Tại một vùng nông thôn hẻo lánh ở miền bắc Ấn Độ, một nhóm phóng viên nữ thuộc tầng lớp Dalit, đã vượt mọi định kiến, âm thầm tạo nên cuộc cách mạng nhỏ bằng chính ngòi bút sắc bén của mình.
Phản ánh xã hội qua lăng kính nữ quyền
Trong suốt 20 năm qua, tòa soạn báo Khabar Lahariya (Làn sóng tin tức) đã đào tạo nhiều phụ nữ trong cộng đồng Dalit trở thành các phóng viên chuyên nghiệp, chuyên đưa tin về những vấn đề nhức nhối ở địa phương vốn thường bị các hãng truyền thông lớn của Ấn Độ phớt lờ. Nhiệm vụ của họ là thâm nhập vào những điểm nóng ở hai bang nghèo nhất của đất nước - Uttar Pradesh và Madhya Pradesh - để phơi bày tình trạng ô nhiễm môi trường do vấn nạn khai thác đá bất hợp pháp, đảm bảo cung cấp các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe cho người dân sinh sống tại các ngôi làng hẻo lánh, đứng lên giúp đỡ những người phụ nữ yếu thế đòi lại công lý và khơi dậy sức sống mới cho các vùng nông thôn.
Những nỗ lực của nhóm phóng viên này trong hành trình làm báo đã trở thành ngữ liệu chính cho “Writing with Fire” (tạm dịch: Viết bằng Lửa), bộ phim tài liệu được đề cử giải Oscar ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất, tạo ra “cơn bão” cho liên hoan phim quốc tế. Trước đó, hồi cuối tháng 1, bộ phim đã giành Giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan phim Sundance ở Mỹ.
Biên tập viên Kavita Bundelkhandi, 37 tuổi, người đồng sáng lập tờ Khabar Lahariya, chia sẻ: “Điểm khác biệt của Khabar Lahariya chính là chúng tôi phản ánh xã hội qua lăng kính nữ quyền. Chúng tôi nói lên những tiếng nói bị đàn áp. Chúng tôi củng cố nền dân chủ của mình”.
Trong những năm qua, tờ báo này đã đào tạo khoảng 500 phụ nữ nông thôn về lĩnh vực làm báo. Đội ngũ 20 phóng viên hiện tại của Khabar Lahariya gồm những người chưa từng được đào tạo chính thức trong lĩnh vực báo chí. Họ là những phụ nữ từng là nạn nhân bạo lực gia đình và cả những người đã trải qua tuổi thơ cơ cực trong các mỏ đá ở địa phương.
Phá bỏ rào cản, vượt mọi định kiến
Từ năm 2016, nhóm phóng viên này đã chuyển đổi từ cách làm báo cũ kỹ sang sản xuất theo hướng kỹ thuật số. Họ không ngần ngại tham gia các lớp đào tạo mới, nghiên cứu về cách làm báo hiện đại. Ở thời điểm đó, không ai có điện thoại thông minh và rất ít người biết sử dụng điện thoại.
Nhà làm phim “Writing with Fire” đã theo chân 3 nữ phóng viên trong hành trình học cách sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng trong môi trường nghề nghiệp. Phá bỏ mọi bỏ rào cản giới tính và đẳng cấp, những người phụ nữ này đã dũng cảm đặt câu hỏi cho các chính trị gia và quan chức xoay quanh hàng loạt vấn nạn từ trộm bò, bạo lực tình dục đến tham nhũng. Họ cũng không ngần ngại tìm gặp những cảnh sát đã bị sa thải và thậm chí chạm trán với các đối tượng xấu có thế lực tại địa phương. Cũng chính nhờ nỗ lực đó, Khabar Lahariya đã được cộng đồng địa phương tôn trọng và thu hút được một lượng lớn người đọc trung thành.
Meera Devi, Tổng biên tập Khabar Lahariya, đã lên mạng xã hội phản ánh về tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên ở một ngôi làng hẻo lánh. Sau bài viết của cô, họ nhận được phản hồi nhanh chóng từ chính quyền và cam kết sẽ cung cấp đủ điện cho người dân. Tuy nhiên, sáng hôm sau, ngôi làng vẫn không có điện. Devi tiếp tục đăng một bài viết khác lên mạng xã hội Twitter. Cuối cùng, trong đêm đó, làng đã có điện.
“Khi chúng tôi gọi cho các nhà chức trách, họ không nghe chúng tôi. Họ đòi tiền trước. Đó là lý do tại sao tôi liên hệ với Khabar Lahariya để tìm giải pháp”, Lalaram Patel, một người dân làng cho biết. Phụ nữ nông thôn hiếm khi có việc làm và càng không có khả năng theo đuổi công việc trong lĩnh vực báo chí.
Trong một cảnh của bộ phim tài liệu, phóng viên Suneeta Prajapati, người phụ nữ duy nhất trong nhóm phóng viên toàn nam giới, đã đặt câu hỏi cho giới chức về giải pháp an toàn cho những con đường nguy hiểm. Trong một cảnh quay khác, Prajapati chất vấn một quan chức cảnh sát về cái chết trong một vụ nổ mìn.
Nhóm phóng viên chia sẻ: “Khi đấu tranh cho quyền của người thiểu số, người nghèo và những thành phần yếu thế khác trong xã hội, khi họ được lắng nghe và giành được công lý, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Tuy nhiên, họ chia sẻ trong những năm qua, bản chất của những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt đã dần thay đổi. Cuộc chiến lớn nhất đối với họ không phải những hiểm nguy bên ngoài xã hội mà ở bên trong gia đình. Devi kết hôn năm 14 tuổi và phải đấu tranh với bố mẹ chồng để có thể tiếp tục đi học sau khi kết hôn. Cô sinh con khi đang học lớp 12, Devi đã phải năn nỉ mẹ ruột phụ giúp trông con để cô được đi học. Giờ đây, cô đã có một công việc ổn định, còn chồng cô vẫn thất nghiệp.
Câu chuyện làm báo truyền cảm hứng
Đề cử giải Oscar cho bộ phim kể về câu chuyện làm báo của nhóm nữ phóng viên Khabar Lahariya đã gây bất ngờ cho những người sáng tạo ra nó. Đạo diễn Thomas Rintu chia sẻ tại sự kiện trước Lễ trao giải ở Los Angeles: “Đó là một câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ. Đó là câu chuyện về những người phụ nữ mang đến hy vọng, đặc biệt là trong thế giới còn tồn tại quá nhiều sự ngờ vực với giới truyền thông”.
Ấn Độ là một trong những đất nước có nền điện ảnh phát triển nhất thế giới và điện ảnh giữ vị trí quan trọng trong văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, chưa từng có bộ phim hay phim tài liệu nào do Ấn Độ sản xuất từng giành giải Oscar. Đạo diễn Thomas nói: “Điều này nói lên rằng câu chuyện về nhóm nữ phóng viên Khabar Lahariya đã có sức mạnh và tiếng vang giữa một lượng khán giả rất đa dạng trên toàn cầu”.
Theo Báo Tin tức