Làm đẹp

Những phụ nữ trang điểm không gương

TB (theo VnExpress) 07/03/2024 17:39

Kết thúc khóa học, hầu hết các hội viên khiếm thị biết trang điểm cá nhân cơ bản, có thể làm đẹp cho bản thân mỗi khi đi làm, đi chơi hoặc tham gia trình diễn văn nghệ.

Chị Nguyễn Thị Ánh thường tự trang điểm cho mình mỗi khi đi chơi hay biểu diễn văn nghệ tại Hội người mù quận Thanh Xuân. Ảnh: Thúy Quỳnh
Chị Nguyễn Thị Ánh thường tự trang điểm cho mình mỗi khi đi chơi hay biểu diễn văn nghệ tại Hội Người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội

Thay vì sử dụng mút, chị Nguyễn Thị Ánh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội lại dùng đầu ngón tay tán đều lớp kem trang điểm trên da. Người phụ nữ 41 tuổi giải thích để kem phủ đều mặt, tránh loang lổ, cô phải dựa vào vào đôi tay và sự cảm nhận từ các giác quan. "Với mắt trái hỏng, mắt phải chỉ còn 2% thị lực, tôi vẫn tự trang điểm mà chưa khi nào cần sử dụng tới gương", Ánh nói.

Nguyễn Thị Ánh bị khiếm thị từ năm 4 tuổi. Người phụ nữ với trình độ tiểu học đã lăn lộn từ Nam ra Bắc, mưu sinh bằng nhiều nghề như phụ hồ, rửa bát thuê nhưng được thời gian ngắn lại nghỉ vì mắt kém. Gần đây, chị ra Hà Nội làm xoa bóp bấm huyệt tại cơ sở của người khiếm thị.

Nhiều năm làm việc chân tay, mắt gần như mù hẳn, người phụ nữ quê Vĩnh Phúc chưa từng nghĩ làm đẹp cho bản thân. Nguyên nhân theo chị một phần do định kiến "người mù không cần đẹp", phần khác từng bị chê cười khi mắc nhiều lỗi do tự trang điểm vào dịp quan trọng.

Tháng 10/2021, Hội Người mù quận Thanh Xuân - nơi Ánh tham gia sinh hoạt - mở lớp dạy trang điểm cho hội viên nữ, chị dè dặt đăng ký với sự động viên của mọi người.

Trái với suy nghĩ trang điểm không gương dễ nguệch ngoạc lên mặt, Ánh cùng 9 hội viên khác được hướng dẫn cách tán đều phấn, đánh má hồng, kẻ lông mày, tô son bằng cảm nhận trên đầu ngón tay.

"Ban đầu dù khó khăn nhưng không bất khả thi. Vừa học vừa thực hành, vừa nhờ người mắt sáng sửa, tôi đã quen dần việc dùng tay thay mắt khi trang điểm", Ánh nói.

Để tán đều kem, chị dựa vào cảm nhận độ mềm mướt để phủ đều. Kẻ lông mày, Ánh lại bôi chì nước lên đầu ngón tay rồi tô theo cung mày có sẵn. Khi đánh má hồng, việc đầu tiên là xác định vị trí xương gò má bằng tay, sau đó mới phủ phấn hoặc dùng son. Trăm hay không bằng tay quen, cùng với sự góp ý của mọi người, đến nay người phụ nữ này chỉ mất 10-15 phút để trang điểm hoàn thiện khuôn mặt.

Từ ngày biết trang điểm, chị Ngọc Dung luôn tự tin khi biểu diễn văn nghệ hay tham gia các hoạt động tập thể. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ ngày biết trang điểm, chị Ngọc Dung luôn tự tin khi biểu diễn văn nghệ hay tham gia các hoạt động tập thể

Ngọc Dung, 39 tuổi, từng tham gia lớp học trang điểm như Ánh. Bị khiếm thị từ năm 9 tuổi sau một lần sốt cao, dù không thể nhìn rõ mọi vật, nhưng chị luôn khao khát được làm đẹp.

