Sau nhiều nỗi truân chuyên ở quê người, có những phụ nữ Hải Dương từng bị lừa bán sang Trung Quốc đã tìm được đường về với người thân...
Chị M. (bên phải ảnh) tham gia lao động tại ngôi chùa ở địa phương
Cay đắng nơi đất khách
Chỉ vì tin tưởng người cháu họ tên là L. mà chị M. (sinh năm 1967) ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Chị M. kể: Năm 1993, khi đang làm công nhân, chị gặp L. Nghe L. bảo sang Trung Quốc buôn bán có bạn, dễ kiếm tiền, nếu muốn L. sẽ dẫn đi nên chị M. đồng ý. Cùng với chị M., lần đó L. dẫn thêm 2 phụ nữ cùng xã sang Trung Quốc. Đến nơi, chị M. mới biết mình bị bán vào làm vợ trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Đông. Hai người kia không biết bị bán đi đâu, hiện nay đã mất tích. Không biết tiếng Trung nên sau đó bất đắc dĩ chị M. trở thành người vợ thứ 4 của một người Trung Quốc. Chị M. phải làm quần quật để nuôi 3 miệng ăn gồm chồng, mẹ chồng và con riêng của chồng. Chồng chị suốt ngày cờ bạc, rượu chè, mẹ chồng già yếu, con chồng còn nhỏ nên mọi việc trong nhà, ngoài đồng đều đến tay chị. Năm 1993 và 2004, chị lần lượt sinh được một trai, một gái. Tuy nhiên, sau khi sinh con gái một thời gian, chị phát hiện chồng lăng nhăng bên ngoài. Tủi thân vì hơn chục năm nuôi cả gia đình chồng mà vẫn bị phụ bạc, năm 2005 chị xin về thăm quê. Chồng không đưa tiền về, chị đã vay mượn của một số phụ nữ Việt Nam cũng bị lừa bán ở gần khu vực đó để làm lộ phí, đưa con gái nhỏ theo, quyết tâm trở về quê hương làm lại cuộc đời.
Nhiều đàn ông Trung Quốc do hoàn cảnh khó khăn, không lấy được vợ người bản địa nên phải thông qua môi giới, lừa đảo, mua bán để lấy vợ Việt Nam. Vì vậy cuộc sống của đa số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng thường rất vất vả. Chị Trần Thị H. ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) bị người quen lừa bán sang Trung Quốc cách đây hơn 20 năm. Nghe người quen nói lên Móng Cái buôn bán dễ dàng, chị H. đi theo và bị lừa lấy chồng ở huyện Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây). Sau khi lấy chồng, chị phải cấy cày, trồng vải cùng gia đình nhà chồng. Không quen với việc đồng áng, nhiều lần tay chân chị bị sưng rộp vì lao động vất vả. Ở với chồng được hơn chục năm, chị sinh được một trai, một gái. Đến khi con gái được khoảng 9 tuổi, chị xin chồng cho chị và con về thăm quê. Lúc về, thấy gia cảnh khó khăn, bố mất đã lâu, một người chị gái của chị cũng mất do bệnh tim, một người em trai mất do điện giật. Không đành lòng thấy mẹ tuổi cao sức yếu phải lủi thủi một mình, chị quyết định không sang Trung Quốc nữa mà ở nhà chăm sóc mẹ.
Ổn định cuộc sống
Từ khi về quê đến nay, chị M. tích cực làm ruộng, trồng cây lâu năm. Hiện chị trồng 1,5 mẫu vườn xen canh vải, nhãn, ổi, cho thu nhập mỗi năm trên 60 triệu đồng. Năm 2011, chị được Hội Phụ nữ xã Hồng Lạc hỗ trợ 15 triệu đồng, các đoàn thể khác trong xã hỗ trợ 2 triệu đồng, họ hàng cho vay thêm để xây nhà tình nghĩa. Con gái chị đang học Trường THCS Hồng Lạc. Chị M. chia sẻ: “Hiện nay cuộc sống của tôi đã ổn định, mọi khó khăn đều có làng xóm, đoàn thể chung tay giúp đỡ. Tôi thấy vui vì được trở về quê hương, tự chủ cuộc sống của mình chứ không phải lưu lạc, ngày ngày nuốt nước mắt vào trong như trước nữa”.
Cũng như chị M., chị H. được Hội Phụ nữ thị xã Chí Linh hỗ trợ 15 triệu đồng tiền vốn quay vòng để buôn bán hoa quả ở chợ. Nhờ có nguồn vốn của Hội Phụ nữ thị xã, chị H. đã xây được một căn nhà nhỏ, nuôi con gái trưởng thành. Chị H. cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của các đoàn thể và họ hàng làng xóm, cuộc sống của tôi đã vơi bớt khó khăn. Thời gian gần đây, mẹ tôi thường xuyên yếu đau, tôi được ở bên chăm mẹ. Nếu vẫn ở Trung Quốc thì chưa chắc tôi đã được bên mẹ, phụng dưỡng bà những ngày cuối đời”.
Năm 2016 Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng chống buôn bán người giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện chương trình này, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội triển khai các hoạt động tuyên truyền tới phụ nữ trong tỉnh về phòng chống tội phạm mua bán người bằng nhiều hình thức. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh phối hợp viết được 532 tin bài, phát 2.623 lượt trên hệ thống đài phát thanh; kẻ vẽ và treo 507 băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích; phát 200 bộ tài liệu tuyên truyền cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên của hội về nội dung phòng chống buôn bán người.
Qua nắm bắt của các cơ sở hội, hiện nay toàn tỉnh có 183 phụ nữ bị mua bán trở về, trong đó có 112 phụ nữ đang sinh sống tại địa phương, số còn lại đi làm ăn xa hoặc không có thông tin. Hội đã hỗ trợ, giúp đỡ 4 chị xây dựng nhà "Mái ấm tình thương" với số tiền hỗ trợ 80 triệu đồng; hỗ trợ 13 chị vay vốn để phát triển kinh tế với tổng số vốn 467 triệu đồng; thăm tặng quà cho 14 chị...
VIỆT QUỲNH