Theo các chuyên gia, người dân không nên quá lo lắng dẫn tới việc ngày nào cũng mua kit test nhanh COVID-19 để xét nghiệm.
Không nhất thiết ngày nào cũng làm xét nghiệm
Bộ Y tế đã khuyến nghị 2-3 ngày mới nên xét nghiệm một lần bởi cần phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, kết quả cũng không chính xác dù có thể virus đã xâm nhập vào đường hô hấp.
Cụ thể, nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.
Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.
Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…
Trên kết quả test, vạch mờ hay đậm cũng không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài ra, khi có xét nghiệm test nhanh dương tính, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định.
Nhiều người cho rằng sau thời gian mang bệnh mà test nhanh âm tính tức là khỏi bệnh. Các chuyên gia cho rằng điều này không chính xác. Bởi test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên do đó vẫn phải tiếp tục theo dõi. Ví dụ ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi "độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi" hay còn gọi là SpO2 đủ 10 ngày.
Theo Sức khỏe và Đời sống