Thời gian đầu mới học, Dung còn nhiều lúng túng, không thể nhận biết từng loại kem nền, phấn mắt, chì kẻ hay thỏi son. Điều này khiến chị phải học cách nhận diện đồ trang điểm thông qua sờ, nắn hình dáng của từng sản phẩm. Tiếp đó mới tìm hiểu sâu cách đánh nền, tô má hồng, kẻ lông mày thông qua cảm nhận của giác quan.

Để áng chừng lượng phấn phủ trên da, Dung dựa vào cảm nhận mỗi lần đổ kem trong lòng bàn tay, sau lấy bông mút tán đều lên mặt, rồi di chuyển từ trán, má xuống cằm tránh chỗ ít, chỗ nhiều. Riêng với phấn má tạo khối, chị lấy một lượng nhỏ thoa đều lên hai đầu ngón tay và tỉ mẩn tán lên vùng xương gò má được xác định bằng cách mỉm cười để định vị. Cách làm tương tự áp dụng cho tô son và kẻ lông mày.

"Ngày mới tập, tôi phải nhờ bạn bè, người nhà chỉnh sửa để dần làm quen, sau tự điều chỉnh theo kinh nghiệm", Dung kể. Mỗi khi hết đồ trang điểm chị lại đến cửa hàng nhờ tư vấn các loại mỹ phẩm phù hợp.

Ban đầu thấy người khiếm thị chọn mua đồ trang điểm, không ít nhân viên tỏ ra bất ngờ nhưng Dung không để tâm. Chị nói bất kỳ người phụ nữ nào cũng cần được làm đẹp, và muốn được đẹp hơn trong mắt người khác.

"Từ ngày biết trang điểm tôi đã tự tin hơn mỗi khi bước ra ngoài. Được mọi người khen và động viên, cuộc sống thêm phần ý nghĩa", Dung nói.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết chị Nguyễn Ánh hay Ngọc Dung là hai trong số 6 hội viên sẽ tham gia cuộc thi "Trang điểm không gương" dành cho phụ nữ khiếm thị vào ngày 8/3. Đây cũng là các thành viên từng tham gia lớp học trang điểm lần đầu được hội tổ chức cuối năm 2021.

Nhắc về lý do tổ chức cuộc thi này, ông Thành cho hay xuất phát từ tâm lý muốn được làm đẹp của phụ nữ khiếm thị để tăng thêm sự tự tin cho bản thân.

"Trước đây nói đến trang điểm, đa phần chị em trong hội còn ngần ngại, nghĩ rằng người khiếm thị cần gì làm đẹp bởi cũng không nhìn được", ông Thành nói. Trong quá trình vận động, bản thân chủ tịch hội cũng như ban lãnh đạo gặp nhiều khó khăn, phải nhờ sự vận động của người thân và bạn bè xung quanh hội viên. Trong 42 thành viên nữ khi đó, chỉ có 10 chị em tham gia lớp học trang điểm, tuổi đời 26-58.

Kết thúc khóa học, hầu hết các hội viên biết trang điểm cá nhân cơ bản, có thể làm đẹp cho bản thân mỗi khi đi làm, đi chơi hoặc tham gia trình diễn văn nghệ. Việc tổ chức cuộc thi "Trang điểm không gương" ngày 8/3 sắp tới một lần nữa cổ vũ người khiếm thị thể hiện khả năng làm đẹp, tăng sự tự tin và lan tỏa tinh thần đó tới những hội viên khác.

Tham gia cuộc thi lần này, Ngọc Dung nói ngoài thông điệp "Tự tin để hòa nhập với cộng đồng", còn muốn truyền đạt kinh nghiệm làm đẹp tới người cùng cảnh ngộ. Trong tương lai, người phụ nữ 39 tuổi mong muốn mở lớp dạy trang điểm để mọi người cùng nhau học tập, chia sẻ kỹ năng.

"Trang điểm không gương không khó. Chỉ cần chút kiên trì, bạn có thể khiến gương mặt trở nên xinh đẹp và rạng ngời ", chị Dung nói.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những phụ nữ trang điểm không gương