Nếu ta học được cách tiêu tiền, giấc mơ giàu có sẽ trở thành hiện thực. Rắc rối tài chính thường không đến từ số tiền chúng ta sở hữu mà đến từ cách sử dụng tiền của ta.
Dưới đây là những quy tắc tài chính giúp bạn sử dụng tiền hiệu quả, từ đó có thể tạo lập được một khối tài sản trong tương lai, theo liệt kê của Bright Side:
1. Mua sản phẩm không phải vì rẻ, mà vì dùng được bao lâu
Đôi khi, bạn gặp rắc rối khi cố gắng tiết kiệm tiền. Chúng ta tìm cách tiết kiệm với những thứ cơ bản chúng ta sử dụng hàng ngày. Nếu mua đồ rẻ với chất lượng kém, bạn sẽ mua những món này thường xuyên hơn.
Tất nhiên, bạn nên đưa ra quyết định dựa trên số tiền mình có, nhưng nên nhớ rằng giá trị thực của sản phẩm không phải là giá tiền của nó, mà là bạn có thể sử dụng bao lâu. Để cụ thể hơn, hãy nhớ công thức này: giá thực của sản phẩm = giá tiền/số lần bạn sử dụng. Bạn nên áp dụng công thức này mỗi khi muốn mua món hàng quan trọng.
2. Đặt giới hạn cho các chi phí hàng ngày
Lập kế hoạch chi tiêu là một trong những quy tắc quan trọng nhất để quản lý ngân sách. Sau khi lên kế hoạch chi tiêu lớn, hãy cố gắng giới hạn số tiền bạn tiêu mỗi ngày. Điều này sẽ cho phép bạn ngừng lãng phí tiền bạc, và tránh việc đến cửa hàng chỉ để mua một cái gì đó ngon ngon.
Hãy suy nghĩ cẩn thận về số tiền bạn có thể chi tiêu mà không lên kế hoạch trước (uống cà phê, đi taxi...) và cố gắng không chi tiêu nhiều hơn.
3. Đáp ứng nhu cầu, không đáp ứng mong muốn
Nhìn chung, mọi người không có nhiều nhu cầu, chỉ cần nước, thức ăn, chỗ ở, quần áo, sự an toàn, mối quan hệ tốt với người khác và tự do. Chỉ cần thỏa mãn nhu cầu, bạn đã giải quyết được vấn đề, và cuối cùng bạn hài lòng.
Còn khi thỏa mãn những mong muốn của mình, ta thường bốc đồng và cuối cùng mua những thứ vô dụng, hết tiền dự trữ, thậm chí còn thất vọng. Vì vậy, mỗi khi muốn mua một thứ gì đó, hãy tự hỏi mình: ta có thực sự cần thứ này không và nó giải quyết được gì?
4. Đừng mua xe mới
Chuyên gia tài chính Dave Ramsey viết rằng chỉ có 39% người giàu chọn xe hơi sang trọng mới. Phần lớn người có tiền vẫn lái một chiếc Hyundai, Toyota hay Honda và thường mua những chiếc xe đã qua sử dụng, thay vì những chiếc mới. Mua một chiếc xe đã qua sử dụng thực sự có lợi: bạn tiêu ít tiền hơn và vẫn được lái một chiếc xe tốt.
5. Trả nhiều hơn mức thanh toán tối thiểu cho khoản vay
Hầu hết mọi người thích thanh toán khoản vay tối thiểu. Lúc đầu, có vẻ như đó là một quyết định hợp lý, đặc biệt nếu bạn không có nhiều tiền. Nhưng bạn nên nhớ, nợ càng nhỏ, lãi bạn phải trả càng ít.
6. Cắt giảm các chi phí lớn nhất
Nếu theo dõi các chi phí của mình, bạn sẽ biết những gì cần tối ưu hóa. Bạn có thể nghĩ rằng ăn hàng không tốn nhiều tiền, nhưng nếu theo dõi, bạn có thể thấy đây chi phí lớn nhất mà bạn tiêu, và phải cắt giảm. Hoặc bạn có vẻ như không bao giờ mua bất kỳ thứ vô dụng nào, nhưng trên thực tế bạn đến trung tâm mua sắm vào mỗi cuối tuần để mua một số quần áo mới.
7. Tính số tiền để dư trong ngày của bạn
Mỗi ngày trong cuộc sống đều có tác động đến tài chính của chúng ta, có thể đóng góp vào tương lai tài chính của chúng ta. Ban đầu, hãy tính toán số tiền bạn kiếm được mỗi ngày và sau đó tính số tiền bạn chi cho việc vận chuyển, thực phẩm, mua hàng và những thứ khác.
Nếu thu nhập của bạn cao hơn 30% so với chi phí hàng ngày là bình thường. Nếu con số dưới 30%, đã đến lúc bạn cần suy nghĩ về cách tăng thu nhập hoặc giảm chi tiêu, hoặc cả hai.
8. Chia sẻ chi phí của bạn
Chia sẻ chi phí với bạn bè có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền. Ví dụ, đi chung xe đến siêu thị với người thân, bạn bè hoặc những người bạn biết. Có những ưu đãi giảm giá có thể mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người. Bạn cũng có thể đặt hàng từ các cửa hàng trực tuyến với người khác để giảm chi phí vận chuyển.
9. Trao đổi đồ cũ
Gần đây, việc trao đổi đồ cũ đã trở nên khá phổ biến. Tất cả chúng ta đều có những thứ tốt mà mình không cần và hiếm khi sử dụng.
Ta có thể trao đổi quần áo, đồ chơi và sách... với bạn bè hoặc những người không quen trên mạng. Điều này không chỉ cho phép bạn tiết kiệm tiền, mà còn đóng góp vào phong trào thân thiện với môi trường.
10. Chọn một người chịu trách nhiệm về ngân sách gia đình
Khi ngân sách không có một người chịu trách nhiệm chính, gia đình bạn có thể lãng phí nhiều tiền. Nếu một trong hai vợ chồng quản lý tiền tốt hơn người kia, có lẽ hai người nên thảo luận và phân công vai trò trong vấn đề tài chính. Điều này sẽ cho phép gia đình bạn tối ưu hóa chi phí của mình và tránh rất nhiều xung đột trong tương lai.
HOÀNG ANH (VnExpress)