Đi làm với mức thu nhập vài chục triệu mỗi tháng, Trần Thu Hà, 23 tuổi, không vội lấy bằng tốt nghiệp dù bạn bè đã ra trường từ tháng 6 năm ngoái.
Từ năm thứ ba ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà đã xác định không theo ngành báo chí sau khi tốt nghiệp. Thời điểm đó, nữ sinh nộp hồ sơ và trúng tuyển vào một công ty xuất nhập khẩu, ở vị trí nhân viên kinh doanh.
Công việc của Hà là làm việc trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ khách mua hàng và vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Có thể dùng cả tiếng Anh và tiếng Trung để đọc hợp đồng, giao tiếp với các nhà xưởng, Hà nhanh chóng làm được việc sau khi nắm bắt thêm các kiến thức về xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế.
Vào học kỳ cuối, do bận đi làm, Hà không sắp xếp được thời gian để học và thi lại một môn và thi chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra. Chưa được tốt nghiệp, nhưng cô gái sinh năm 1999 đánh giá việc này "không phải vấn đề lớn".
Minh Hải, 23 tuổi, cũng lỡ đợt trao bằng hồi tháng 9.2021 của Học viện Ngân hàng, do không hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh, tin học và thi trượt bốn môn chuyên ngành. Một năm qua, Hải bình tĩnh vừa học và thi lại, vừa tự kinh doanh một số sản phẩm công nghệ theo sở thích.
Mỗi năm, số sinh viên không ra trường đúng hạn như Hà và Hải không ít. Tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2021, tỷ lệ tốt nghiệp muộn là 18% trong số 4.800 sinh viên đến hạn ra trường, tức khoảng 860 em. Năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp muộn giảm xuống 14% (khoảng 770 trên tổng số 5.500 sinh viên).
Ở các đại học nhóm kỹ thuật, tỷ lệ này thường cao hơn. TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn năm 2022 khoảng 50%. Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2022, hơn 30% sinh viên tốt nghiệp muộn.
Ảnh minh hoạ: DT
Trưởng Phòng Đào tạo một đại học tại Hà Nội cho rằng nên coi việc sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn là bình thường.
"Thời điểm tốt nghiệp quan trọng, nhưng cũng không phản ánh toàn bộ quá trình học của sinh viên hay năng lực của các em", vị này nhận định. Theo ông, cách học giữa THPT và đại học rất khác nhau, sinh viên sẽ không có người theo kèm, nhắc nhở thường xuyên như giáo viên phổ thông. Chưa kể, chương trình đại học ngày càng khó với hàng loạt yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, các chứng chỉ chuyên ngành. Nếu không tỉnh táo và chủ động, sinh viên dễ bị cuốn vào các cuộc vui, học sa sút, dẫn tới nợ môn và ra trường muộn.
TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh yếu tố các em chưa làm chủ, quản lý được thời gian và kế hoạch học tập của mình. "Nhiều bạn không chủ động tìm hiểu, nắm bắt khung chương trình đào tạo, tiến trình học tập, dẫn tới đăng ký số tín chỉ chưa phù hợp, gây lãng phí thời gian và công sức", ông Bình nói.
Tuy nhiên, trong số những sinh viên tốt nghiệp muộn, hai chuyên gia cho rằng có một phần là do lựa chọn của sinh viên, căn cứ vào dự định cá nhân của các em. "Không ít bạn chủ động học chậm để dành thời gian học kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh hoặc đi làm trang trải cuộc sống", vị Trưởng Phòng Đào tạo cho hay.
Tự đánh giá lý do tốt nghiệp muộn, Minh Hải thừa nhận không có kế hoạch hay mục tiêu học tập rõ ràng khi vào đại học. "Không có mục tiêu nên mình cứ chán nản, học không thấy vui", Hải nói.
Thu Hà nói nhiều người đặt câu hỏi vì sao còn một học kỳ cuối mà cô không cố học xong để lấy bằng. Nhưng Hà cho rằng việc lấy tấm bằng tốt nghiệp quan trọng nhất là để phục vụ công việc và bản thân chứ không phải là chứng nhận hoàn thành một khóa học.
"Mục đích chung của mọi sinh viên là tìm được việc phù hợp với đam mê, thu nhập tốt. Vị trí nhân viên kinh doanh của mình đang có cả hai yếu tố đó, thu nhập hàng tháng khoảng 50 triệu đồng", Hà nói.
Là nhà tuyển dụng, chị Phạm Ánh Dương, Giám đốc Nhân sự Vuihoc - một nền tảng học trực tuyến, khẳng định cơ hội vẫn mở với những sinh viên chưa có bằng tốt nghiệp đại học. Ở công ty của chị Dương, ứng viên chưa cần nộp ngay bằng tốt nghiệp đại học khi nộp hồ sơ, trừ một số vị trí chuyên môn đặc thù như công nghệ, giáo viên. "Miễn sao các bạn đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm và chuyên môn liên quan đến công việc", chị Dương nói.
Trưởng nhóm nhân sự của một công ty truyền thông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết công ty của chị vẫn tạo điều kiện cho các ứng viên chưa ra trường, nhưng để ký hợp đồng chính thức, bằng tốt nghiệp đại học là yêu cầu bắt buộc. Theo trưởng nhóm này, càng những công ty lớn, quy trình tuyển dụng chặt chẽ thì càng cần bằng cấp, ngay cả khi bằng tốt nghiệp không đúng chuyên ngành với vị trí tuyển dụng.
"Ngoài giá trị chứng minh chuyên môn của ứng viên, bằng đại học còn phản ánh sự kiên trì, năng lực học tập, khả năng tiếp thu và quản lý thời gian của ứng viên", chị nói, cho rằng không nên khuyến khích việc tốt nghiệp muộn hoặc bỏ học.
Sau một năm học và thi lại, Minh Hải đã lấy bằng tốt nghiệp đại học, dù hiện tại và vài năm tới, Hải chưa dùng đến tấm bằng do vẫn muốn tự kinh doanh. Tuy nhiên, cậu cho rằng "mất công đi học 4-5 năm, vẫn cần lấy bằng về", chưa kể "sau vẫn có thể dùng đến".
Còn Thu Hà, dù gần như đã xác định bỏ dở chương trình đại học, cô cũng khẳng định không khuyến khích việc ra trường muộn, bỏ bằng đại học. "Nếu rơi vào trường hợp tốt nghiệp muộn hoặc không lấy bằng đại học, dù lý do khách quan hay chủ quan, điều quan trọng là trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để phần nào bù đắp sự thiếu hụt của tấm bằng, đáp ứng yêu cầu công việc", Hà nói.
Theo VnExpress