Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, nhiều nông dân Hải Dương đã nhạy bén ứng dụng công nghệ để hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Trang trại bò 3B do ông Lê Văn Thành quản lý ở xã Hiệp Hoà (Kinh Môn) ứng dụng công nghệ số
Trợ thủ đắc lực
Giờ đây, ông Phạm Văn Giang ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) không còn phải bận rộn, lọ mọ ghi chép rồi lật giở từng trang giấy để kiểm tra quy trình trồng vải xuất khẩu của mỗi hộ dân. Chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối internet quét mã QR thì ông đã nắm bắt được toàn bộ thông tin. Từ việc đốn tỉa cây đến bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được ông cùng các thành viên HTX Ameii Việt Nam cập nhật và lưu trữ trên nhật ký điện tử để tiện theo dõi. Khu vực trồng vải rộng gần 20 ha của HTX cũng được gắn camera giám sát, giúp ông Giang có thể bao quát mọi khâu sản xuất. Cách làm này thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc nên vài năm nay, vải của HTX được lựa chọn để xuất khẩu và cung cấp cho thị trường phân khúc cao. Không chỉ hữu dụng trong sản xuất mà nhờ công nghệ, ông Giang còn kết nối, tìm kiếm kênh tiêu thụ mới thông qua các sàn thương mại điện tử. "Mới đầu khi tiếp cận công nghệ số tôi còn dè dặt, thậm chí e ngại. Bao năm trồng vải chỉ biết tự chăm sóc, thu hoạch rồi bán cho thương lái, thế mà hiện tại mọi thứ đã đổi khác. Cách nghĩ, cách làm không còn bó hẹp theo lối mòn truyền thống, nhờ công nghệ, chúng tôi đã năng động, nhạy bén hơn nhiều. Kinh nghiệm trồng vải bao năm tích lũy giờ cũng chỉ bằng một thao tác tìm kiếm trên máy tính, điện thoại", ông Giang chia sẻ.
Không đứng ngoài xu thế, trang trại bò lang trắng xanh (Blanc - Blue - Belgium hay còn gọi là bò 3B) hiện đại do ông Lê Văn Thành quản lý ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) cũng ứng dụng tương đối đồng bộ công nghệ số trong sản xuất. Chuồng trại được lắp đặt hệ thống camera giám sát để tiện theo dõi bò sinh trưởng, phát triển. Các khâu chăm sóc cũng được thực hiện tự động, bán tự động. Chỉ cần ngồi trước máy tính hoặc sử dụng điện thoại có kết nối internet là ông Thành có thể điều hành được hoạt động của trang trại mà không cần đến tận nơi kiểm tra. Theo ông Thành, ngay từ đầu ông và các cộng sự hướng tới xây dựng một trang trại bò 3B chất lượng, chuyên nghiệp nên đã chủ động nghiên cứu, học hỏi mô hình quản lý số. Dù mức đầu tư ban đầu có tốn kém hơn nhưng mang lại nhiều lợi ích. Ông không cần thuê nhiều nhân công cũng như phải tất bật theo sát chuồng trại. Ông Thành cho biết: "Tôi làm nông từ bé, hiểu rõ những vất vả, cực nhọc của nghề. Từ ngày có công nghệ số hỗ trợ, mọi thứ thuận lợi hơn nhiều. Tôi có thể chủ động tiếp nhận kiến thức, thông tin về chăn nuôi, kết nối với những người làm cùng nghề khắp mọi nơi để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trên môi trường mạng. Ngồi một chỗ hay đi đâu đó cũng có thể nắm bắt tường tận tình hình sản xuất tại trang trại".
Trước những yêu cầu bức thiết từ thực tế, nhiều nông dân Hải Dương đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, coi công nghệ số là biện pháp hỗ trợ hữu ích trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như công nghệ cao là bệ đỡ thì công nghệ số giống như chìa khóa để mở toang cánh cửa của nền nông nghiệp hiện đại.
Hướng tới bài bản
Ông Nguyễn Huy Toản ở xã Nam Tân (Nam Sách) - một trong những hộ đi đầu áp dụng công nghệ số vào nuôi cá lồng
Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp là tất yếu, sẽ tạo ra đột phá cho lĩnh vực vốn chậm thay đổi và nhiều rủi ro này. Thời gian qua, cú sốc từ dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống song lại là chất xúc tác để công nghệ số tới gần hơn với nông nghiệp, nông dân. Cũng nhờ đó mà Hải Dương ngày càng có nhiều "nông dân số", am hiểu tường tận và sử dụng thành thạo công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Dù vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn mới mẻ và nhiều rào cản chưa thể vượt qua.
Năm 2021, nông sản Hải Dương đổ bộ rầm rộ lên "chợ điện tử". Thông qua các sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân đã làm chủ được đầu ra thay vì phụ thuộc vào thương lái như trước. Dịch Covid-19 làm mua bán truyền thống trở nên trắc trở nhưng lại vun đắp cho giao thương trực tuyến. Nhiều loại nông sản của tỉnh đã có gian hàng ảo trên các trang thương mại uy tín và tạo được hiệu ứng tốt với khách hàng. Ông Dương Văn Nam, Giám đốc HTX Nông sản sạch Nam Vũ cho biết cái được của bán hàng trực tuyến không nằm ở giá trị về số lượng hàng hóa mà là giá trị thương hiệu. Dù nguồn hàng tiêu thụ qua kênh này ít, chủ yếu là bán lẻ song lại tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Người tiêu dùng sẽ nắm bắt được thông tin về sản phẩm chính xác và minh bạch nhất, chứ không còn phải hoài nghi về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Và ngược lại, từ những thông tin phản hồi, nông dân có thể điều chỉnh kỹ thuật sản xuất phù hợp với thị hiếu.
Tuy đã đạt được thành công bước đầu nhưng để chuyển đổi số phủ sóng rộng khắp trong nông nghiệp thì vẫn là bài toán nan giải. Việc ứng dụng vẫn còn manh mún và tự phát, không cân đối giữa các khâu sản xuất, tiêu thụ. Do đó, phải có sự định hướng từ các cơ quan, đơn vị chuyên môn để chuyển đổi số trong nông nghiệp được bài bản, đồng bộ.
Ông Nguyễn Huy Toản ở xã Nam Tân (Nam Sách) - một trong những hộ đi đầu áp dụng công nghệ số vào nuôi cá lồng trăn trở: "Vì tự phát, làm theo nên kiến thức về chuyển đổi số của tôi cũng như các hộ khác còn bập bõm, mơ hồ. Tôi rất mong muốn có được sự hỗ trợ, giúp sức từ các cấp, các ngành để tự tin, mạnh dạn hơn khi áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất".
DŨNG CƯỜNG