Từ lòng kính yêu Bác vô hạn, nhạc sĩ Ngọc Cuông đã viết nên những bài hát ngợi ca Người như những nén tâm hương thành kính, thiêng liêng nhất.
Nhạc sĩ Ngọc Cuông thường tự đàn, hát tác phẩm của mình để chỉnh sửa trước khi hoàn tất
Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài bất tận của thi ca, nhạc, họa, nhưng chính vì Người là bậc vĩ nhân nên đây cũng là thử thách không dễ dàng với giới sáng tác. Từ lòng kính yêu Bác vô hạn, nhạc sĩ Ngọc Cuông đã viết nên những bài hát ngợi ca Người như những nén tâm hương thành kính, thiêng liêng nhất.
Từ lòng biết ơn, thành kínhLà nghệ sĩ trưởng thành trong quân đội, nhạc sĩ Ngọc Cuông sớm gắn bó với những ca khúc viết về Bác Hồ và người lính. Khi ấy, anh mới chỉ dàn dựng và trực tiếp biểu diễn tác phẩm của các nhạc sĩ khác nhưng những giai điệu hoành tráng, da diết về Người đã ngấm sâu trong tim anh. Từ năm 1982, khi còn là lính Cụ Hồ, nhạc sĩ Ngọc Cuông bắt đầu bước vào hành trình sáng tác. "Với tôi, câu nói: Quân đội là trường học lớn rất chuẩn xác. Trước khi nhập ngũ, tôi chỉ biết biểu diễn, sau đó là dàn dựng. Khi vào quân đội tôi mới được học về sáng tác ca khúc. Những tháng ngày trong quân ngũ đã giúp tôi rèn luyện để trưởng thành. Tôi luôn tự hào vì mình từng là anh bộ đội Cụ Hồ", nhạc sĩ Ngọc Cuông chia sẻ.
Khi mới bắt đầu sáng tác, dù rất muốn nhưng nhạc sĩ Ngọc Cuông chưa dám viết bài hát nào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì cảm thấy tay nghề của mình còn non trẻ. "Viết về Bác Hồ rất khó vì Người quá vĩ đại, khó có thể lột tả, khắc họa được tầm vóc của Người. Khi mới sáng tác, tôi vẫn ấp ủ viết về Bác nhưng chưa thực hiện ngay vì tôi muốn mình phải nâng cao khả năng hơn nữa", nhạc sĩ Ngọc Cuông giải thích. Phải đến khi có hơn 20 năm kinh nghiệm sáng tác, nhạc sĩ Ngọc Cuông mới bắt đầu viết những nốt nhạc đầu tiên về Người.
"Viết về Bác thì lời ca khúc phải trong sáng, trân trọng, giai điệu và cấu trúc phải có sức hút đối với người nghe, trong khi đã có quá nhiều người sáng tác về Bác. Để thoát khỏi cái bóng của những ca khúc đã thành danh không phải chuyện dễ dàng", nhạc sĩ Ngọc Cuông cho biết.
"Tuy bản thân tôi có thể tự hát ca khúc của mình nhưng mỗi khi nghe người khác biểu diễn trên sân khấu, trong tôi vẫn dấy lên niềm xúc động vô bờ."
|
|
Cho đến nay, gia tài sáng tác của anh đã có 5 ca khúc viết về Bác Hồ. Tất cả đều ra đời trong sự xúc động và niềm cảm phục của nhạc sĩ đối với vị danh nhân không chỉ của đất nước mà cả thế giới. Được kết tinh từ tài năng và tình cảm của người nghệ sĩ, những tác phẩm ca ngợi Bác Hồ của nhạc sĩ Ngọc Cuông đều đã được dàn dựng, phát sóng trên Đài Truyền hình Hải Dương, Đài Tiếng nói Việt Nam, được nhiều ca sĩ chọn biểu diễn trong các hội thi và các buổi biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Bài hát "Mùa xuân ơn Bác", "Cao Bằng mang hình bóng Bác", "Con hát dâng Người" đã giúp nhiều ca sĩ giành huy chương trong các hội thi, trong đó có chính con gái của nhạc sĩ. "Tuy bản thân tôi có thể tự hát ca khúc của mình nhưng mỗi khi nghe người khác biểu diễn trên sân khấu, trong tôi vẫn dấy lên niềm xúc động vô bờ. Tất cả những gì tốt đẹp chúng ta đang có hôm nay đều có bóng dáng, công lao của Người mang lại", nhạc sĩ Ngọc Cuông xúc động nói.
Trở trăn từng giai điệuChưa từng được gặp Bác nhưng lại được chứng kiến những thành quả do cuộc đời hoạt động cách mạng của Người mang lại cho non sông, đất nước, nhạc sĩ Ngọc Cuông chủ yếu lựa chọn viết về những công lao của Bác và nỗi nhớ, lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với Người. Những lời ca của anh giản dị nhưng chân thành, ấm áp, thấm đẫm tình cảm trân quý nhất của một cựu quân nhân khi nhớ đến Người: "Như thấy Người bên ta, nâng bước đoàn quân đi. Tiếng Bác vọng núi sông, giành tự do trên đường ta xốc tới. Trọn niềm tin đi cứu nước, ta tự hào con đường mòn Hồ Chí Minh" (ca khúc "Tự hào con đường mang tên Bác"). Đó còn là nỗi niềm bâng khuâng trước cảnh mùa xuân tươi đẹp của đất nước: "Đất trời thắm sắc muôn hoa/Đẹp câu thơ Bác năm nào còn ghi/Tiến lên chiến sĩ đồng bào/"Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào" còn ghi" (bài hát "Mùa xuân ơn Bác")...
Bên cạnh những ca khúc viết theo lối hiện đại, nhạc sĩ Ngọc Cuông lựa chọn thể loại hát văn để sáng tác hai ca khúc "Mùa xuân ơn Bác" và "Cao Bằng mang hình bóng Bác". Sở dĩ anh chọn thể loại dân ca vì những giai điệu truyền thống này da diết, dễ đi vào lòng người, đồng thời nhiều người có thể biểu diễn chứ không chỉ các ca sĩ chuyên nghiệp. Chính vì vậy, hai ca khúc này của anh được nhiều người lựa chọn khi tham gia các sân khấu không chuyên. Một nguyên nhân nữa là vì anh được biết trước lúc đi xa, Bác Hồ mong mỏi được nghe những làn điệu dân ca. Sáng tác bài hát về Người bằng làn điệu dân ca là một cách để anh tưởng nhớ chân thành, đầy xúc động.
Mỗi bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được nhạc sĩ Ngọc Cuông đầu tư trau chuốt hàng tháng trời. Sau khi viết, anh đều tự dạo nhạc và hát, những chỗ chưa được vừa ý đều được anh sửa chữa nhiều lần cho tới khi thật ưng ý. Có những câu hát nay viết rồi ngày mai anh lại phải thay mới hoàn toàn. Có những từ khiến anh suy nghĩ, lựa chọn nhiều ngày. Khi bài hát của mình được lựa chọn để dàn dựng quay phim phát trên truyền hình hay biểu diễn trên sân khấu, anh đều góp ý, chỉnh sửa cho ca sĩ cách biểu đạt sao cho phù hợp nhất. "Những ca khúc này đều là kết tinh của tấm lòng kính yêu, ngưỡng mộ dành cho Bác nên tôi mong muốn những người biểu diễn thật chỉn chu, cẩn thận. Đó cũng là một cách hướng đến Người tuy không to tát nhưng hết sức chân thành", nhạc sĩ Ngọc Cuông xúc động bày tỏ.
VIỆT HÒA