Nhiều bạn trẻ lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh, bình luận lố lăng làm ảnh hưởng xấu tới bản thân và cộng đồng...
Hai thanh niên tạo dáng phản cảm trước cảnh Trung tâm Thương mại đang cháy
đã bị cư dân mạng phản ứng dữ dội
Mạng xã hội xuất hiện và bùng nổ khiến cho thói quen sử dụng internet của giới trẻ thay đổi. Nhiều bạn trẻ không chỉ dùng mạng xã hội như nơi sẻ chia niềm vui, nỗi buồn mà còn coi đây là một công cụ để thể hiện bản thân.
Muôn đường "nổi tiếng"Nói đến hành động khác người rồi "nổi tiếng" phải kể đến Nguyễn Đức Hậu ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) - một hiện tượng của mạng xã hội (MXH) từ năm 2014.
Chỉ là một anh nông dân trồng ổi chuyên cover (hát lại) những ca khúc được các bạn trẻ ưa thích, nhưng ngay khi hàng loạt "tác phẩm" được chia sẻ lên MXH, Hậu lập tức "nổi như cồn" với nghệ danh "Lệ Rơi". Các fanpage trên Facebook có tên "Ca sĩ Lệ Rơi" hoặc "Lệ Rơi" đã thu hút từ vài nghìn đến hàng vạn lượt theo dõi, cá biệt có trang lên tới hơn 900.000 lượt. Theo thống kê của một số tờ báo mạng và trang MXH thì đây là con số đáng mơ ước của nhiều ca sĩ nổi tiếng, kể cả "ông hoàng nhạc Việt" Mr Đàm hay diva Mỹ Tâm...
Giọng hát của Lệ Rơi được nhiều người đánh giá là ngọng, lệch tông, sai nhạc... một "thảm họa âm nhạc", nhưng Lệ Rơi vẫn tự tin thể hiện cá tính của mình qua các bản cover và được nhiều bạn trẻ tung hô trong "thế giới ảo". Từ hiện tượng Lệ Rơi mọi người mới có dịp nhìn lại cách thức tiếp nhận các sản phẩm từ MXH của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Rất nhiều bạn trẻ dễ bị kích thích, hùa theo số đông, bất chấp đâu là giá trị thật và ảo, hay và dở, tốt và xấu, cứ thấy người ta cười mình cũng cười, thấy người ta quan tâm mình cũng ào ạt quan tâm. Và cộng đồng mạng, trong đó phần đông là các bạn trẻ thỏa sức tung hê tất cả những “hiện tượng” được coi là "thảm họa" khác nhau. Điều này cho thấy, giới trẻ đã quá đà, thiếu chọn lọc khi tiếp nhận các sản phẩm từ MXH.
Trước đó, tháng 8 - 2013, em Trần Thị Lan H. một nữ sinh lớp 9 ở thị xã Chí Linh bị bạn đánh hội đồng, lột quần áo và chụp ảnh sau đó tung lên Facebook. Sự việc này đã gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Nhóm nữ sinh đăng ảnh lên MXH đã bị công an điều tra và xử lý. Nhiều ngày sau khi sự việc xảy ra, H. vẫn trong trạng thái hoảng loạn và lo sợ. Việc tung ảnh của nạn nhân lên MXH không chỉ trái thuần phong mỹ tục mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và tinh thần của những người trong cuộc, thậm chí vi phạm pháp luật.
Hơn 1 năm trước, bức ảnh "tự sướng" của 2 bạn trẻ trước Trung tâm Thương mại Hải Dương đang bốc cháy cũng nhận được nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng. Rõ ràng, hành động vô thức này vô hình trung đã cho thấy thái độ thiếu suy nghĩ của một bộ phận bạn trẻ trước nỗi đau, mất mát của người khác.
Trần Thị Ngọc, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho rằng: "Việc nhiều bạn trẻ thể hiện mình một cách quá đáng trên MXH đã gây phản cảm và có ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng. Theo tôi, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ theo đuổi cuộc sống ảo, làm những việc khác người để được mọi người tung hô, thậm chí là chửi bới, bị mọi người chê cười".
Thiếu kỹ năng sống?
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của MXH, đặc biệt là Facebook đối với giới trẻ. Tuy nhiên, để sử dụng MXH một cách hiệu quả và ngăn chặn những tác hại của nó thì không phải bạn trẻ nào cũng làm được.
Về việc giới trẻ thể hiện bản thân quá đà trên MXH, cô Lê Hải Yến, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) cho rằng: "Đây là một vấn đề khá mới, chỉ xảy ra ở một bộ phận của giới trẻ. Theo tôi, chủ yếu là những bạn trẻ mới chập chững bước vào đời sống, thiếu hụt vốn sống, ưa khám phá, khẳng định bản thân và đã vô tình làm xấu đi hình ảnh bản thân".
Trong một "thế giới phẳng", khoa học công nghệ phát triển ồ ạt như hiện nay thì việc giới trẻ cập nhật và tận dụng tối đa các tiện ích của internet để thỏa mãn nhu cầu bản thân, tìm hiểu thế giới xung quanh là điều dễ hiểu. Song việc kết nối không giới hạn cũng dễ gây ra "nghiện" và lạm dụng Facebook quá đà. Cô Yến nói thêm: "Việc giới trẻ thể hiện bản thân quá lố trên Facebook là một chủ đề đáng bàn. Mỗi công dân đều có quyền tự do, vì thế chúng ta không nên phán xét một cách vội vàng. Tuy nhiên, về phía nhà trường, theo tôi cần đẩy mạnh việc dạy kỹ năng sống cho các em, kết hợp giáo dục giới tính, lồng ghép các tình huống thực tế trong môn học giáo dục công dân để học sinh có thể tự suy ngẫm. Gia đình cần phối hợp với nhà trường định hướng tư tưởng, nhận thức cho các em, giúp các em phân biệt rạch ròi giữa các giá trị sống thật và ảo".
VIỆT QUỲNH - TRẦN HIỀN