Những sinh viên tốt nghiệp sớm được đánh giá có năng lực vượt trội, có thể tham gia thị trường lao động sớm, tích lũy kinh nghiệm và ổn định sự nghiệp.
Cuối tháng 4.2021, Phạm Nguyễn Minh Ngọc, 23 tuổi, tốt nghiệp ngành quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, sớm nửa năm so với kế hoạch. Ngọc nói mình bắt nhịp tốt với môi trường đại học, không bị ngợp, thậm chí thấy chương trình học còn nhiều thời gian trống nên quyết định học vượt để ra trường sớm.
Mỗi kỳ, số tín chỉ mà Ngọc đăng ký gần như luôn ở mức tối đa. Với chứng chỉ tiếng Anh và tin học để xét chuẩn đầu ra, Ngọc tranh thủ đăng ký thi vào những thời điểm mà lịch học không quá căng thẳng.
"Học nhanh và tốt nghiệp trước hạn giúp em tiết kiệm được gần sáu tháng so với bạn bè. Em có thể dùng thời gian đó để học thêm ngoại ngữ, kỹ năng, tăng cơ hội xin được việc tốt khi tỷ lệ cạnh tranh thấp hơn lúc sinh viên tốt nghiệp ồ ạt", Ngọc nói.
Đặng Thị Thu Anh, cựu sinh viên khoá K61, Viện Kỹ thuật hoá học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng tự xây dựng một lộ trình để thực hiện mục tiêu tốt nghiệp sớm ngay khi bước chân vào giảng đường đại học.
Ngoài việc học trên trường, Thu Anh chia nhỏ thời gian để đọc các kiến thức có liên quan đến các môn học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn kỹ năng mềm. Tháng 1.2021, em nhận bằng tốt nghiệp đợt tháng 4 với GPA 3.66/4, sớm hơn một kỳ so với mốc 5 năm của trường.
Sinh viên trong một lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Văn hiến, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Website Trường Đại học Văn hiến
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là ưu điểm của việc đào tạo theo tín chỉ. Thay vì phải hoàn thành một khối lượng kiến thức nhất định theo quy định của năm học (đào tạo theo niên chế), hiện sinh viên có thể đăng ký học tùy thích, theo năng lực và thời gian của mình.
Khi tích lũy đủ tín chỉ, hoàn thành các khóa học về quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất, kỹ năng mềm và ngoại ngữ, đặc biệt là khóa luận tốt nghiệp đại học, các em sẽ được xét tốt nghiệp. "Sinh viên phải có năng lực vượt trội mới có thể hoàn thành tốt và sớm các môn học, các học phần đó", GS Đức đánh giá.
Việt Nam thí điểm đào tạo tín chỉ từ năm 1993 và bắt đầu mở rộng từ năm 2005. Đặc điểm của việc đào tạo này là kiến thức được cấu trúc thành module (học phần), người học theo từng học phần (đơn vị tính là tín chỉ), đạt đến trình độ nào được công nhận đến trình độ ấy, sinh viên có thể rút ngắn thời gian học đến một năm. Từ năm 2018 đến nay, việc sinh viên tốt nghiệp sớm không còn quá xa lạ.
Số sinh viên tốt nghiệp sớm từ 3 tháng đến một năm ở Đại học Quốc gia Hà Nội từ 135 năm 2019 tăng lên 142 vào năm 2020 và 204 vào năm 2021.
"Những sinh viên ra trường sớm tập trung chủ yếu ở trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ, Kinh tế. Tỷ lệ này ở khối khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật ít cũng dễ hiểu vì chương trình nặng, các môn học khó", ông nói.
Ở Đại học Kinh tế quốc dân, tiến sĩ Lê Anh Đức, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết số sinh viên ra trường sớm năm 2022 đạt 4%, tăng so với tỷ lệ 2% của năm ngoái.
"So với các trường trên thế giới, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sớm ở Việt Nam còn khiêm tốn", tiến sĩ Lê Anh Đức nói, nhận định việc chủ động trong học tập của sinh viên ở nước ngoài đã được giáo dục từ bé. Ở Việt Nam, các trường cũng đang tạo điều kiện cho sinh viên chủ động lên kế hoạch học tập; tăng cường hệ thống học liệu và học liệu trực tuyến; phân công cố vấn học tập hỗ trợ tư vấn cho các em.
Các chuyên gia đánh giá việc tốt nghiệp sớm mang lại nhiều lợi thế cho sinh viên.
"Sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn có thể tham gia thị trường lao động sớm, sớm tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành, tự lập và ổn định sự nghiệp", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận xét.
Trả lời phóng viên về chủ đề này, cô Mai Thị Hồng Nhung, giảng viên ngành quản trị marketing, Đại học Duy Tân, hôm 19.10 cho biết trường này khuyến khích sinh viên tốt nghiệp sớm. Các em sẽ tiết kiệm được thời gian học tập, chi phí sinh hoạt, sớm đi làm hoặc theo đuổi bậc học cao hơn.
"Các em còn bớt sự cạnh tranh khi tìm việc. Khi tốt nghiệp đúng hạn, ứng viên sẽ nhiều, lợi thế cạnh tranh ít đi", cô Nhung nói, lưu ý sinh viên nên cân nhắc khả năng và mục tiêu của mình để quyết định có nên học vượt hay không.
Từ góc độ tuyển dụng, ông Đào Cường Việt, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty lG Innotek, khẳng định tốt nghiệp sớm là một trong những lợi thế của ứng viên.
"Sinh viên tốt nghiệp sớm thường là nhóm năng động, có khả năng học tập tốt hơn", ông nói. Làm việc tại công ty công nghệ, ông Việt nhận định sinh viên từ các trường kỹ thuật có thể tốt nghiệp sớm thường là người có khả năng học hỏi, tay nghề và kỹ năng quản lý thời gian tốt. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn cho những bạn ra trường đúng hạn, thậm chí muộn, nhưng "cần có lý do hợp lý".
Ngọc cho rằng sinh viên tốt nghiệp đúng hạn hoặc muộn vẫn có thể tìm được việc tốt, nhưng ra trường sớm vẫn có lợi thế hơn, ít nhất về mặt thời gian. Ngay khi hoàn thành chương trình đại học, đầu năm 2021, Ngọc đã trúng tuyển vị trí chính thức trong mảng nhân sự của một doanh nghiệp, đảm nhận công việc liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, xây dựng hệ thống. Với Ngọc, thành tích học tập là một trong những điểm sáng của hồ sơ, giúp em tìm được việc.
Thu Anh đang vừa học cao học vừa dạy thêm cho học sinh THPT. Với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc và ra trường sớm, việc học thạc sĩ của Thu Anh cũng sớm hơn so với bạn bè. Cô gái 24 tuổi có thời gian đi du lịch nhiều địa danh của đất nước mà suốt 4,5 năm đại học chưa thể thực hiện, gặp gỡ nhiều người hơn và học hỏi những kiến thức không có trên giảng đường.
"Tốt nghiệp sớm là một thành tích đáng để tự hào, là động lực cho em trong bất kỳ công việc nào trong tương lai", Thu Anh nói.
Theo VnExpress