Gần 20 tháng sau khi Covid-19 bùng phát, chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới đang khuyến khích người dân học cách sống chung với Covid-19. Một số quốc gia từng theo đuổi mô hình "không Covid" đang cân nhắc lại chiến lược, trong đó có Australia.
Các nước châu Âu, vốn dồi dào vaccine, kỳ vọng chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn là tấm vé để tái mở cửa nền kinh tế và giữ số ca bệnh nặng ở mức thấp. Người đã tiêm đủ vaccine trong vòng 6 tháng tại Đức được dùng bữa trong nhà hàng mà không cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên, được hội họp bình thường và đi lại không cần cách ly 14 ngày.
Câu chuyện tương tự đang diễn ra ở Italy. Người dân giờ đây chỉ phải đeo khẩu trang khi đi vào cửa hàng hoặc nơi đông người. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa từ bỏ thói quen đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. "Các con tôi luôn phàn nàn, bảo tôi đã được tiêm chủng và không cần khẩu trang nữa đâu, nhưng tôi mang mãi quen rồi", Marina Castro, sống tại Rome, chia sẻ.
Anh là nước quyết liệt nhất trong chiến lược sống chung với virus. Ngày 19.7, nước này chấm dứt mọi biện pháp hạn chế bất chấp số ca nhiễm biến chủng Delta vẫn ở mức đáng lo ngại, đặc biệt ở nhóm dân số trẻ. Mọi lệnh cấm hội họp và quy định đeo khẩu trang được dỡ bỏ. Người dân lấp kín nhà hàng, quán rượu và sân bóng đá vào cuối tuần như chưa từng có đại dịch.
Không còn hành lang pháp lý, giới chức Anh trông chờ vào "trách nhiệm cá nhân" ở mỗi người dân để tự bảo vệ bản thân và gia đình khỏi virus. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid vào tháng 6 từng nhấn mạnh nước Anh phải "học cách sống" cùng Covid-19, dù khảo sát dư luận cho thấy nhiều người mong muốn một lộ trình tái mở cửa từng bước và cẩn trọng hơn.
Trong khi đó, New Zealand vẫn kiên trì với chiến lược "không Covid". Michael Baker, nhà nghiên cứu dịch tễ tại Đại học Otago của New Zealand, lo ngại những nước chọn đường tắt và mở cửa sớm đang "chơi ván cược nguy hiểm" khi đặt nhóm dân số chưa tiêm chủng trước nguy cơ lây nhiễm.
"Tôi bất ngờ khi một số chính phủ quyết định rằng họ hiểu đủ rõ về cách hoạt động của virus trong cộng đồng rồi chấp nhận sống chung với nó", cố vấn chiến lược chống Covid-19 của New Zealand chia sẻ.
New Zealand vào tháng 8 cũng tuyên bố ý định tái mở cửa, nhưng quyết tâm thực hiện theo từng bước, vừa xây dựng kế hoạch vừa cân nhắc tình hình lây nhiễm và tốc độ tiêm chủng. Họ vẫn trung thành với các biện pháp giãn cách xã hội dài hạn. Trong một khảo sát vào cuối tháng 7 với 1.800 người tham gia, khoảng 90% dự đoán cuộc sống không thể trở lại bình thường dù họ được tiêm vaccine do virus vẫn còn nhiều điều chưa rõ.
Một trong những câu hỏi quan trọng chưa được khoa học làm rõ là hội chứng hậu Covid-19. Nhiều người hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, không còn dương tính với virus, nhưng vẫn chịu nhiều di chứng sức khỏe. Giới chuyên gia cho rằng thế giới không thể "sống chung với Covid-19" như với bệnh cúm, vì mức nguy hại đến sức khỏe khác biệt rất lớn. Thời gian cơ thể duy trì miễn dịch nhờ vaccine và khả năng kháng biến chủng mới cũng còn nhiều mơ hồ.
Đại dịch đang diễn biến phức tạp hơn khi phần lớn các nước đang phát triển chưa đủ vaccine bảo vệ người dân, mở ra nguy cơ xuất hiện thêm biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Biến chủng Delta đã khiến Mỹ rơi vào tình trạng báo động, sau chiến dịch tiêm chủng ban đầu khá thành công. Kế hoạch khôi phục trạng thái bình thường trong mùa hè không thành hiện thực, khi hàng loạt bang gia tăng số ca nhiễm và tử vong, buộc cơ quan y tế phải khôi phục một số khuyến cáo về khẩu trang.
Một số nước dù không đột ngột chuyển hướng chiến lược chống dịch cũng bắt đầu nhìn nhận nới lỏng phong tỏa và giãn cách là một phần cần thiết của hồi phục sau đại dịch.
Người dân được khuyến khích dịch chuyển sự quan tâm từ hạn chế ca nhiễm sang giảm thiểu ca bệnh nặng và tử vong. Các biện pháp hạn chế cứng rắn vẫn được áp dụng tùy tình hình dịch, nhưng tâm lý chung vẫn là tái mở cửa sớm.
Israel theo đuổi mô hình "áp chế mềm" nhờ tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc đạt mức cao. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm tăng vọt trở lại vì biến chủng Delta, Israel chấp nhận áp dặt lại quy định đeo khẩu trang ngoài trời. Chính phủ liên tục đẩy mạnh vaccine làm công cụ bảo vệ chủ lực, với việc cân nhắc kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ 4 cho người dân.
"Cần nói rõ với người dân rằng chúng ta sẽ ghi nhận nhiều ca nhiễm, nhưng đó là một phần của kế hoạch", giáo sư Dale Fisher, lãnh đạo Ủy ban Phòng ngừa và Kiểm soát truyền nhiễm quốc gia thuộc Bộ Y tế Singapore nhận định.
Từ khi đại dịch bùng phát, người dân Singapore hằng ngày vẫn dõi theo từng thông tin về mỗi trường hợp vừa được xác nhận dương tính với Covid-19.
Khi số ca nhiễm lần đầu tiên lên hai con số, bầu không khí lo lắng từng bao phủ cả đất nước. Ca nhiễm mới vẫn xuất hiện, dù Singapore đã đóng biên và áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm nghiêm ngặt.
"Người dân chúng ta đã mệt mỏi trong trận chiến này. Mọi người đều đặt câu hỏi: Đại dịch sẽ kết thúc vào lúc nào và như thế nào", nhóm bộ trưởng chịu trách nhiệm chính cho chiến lược chống dịch của Singapore nhận định về tâm lý người dân vào tháng 6, khi tuyên bố lộ trình sống chung với Covid-19.
Singapore trong 2 tháng qua nỗ lực học cách từng bước thích ứng với đại dịch. Trọng tâm giám sát chuyển từ đếm số ca nhiễm sang các ca bệnh nặng, số trường hợp cần giường điều trị tích cực và đặt ống thở. Việc tạm dừng hoạt động một số dịch vụ như nhà hàng, quán ăn được Bộ trưởng Thương mại Gan Kim Yong mô tả là "chốt chặn" tạm thời hướng đến mục tiêu cuối cùng.
"Bạn cần tạo cho người dân tâm lý đạt tiến bộ từ từ, thay vì chờ đến ngày mở cửa đồng loạt và mọi người phát rồ lên", Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhấn mạnh.
Theo VnExpress