Họ là những thanh niên quyết tâm bám trụ lại quê hương, để biến những vùng đất hoang trở thành những thửa ruộng “vàng” cho thu nhập cao...
Anh Nguyễn Văn Minh đã từ bỏ công việc ổn định ở Hà Nội để về lập nghiệp
trên đồng đất quê hương thôn Nội Hợp, xã Lê Ninh (Kinh Môn)
Hiện nay, nhiều lao động trẻ ở nông thôn thường tìm mọi cách để đi xuất khẩu lao động, lên thành phố làm thuê, hoặc vào làm công nhân tại các doanh nghiệp với mong muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Trào lưu thanh niên "ly nông, ly hương" khiến nhiều làng quê bị "rỗng", nhiều nơi chỉ còn người già, trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn những thanh niên trẻ kiên trì ở lại quê hương lập nghiệp, hoặc nhiều trí thức trẻ năng động, dám nghĩ dám làm đã mạnh dạn trở về quê hương để làm những ông chủ đồng ruộng. Họ đã biến những vùng đất bãi bỏ không, những vùng đất cằn cỗi trở thành những thửa ruộng “vàng”, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Anh Nguyễn Văn Hà quê ở xã Tân Dân (Chí Linh) là một trong 6 nông dân trẻ của tỉnh vừa được vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2011 khu vực miền Bắc. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội, anh Hà đã đi làm tại một số công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho ngành nông nghiệp. Sau một thời gian, anh nhận thấy Chí Linh là nơi có thể phát triển mạnh việc chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp. Vì vậy, năm 2005 anh quyết định về quê lập nghiệp. Những ngày đầu về lập nghiệp anh gặp nhiều khó khăn: đất đai không có, tiền vốn cũng không. Anh đã đi khắp thị xã tìm và đã chọn thuê một khu đất 2 ha ở Đập Khanh, phường Sao Đỏ để bắt đầu khởi nghiệp. Anh vay vốn để xây dựng trại nuôi gà trắng với diện tích 864m2, quy mô nuôi 8.000 con/lứa. Lứa đầu, trừ chi phí anh thu lãi 60 triệu đồng. Thấy có kết quả, anh quyết định đầu tư xây thêm một trại gà nữa. Năm 2007, anh Hà tiếp tục thuê 1,5 ha đất vùng trũng của xã Hoàng Tiến để mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh đầu tư đào ao và xây dựng 2 trại gà với quy mô mỗi trại 9.000 con. Đến nay, các trại gà của gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và 8 - 10 lao động thời vụ. Tổng doanh thu cả năm từ các trại gà đạt 18 - 20 tỷ đồng, trừ chi phí lãi từ 600 - 800 triệu đồng. “Thời gian tới, tôi dự tính tiếp tục thuê thêm 1 ha nữa để xây chuồng trại nuôi gà đẻ với quy mô 8.000 - 10.000 con. Lúc đó sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở địa phương”, anh Hà cho biết thêm.
Hơn 1 năm về “đánh vật” với đồng bãi quê hương đã làm chàng cử nhân công nghệ thông tin Nguyễn Văn Minh đen hơn so với ngày còn công tác trên Hà Nội, chỉ cặp kính cận để người khác nhận biết anh là một trí thức. Có nhà cửa, công việc, vợ con ở Hà Nội ổn định nhưng ý chí làm giàu vẫn luôn thôi thúc chàng cử nhân trẻ phải tìm một hướng đi mới. Năm 2008, sau nhiều lần truy cập trên mạng in-tơ-nét để tìm hiểu, anh Minh thấy có nhiều mô hình phát triển kinh tế hay và anh đã dành thời gian đi tham quan. Cuối năm 2009, anh về quê thuê gần chục ha ở bãi ven sông của thôn Nội Hợp và 2 ha đất bãi bồi ở thôn Tiên Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn) lập trang trại trồng trọt. Anh thuê nhân công và phương tiện để đào gốc dâu, san lấp các vùng trũng tạo mặt bằng để sản xuất. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua sắm đầu máy công nông, máy kéo, mắc đường điện và hệ thống đường ống phun nước tưới. Tính đến nay, số tiền đầu tư cho trang trại hết khoảng 600 triệu đồng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vụ đầu anh trồng 11 mẫu cà rốt, 3 mẫu củ đậu, 5 mẫu ngô, 5 mẫu lạc. Xung quanh anh trồng 2.000 gốc chuối và 3.000 cây sanh. Năm 2010 tổng thu từ các loại cây trồng đạt gần 500 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, anh thu được hơn 200 triệu đồng từ 3 mẫu dưa hấu và hơn chục mẫu ngô, lạc. Khu chuyển đổi của anh tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và hơn 20 lao động thời vụ, với 60-70 nghìn đồng/ngày công. Anh Minh dự kiến sẽ đầu tư chăn nuôi bò sữa và quy hoạch vùng trồng cỏ để nuôi bò hoặc trồng rau sạch và trồng cây ăn quả.
Bên cạnh những ông chủ đồng ruộng trí thức này, trên địa bàn tỉnh còn nhiều ông chủ khác không kém phần năng động. Họ là những thanh niên nông thôn quyết tâm lập nghiệp trên đồng đất quê hương như anh Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Sơn Đông, thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) chuyên chế biến cà rốt, rau củ quả, tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động và 70 - 100 lao động thời vụ.
Theo số liệu của Tỉnh đoàn, năm 2010, toàn tỉnh có 3.584 thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi với mức thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Để có được những điển hình trên, những năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội lập thân lập nghiệp. Nhiều huyện, thị xã, thành phố có những mô hình, câu lạc bộ thu hút thanh niên tham gia phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để có thêm nhiều ông chủ đồng ruộng trẻ năng động, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Theo anh Minh, anh Hà và nhiều thanh niên trẻ cho biết: Hiện nay, ruộng đất được chia manh mún đến từng hộ nông dân nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Nhiều địa phương trong tỉnh chưa quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa. Đối với thanh niên, việc tiếp cận nguồn vốn, nhất là để đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn. Các thủ tục hành chính về việc thuê đất, vay vốn khá phức tạp. Đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, không ổn định... Đây chính là những rào cản, khó khăn cho thanh niên trong quá trình lập nghiệp ở nông thôn. Chỉ khi nào tháo gỡ được những khó khăn này mới thu hút, khuyến khích được thanh niên nông thôn ở lại quê và trí thức trẻ về quê lập nghiệp trên đồng đất quê hương.
Tại lễ trao Giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng của Trung ương Đoàn trao tặng cho những thanh niên giỏi làm nông nghiệp năm 2011, tỉnh ta có 6 nhà nông trẻ xuất sắc được trao giải thưởng gồm anh Nguyễn Thành Khương ở xã Thanh Giang (Thanh Miện); Quách Công Thọ ở xã Tráng Liệt (Bình Giang); Nguyễn Văn Oanh ở xã Hiệp Sơn (Kinh Môn); ngoài anh Nguyễn Văn Hà kể trên, thị xã Chí Linh còn 2 người cùng được trao giải thưởng này là anh Trần Văn Hoan ở phường Chí Minh và anh Ngô Quang Trưởng ở phường Văn An. Hằng năm mô hình sản xuất của các anh đều cho thu lãi hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho từ 4 đến hơn 10 lao động địa phương.
|
VIỆT CƯỜNG