Hỏa hoạn có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Biết những gì nên và không nên làm khi cháy nhà sẽ giúp cứu mạng bạn và người thân. Việc đưa ra quyết định sai lầm đôi khi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Tờ Insider đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia về hỏa hoạn và liệt kê những sai lầm nguy hiểm nhất mà mọi người hay mắc phải khi có cháy.
Khi đám cháy bùng phát ở một tòa nhà, phản xạ bản năng của hầu hết mọi người là chạy ra khỏi khu vực đó. Điều này thường có nghĩa là họ sẽ mở các cánh cửa để tìm lối thoát. Thật không may, việc mở một cánh cửa (đặc biệt là cánh cửa có cảm giác ấm khi chạm vào) là một trong những sai lầm tồi tệ nhất mà bạn có thể mắc phải khi xảy ra hỏa hoạn.
"Lửa cần oxy để tự duy trì và việc mở cửa sẽ cung cấp oxy cho lửa cháy mạnh hơn" - ông Steve Kerber, giám đốc Viện Nghiên cứu an toàn lính cứu hỏa UL nói với tờ Insider.
Mặc dù lửa rồi cũng có thể đốt cháy cánh cửa, nhưng ngay cả những cánh cửa gỗ cũng có thể là rào cản ngắn hạn hiệu quả chống lại ngọn lửa và luồng khí oxy. Thay vì ngay lập tức mở cửa, trước tiên hãy kiểm tra các lối thoát khác mà ngọn lửa chưa lan rộng hoặc cố gắng thoát ra ngoài qua cửa sổ nếu thấy an toàn.
Ngoài ra, khi chuyển đến sống ở bất kỳ tòa nhà nào, bạn nên lập kế hoạch trước cho trường hợp hoả hoạn bằng cách cẩn thận vạch ra và ghi nhớ các lối thoát hiểm khẩn cấp. Nếu có thể, kế hoạch này nên bao gồm ít nhất 2 lối thoát khỏi mỗi căn phòng nếu hỏa hoạn bùng phát.
Trong trường hợp bạn không có lối thoát nào khác và cần thoát hiểm bằng duy nhất cánh cửa đó, hãy nhớ đóng cửa lại để lửa không được tiếp thêm oxy và tạo thành một đám cháy lớn.
Lính cứu hỏa Christopher Doyle của thành phố New York (Mỹ) cũng chia sẻ với Insider rằng việc đóng cửa khi bạn rời khỏi khu vực đang cháy có thể giúp ích nhiều cho lực lượng cứu hỏa.
Khói dày đặc từ đám cháy nhà có thể nhanh chóng lấn át và làm ngạt thở bất kỳ ai bị mắc kẹt bên trong, vì vậy nhiều người cho rằng việc phá cửa sổ từ bên ngoài sẽ giúp những người bên trong dễ thở hơn. Đây thường là một ý tưởng tồi, đặc biệt trong trường hợp cháy nhà.
David Icove, chuyên gia điều tra hỏa hoạn, giáo sư tại Trường Kỹ thuật Tickle, Đại học Tennessee (Mỹ) cho biết: “Trong một vụ cháy nhà, đừng phá cửa sổ vì nghĩ rằng bạn có thể cung cấp thêm không khí cho những người bị mắc kẹt trong nhà - điều đó chỉ làm tăng cường độ cháy”.
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều vụ cháy nhà bắt nguồn từ nhà bếp. Sự kết hợp của dầu dễ cháy, nhiệt và ngọn lửa có thể dẫn đến hiện tượng cháy trong nồi, chảo.
Zack Zarrilli, một lính cứu hỏa, khuyến cáo: "Đối với các đám cháy khi nấu nướng, đừng lấy chiếc chảo đang cháy ra khỏi bếp và vứt nó ra ngoài. Đây là hành vi rất phổ biến và thường khiến lửa lan rộng do dầu mỡ đang cháy bị rơi vãi tứ tung".
Việc cố gắng di chuyển chảo đang cháy hoặc đổ nước vào chảo cũng có thể gây bỏng cấp độ 2-3 ở bàn tay, cánh tay và chân của người nấu khi dầu mỡ nóng bắn ra ngoài.
Thay vào đó, hãy đậy nắp nồi chảo hoặc đậy một tấm kim loại lên trên và tắt bếp. Cách này sẽ giúp dập tắt ngọn lửa. Chỉ mở nắp khi nồi, chảo đã nguội hoàn toàn để bảo đảm lửa không bùng lại. Nếu đó là một đám cháy nhỏ do dầu mỡ, hãy thử đổ nhiều baking soda vào vì loại bột này cũng có thể giúp dập tắt ngọn lửa.
Nếu những cách trên không hiệu quả, hãy sử dụng bình chữa cháy hoặc gọi nhân viên cứu hoả.
