xem tác giả thả cái gì? Cánh diều ư? - Không. Không phải một sự vật cụ thể, mà là thả cái vô hình, trừu tượng, không ai sờ nắm được “những ý thơ” nhưng ai cũng bắt được vì tác giả “Không mong con chữ bơ vơ như mình”. Cái người đọc "bắt" được là được tâm tình của nhà thơ.
Câu thơ bình dị vậy thôi nhưng chứa chất lòng nhân hậu của tác giả. Tâm hồn có thanh cao mới cảm nhận tận cùng nỗi cô đơn nhân tình thế thái. Chính vì sự trải nghiệm ấy nên tác giả "Không mong con chữ bơ vơ như mình". Con chữ chỉ biết nói hộ, chuyển tải nỗi cô đơn, bơ vơ... chứ nó có biết cảm nhận đâu? Tác giả mượn "con chữ" để chỉ người đấy chứ. Hình ảnh ẩn dụ đọc lên thấy nhẹ nhàng bao nhiêu chính là lòng nhân hậu sâu nặng bấy nhiêu. Không mong người khác cô đơn, bơ vơ, thiếu thốn... như mình, ắt sẽ mong điều ngược lại là mọi người được hạnh phúc hơn mình.
Tác giả đã "thả lên trời những ý thơ" rồi, xong, chưa toại nên tiếp tục "Thả hồn trong chốn nhân sinh/Lại cô đơn giữa cõi tình bao la". Thả hồn - ai nhìn và sờ nắm được? Cũng như “ ý thơ ” thôi, nó chính là một. Bởi thơ là tiếng nói tâm tình, rút từ trái tim, tâm hồn người viết. Thơ bộc lộ nhân sinh quan, thế giới quan của tác giả... Thơ vừa mang cái tôi và vừa mang cái của chúng ta.
Ở đoạn trên, tác giả thả ý thơ lên bầu trời bao la. Thông thường nhiều người vẫn thế, khi buồn quá, cô đơn quá, không thể sẻ chia, hay không thích sẻ chia, có người ra đứng trước biển gào hét thật to cho nó tan hết, trút hết ra khỏi mình cho nhẹ cõi lòng. Nhưng tác giả không thế. Anh đã một lần nữa, ở đoạn dưới, “thả hồn” - cũng vào cõi rộng lớn “nhân sinh” - cõi người đang sống, “lại” vẫn “cô đơn giữa cõi tình bao la”. Đến đây, ta mới hay uẩn khúc của cõi tình người bao la muôn hình vạn trạng, muôn màu muôn vẻ.
Bài thơ ngắn, không kể lể, không than vãn, ngôn từ giản dị, hàm súc, tâm trạng “đóng” lại rồi nhưng “mở” ra dấu hỏi cuộc đời, tình người: Vì sao con người cứ có tâm trạng ấy trong cõi nhân sinh hôm nay?
NGUYỄN THỊ MINH HỒNG