Những sáng chế hữu ích của học sinh

27/02/2015 08:37

Với niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học, nhiều em học sinh đã có những sáng chế mang lợi ích thiết thực.



Máy quét rác sân trường thu hút sự quan tâm của nhiều người

Trong Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh cho học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức vào tháng 1 vừa qua, Ban tổ chức và những người có mặt đã bị thu hút bởi cỗ máy có tên “Máy quét rác sân trường”. Đây là sáng chế của em Trần Minh Thuyết, học sinh Trường THCS Phạm Sư Mệnh (Kinh Môn). Chiếc máy ra đời khi em nhìn thấy bác lao công vất vả đưa từng nhát chổi quét rác trên sân trường. Máy quét rác có thiết kế gồm hai chổi quét tự động quay, một đường băng dẫn rác, một thùng rác… Máy được gắn bánh xe và tay cầm giúp người làm việc có thể làm sạch nhanh chóng trên một diện tích rộng lớn, sức lao động được giải phóng, nâng cao hiệu quả công việc. Để chứng minh, thầy Nguyễn Hợp Cường, giáo viên hướng dẫn đã chạy thử, chiếc máy quét rác đi đến đâu, sàn nhà sạch đến đấy. Thầy Cường chia sẻ: “Các em học sinh chủ động xây dựng ý tưởng và triển khai thực hiện. Thầy cô giáo chỉ là người định hướng, đóng góp ý kiến để đề tài của các em được hoàn thiện”.

Cũng là một sáng chế làm vệ sinh nhưng “robot tiện ích” của học sinh Phạm Lê Việt Anh (Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi) lại được thiết kế tinh xảo và mang nhiều ứng dụng khoa học công nghệ. “Robot tiện ích” của Việt Anh nhỏ gọn hơn, dùng để làm sạch những vị trí khó đưa dụng cụ vào làm việc. Chú robot được thiết kế giống hình dạng của một người máy, cao khoảng 20 cm, được gắn bánh xe. Một bộ xử lý đã được xây dựng giúp robot tìm được đường đi và nhìn thấy rác bẩn trong những vùng tối. Không chỉ thu gom rác bẩn, robot tiện ích còn được lắp đặt một bộ “hút” những vật kim loại nhỏ như đinh, ốc, kim… giúp việc dọn dẹp vệ sinh được triệt để hơn. Việt Anh chia sẻ: “Robot thông minh được hình thành ý tưởng khi em nhìn mẹ sau mỗi giờ làm việc lại phải vất vả dọn vệ sinh. Em muốn làm ra một robot để có thể giúp đỡ mẹ những công việc nhà”.

Bên cạnh những sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện - cơ khí, những sáng chế thuộc lĩnh vực hóa học và môi trường cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu composite thân thiện với môi trường trên cơ sở nhựa polyester không no có sử dụng sợi cellulose trích ly từ bột giấy” của nhóm học sinh Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương). Học sinh Phạm Quỳnh Mai, trưởng nhóm cho biết: “Nhóm của em muốn tìm kiếm đề tài có ích trong cuộc sống, đặc biệt là phải có ích với môi trường vì hiện nay tình hình ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động và rất được quan tâm. Chúng em đã tìm hiểu những đề tài đã nghiên cứu về lĩnh vực này và phát hiện ra các nhà khoa học đang nghiên cứu sợi thực vật để có thêm một loại vật liệu thân thiện hơn với môi trường, có rất nhiều đề tài khác nhau nghiên cứu sợi cellulose lấy từ sợi tre, nứa, dừa…”. Bắt đầu từ đó, nhóm của Mai bắt tay tìm hiểu về giấy, một loại nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, mà trong thực vật chủ yếu là cellulose. Sau đó, nhóm thử kết hợp cả sợi thủy tinh, cellulose theo một tỷ lệ thích hợp để tạo ra loại vật liệu tổng hợp. Việc gia công vật liệu PC trên cơ sở nhựa polyeste không no và bột giấy cho kết quả khả quan và hoàn toàn có thể ứng dụng trong thực tế. Các mẫu vật liệu PC có chứa vi sợi đều có độ bền tốt, sản xuất gia công vật liệu composite có tuổi thọ và độ bền tốt vừa tận dụng được nguồn giấy, giảm thiểu số lượng giấy thải, vừa giúp tiết kiệm chi phí, phát triển kinh tế trong nước, mở ra hướng đi mới cho việc xử lý giấy thải ngoài tái chế.

Trong số 49 sáng chế của 27 trường trên địa bàn tỉnh, có nhiều sáng chế được Ban giám khảo đánh giá cao về chất lượng sản phẩm cũng như khả năng áp dụng vào thực tế.  “Máy gieo hạt đa năng” của nhóm học sinh Trường THCS Văn Hội (Ninh Giang) là một ví dụ. Chiếc máy gieo hạt có cấu tạo đơn giản nhưng có thể gieo được nhiều loại hạt giúp tiết kiệm sức lao động cho nông dân. Các sáng chế: “Hệ thống bảng nâng hạ tiện dụng” của nhóm học sinh Trường THCS Thành Nhân (Ninh Giang); “Máy đạp ốc bươu vàng” của học sinh Trường THCS Mạc Thị Bưởi (Nam Sách)… cũng được đánh giá cao và có giá trị sử dụng trong thực tế. Thầy Trịnh Ngọc Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thi khoa học, kỹ thuật cho học sinh trung học nhận xét: “Nhiều năm gần đây, được sự quan tâm của nhà trường, thầy cô, các em học sinh rất hăng say nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài thể hiện sự kỳ công, gắn với cuộc sống, thể hiện tính đam mê khoa học của học sinh. Điều này rất có ý nghĩa trong việc định hướng phát triển cho các em trong tương lai”.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những sáng chế hữu ích của học sinh