Nếu quần áo bắt lửa, theo phản xạ tự nhiên, nhiều người hay bỏ chạy hoặc vùng vẫy để cố dập lửa. Thật không may, đây có thể là điều tồi tệ nhất bạn có thể làm trong tình huống này. Bởi vì việc đi lại chỉ khiến ngọn lửa lan rộng hơn, nhất là khi bạn va vào các đồ vật hoặc người khác.
Thay vào đó, Hội Chữ thập đỏ khuyên bạn nên “dừng lại, nằm xuống và lăn tròn” cho đến khi lửa tắt.
Bạn nên chuẩn bị sẵn bình chữa cháy trong nhà, đặc biệt là ở gần những khu vực có nhiệt hoặc điện, ví dụ như nhà bếp hoặc nhà xưởng. Điều quan trọng là phải biết cách sử dụng nó một cách chính xác.
Zarrilli nói với Insider: “Sai lầm phổ biến nhất mà mọi người mắc phải khi sử dụng bình chữa cháy là nhắm vào vị trí quá cao của ngọn lửa. Hãy nhắm thấp xuống phần gốc của ngọn lửa để đạt hiệu quả cao nhất”.
“Khi sử dụng bình chữa cháy, hãy kéo chốt, nhắm vào gốc ngọn lửa, bóp lẫy và quét từ bên này sang bên kia. Hãy nghĩ về nó giống như bạn đang diệt cỏ, nếu bạn không tấn công tận gốc, nó sẽ mọc trở lại”.
Nếu bạn để bình chữa cháy trong nhà, hãy nhớ kiểm tra thường xuyên để bảo đảm chúng luôn trong tình trạng hoạt động tốt. Bình chữa cháy mini nên được thay thế vài năm một lần.
Theo các chuyên gia, một vụ cháy nhỏ có thể trở thành đám cháy lớn trong vòng chưa đầy 30 giây. Và chỉ trong vòng 5 phút, một ngọn lửa có thể thiêu rụi toàn bộ tòa nhà. Nếu bạn không thể dập tắt ngay đám cháy khi nó còn rất nhỏ, hãy ra khỏi tòa nhà và gọi dịch vụ khẩn cấp.
Doyle khuyên: "Đừng cố gắng tự mình dập lửa. Mỗi giây trôi qua sẽ làm tăng khả năng bạn hít phải khói. Hãy cúi thấp người và rời khỏi khu vực cháy càng nhanh càng tốt".
Điều này được áp dụng ngay cả khi bạn có bình chữa cháy. Nếu bạn phun vào một đám cháy nhỏ và nó không tắt ngay lập tức, lựa chọn an toàn nhất là thả bình chữa cháy xuống, rời khỏi khu vực đó và gọi trợ giúp.
Zarrilli khuyên: “Nếu nhà của bạn bị cháy, bạn không nên quay lại trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu có vật nuôi hoặc thứ gì đó cực kỳ có giá trị bên trong, hãy đợi ở ngoài và chỉ dẫn cho lính cứu hỏa biết nơi cần đến”. Bởi vì chỉ mất vài giây là bạn có thể bị khói tấn công và bất tỉnh.
Việc quay trở lại thực sự có thể gây nguy hiểm hơn cho người thân bị mắc kẹt và đội ứng cứu.
Những điều cần nhớ khi ở chung cư 1. Hãy tắt các thiết bị tiêu thụ điện, cắt điện (cúp cầu dao) khi đi ra khỏi nhà. Đồ điện, dây điện cũ hỏng, không chắp nối nữa, hãy bỏ đi vì nguy cơ cháy có thể từ đấy mà ra. 2. Một căn phòng 50m2 khói lửa sẽ bao trùm kín trong khoảng 3-5 phút, tùy nhà có nhiều đồ hay không, càng nhiều đồ cháy càng to, càng nhanh. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì sẽ không sao cả, thiệt hại ít, an toàn cả gia đình. Hãy mua ít nhất trong gia đình 1 cái bình chữa cháy, sử dụng được khi khẩn cấp. 3. 90% người chết trong các vụ cháy là do ngạt khói. Hãy mua cho gia đình mỗi người 1 chiếc mặt nạ chống khói để giữ an toàn tính mạng. 4. Nếu chung cư xảy ra cháy: - Xác định xem buồng thang thoát hiểm có nhiễm khói không. Nếu không có khói thì có thể bình tĩnh đi vào, không cần chạy. Nếu bị nhiễm khói thì không nên vào. - Nếu thang thoát hiểm, hành lang nhiễm khói nặng: + Đóng cửa ở trong nhà, lấy băng dính dán các khe cửa lại để khói không lọt vào trong. + Cả nhà có thể đưa nhau ra ban công, cầm đèn pin làm tín hiệu chờ lực lượng cứu hoả. Nếu có khói theo đường ban công thì đeo mặt nạ vào và ở đó chờ. + Tuyệt đối không vào nhà tắm đóng kín cửa xả nước. Không học theo phim buộc quần áo tạo thành dây để tụt xuống. 5. Khi có cháy hãy bấm ngay số 114. |