Tuyển sinh ngành hóa học nhưng tổ hợp xét tuyển không có môn hóa, ngành sinh học nhưng không có môn sinh... Điều lạ lùng này đang diễn ra ở nhiều tổ hợp xét tuyển của nhiều trường đại học.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Kinh tế tài chính TP Hồ Chí Minh
Trên trang web Trường Đại học (ĐH) Bạc Liêu, tổ hợp xét tuyển ngành sư phạm sinh học, bên cạnh hai tổ hợp có môn sinh học, trường này còn tuyển hai tổ hợp khác không có môn sinh như toán - lý - hóa và toán - lý - tiếng Anh. Ngành sư phạm hóa học cũng tuyển hai tổ hợp không có môn hóa là toán - lý - tiếng Anh và toán - lý - sinh.
Không có môn chuyên ngành
Tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, bên cạnh hai tổ hợp có môn vật lý, ngành sư phạm vật lý còn tuyển các tổ hợp toán - hóa - ngoại ngữ, toán - văn - tiếng Anh.
Mặc dù tuyển ngành sư phạm vật lý nhưng tất cả các tổ hợp, môn chính nhân hệ số 2 đều là môn toán, không phải vật lý. Tương tự, ngành sư phạm lịch sử tuyển các tổ hợp toán - văn - ngoại ngữ, văn - địa lý - ngoại ngữ. Các tổ hợp đều xác định môn chính nhân hệ số 2 là văn, không phải lịch sử.
Trường ĐH Vinh tuyển sinh tổ hợp toán - lý - tiếng Anh cho ngành sư phạm hóa. Ngành sư phạm vật lý tuyển tổ hợp toán - hóa - sinh và toán - hóa - tiếng Anh. Còn Trường ĐH Khánh Hòa cũng tuyển sinh ngành sư phạm vật lý với các tổ hợp toán - hóa - sinh, toán - hóa - tiếng Anh.
Trường ĐH Hải Phòng tuyển sinh ngành sư phạm vật lý bằng tổ hợp toán - văn - tiếng Anh. Ngành sư phạm hóa học tuyển sinh tổ hợp toán - văn - tiếng Anh, văn - toán - lý. Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), ngành sư phạm vật lý tuyển toán - hóa - tiếng Anh.
Ngoài các ngành sư phạm, nhiều ngành kinh tế, quản trị, vốn tuyển các tổ hợp khoa học tự nhiên, cũng được các trường mở rộng tuyển tổ hợp văn - sử - địa. Tại Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế), hàng loạt ngành như quản lý đất đai, kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn, phát triển nông thôn, khuyến nông, bất động sản tuyển tổ hợp văn - sử - địa.
Đây là trường duy nhất tuyển tổ hợp này cho các ngành nông lâm, kinh tế nông lâm. Các ngành này có một vài môn liên quan đến xã hội trong khi phần lớn chương trình đào tạo cơ bản là những khối kiến thức thuộc lĩnh vực tự nhiên.
Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng xét tuyển 3 môn văn - sử - địa cho các ngành quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.
Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh tuyển văn - sử - địa cho các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, một số ngành ngôn ngữ. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP Hồ Chí Minh cũng tuyển tổ hợp văn - sử - địa cho hàng loạt ngành kinh tế và ngôn ngữ như quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, quản trị khách sạn, bất động sản.
Đáng chú ý nhất là Trường ĐH Gia Định. Tổ hợp văn - sử - địa được tuyển sinh cho nhiều ngành như quản trị kinh doanh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Anh. Thậm chí những ngành thiên về chi tiết, tính toán như tài chính ngân hàng, kế toán cũng được tuyển sinh bằng tổ hợp văn - sử - địa.
Bộ không cấm
Việc tuyển sinh nhiều tổ hợp, trong đó có các tổ hợp không liên quan ngành học là cách mở thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh cũng như mở rộng nguồn tuyển cho các trường.
Thống kê tại Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh năm 2020 cho thấy tổ hợp văn - sử - địa luôn có thí sinh trúng tuyển khá nhiều ở các ngành kinh tế như marketing, quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, ngôn ngữ Hàn Quốc.
Trong nhiều hội nghị tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn khuyến cáo các trường không tuyển các tổ hợp tréo ngoe ngành học.
Lý giải về việc nhiều trường mở rộng tuyển sinh tổ hợp văn - sử - địa, đại diện một trường công lập cho biết thống kê những năm qua cho thấy tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT bài thi khoa học xã hội áp đảo so với bài thi khoa học tự nhiên.
Năm 2021, bài thi khoa học xã hội chiếm hơn 53% trong khi bài thi khoa học tự nhiên chỉ khoảng 34%.
"Tuy nhiên, với những ngành kinh tế, chương trình đào tạo liên quan nhiều đến toán nên việc tuyển thí sinh không có năng lực tốt về toán có thể khiến sinh viên gặp khó khăn khi theo học, chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng. Bài toán tuyển sinh và chất lượng cần phải được cân nhắc chu đáo" - ông này nói.
ThS Trịnh Hữu Chung, phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, cho biết nhiều trường đã tuyển tổ hợp văn - sử - địa cho các ngành kinh tế, ngôn ngữ nên trường cũng thực hiện theo. Bộ GD-ĐT không cấm việc này. "Đúng là nghe có hơi trái nhưng trường sẽ có những hỗ trợ cần thiết khi sinh viên gặp khó khăn trong quá trình học" - ông Chung nói.
TS Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, cho biết không có tổ hợp nào hoàn toàn trùng khớp với nội dung đào tạo của một ngành. Mỗi tổ hợp đều chỉ mang tính tương đối và phù hợp với một số đặc trưng nhất định.
Do đó với mỗi ngành trường đều áp dụng 4 tổ hợp xét tuyển để mở ra cơ hội cho thí sinh. Sinh viên học các ngành kinh tế - quản trị có lợi thế nhất định nếu có hiểu biết tốt về văn hóa - xã hội, khả năng sáng tạo, khả năng diễn đạt và trình bày ý tưởng, sự nhạy cảm và khả năng tương tác làm việc tốt với người khác...
Theo Tuổi trẻ